Lật tàu ngoài khơi Libya, nghi 90 người thiệt mạng
- 15:40 03-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), ước tính 90 người di cư có khả năng đã bị chết đuối, chỉ có 3 người may mắn sống sót và mới chỉ vớt được 10 thi thể.
Bà Olivia Headon, phát ngôn viên của IOM cho biết: "Chúng tôi chỉ mới nhận được tin rằng hầu hết người có mặt trên thuyền là người Pakistan, tuy nhiên chúng tôi vẫn cần phải xác nhận lại số lượng người và quốc tịch của họ. Tôi tin rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót".
Đội cứu hộ đã cứu được 329 người tị nạn và nhập cư, hầu hết họ đến từ Eritrea và Bangladesh vào ngày 27-1-2018. Ảnh: SCMP |
Bà Headon cũng cho biết số lượng người Pakistan cố gắng vượt Địa Trung Hải để tới Ý và châu Âu đã tăng lên đáng kể. Năm ngoái, trong số người di cư đến châu Âu, người Pakistan đứng ở vị trí thứ 13 tuy nhiên trong tháng 1 năm nay đã tăng lên vị trí thứ 3.
Một phát ngôn viên khác của IOM, ông Leonard Doyle cho biết chiếc thuyền được cho là đã rời bờ vào ngày 1-2 trước khi bị lật vào sáng ngày 2-2.
Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố 11 công dân nước này đã thiệt mạng trong vụ việc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Mohammad Faisal cho biết các nhà ngoại giao Pakistan đã đến bờ biển Libya để tìm hiểu chi tiết tình hình và bắt đầu quá trình đưa các thi thể về nước.
Người di cư thường chen chúc trên một chiếc thuyền nhỏ xuất phát từ Libya với hy vọng cập bến châu Âu. Ảnh: AP |
Trong tháng 1 có hơn 6.600 người vượt Địa Trung Hải, hai phần ba trong số họ tìm đường đến Ý. Khoảng 250 người đã thiệt mạng trong quá trình di cư này.
Libya là cửa ngõ chính cho người di cư đến châu Âu bằng đường biển. Tuy nhiên dưới sức ép từ Ý và EU, chính quyền Libya đã bắt đầu chặn các chuyến di cư này, khiến số lượng người di cư giảm đáng kể từ tháng 7-2017.
Trong vòng 4 năm qua, ước tính có hơn 600.000 người đã di cư từ Libya đến Ý. Những tháng gần đây, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn người nhập cư và đưa họ trở lại Libya.
Tuy nhiên theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền, các nhà hoạt động đã chỉ trích chính sách này, cho rằng người nhập cư thường phải đối mặt với nghèo đói và bóc lột lao động tại Libya. Người nhập cư bị bắt trên đường đến Ý sẽ bị đưa vào các trung tâm giam giữ đông đúc dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ.