Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thưởng Tết giáo viên: “Không đảm bảo được thu nhập và cái Tết, giáo viên khó giữ được sự tâm huyết với nghề"

Theo bà An, nghề nào cũng tạo ra sản phẩm, nghề giáo dục tạo ra sản phẩm giá trị hơn nhiều nghề khác bởi đất nước muốn phát triển thì phải có chất lượng giáo dục nhưng chúng ta lại đang thờ ơ với thu nhập, cuộc sống và cái Tết của các giáo viên, nhất là giáo viên vùng núi.

Câu chuyện thưởng Tết cho giáo viên càng được người ta nhắc đến nhiều hơn trong mỗi dịp năm hết, xuân về. Tuy nhiên, dù nhiều năm nay, các chuyên gia đã đề cập nhưng gần như thưởng Tết cho ngành này vẫn mang màu u ám.

Lên tiếng đòi hỏi các nhà chức trách cần hiểu rõ hơn giá trị của thưởng Tết cho giáo viên, ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) khẳng định: “Việc chăm lo cho đời sống giáo viên ở Việt Nam thời gian qua đang có vấn đề”.

Theo bà An, sản phẩm giáo dục là một sản phẩm phức tạp chứ không giống những chiếc áo, chiếc quần. Vậy nên, chúng ta cần đặt giáo dục vào đúng vị trí của nó. Đầu tư cho giáo dục để bắt đầu cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

 Thưởng Tết cho giáo viên, bao giờ mới hết màu u ám?

Với bà An, “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Chính vì vậy, bà An cho rằng, cần quan tâm đến đội ngũ của các thầy cô. Nhưng nên quan tâm bằng cách quan tâm đến đời sống của họ, đào tạo họ. Ngoài ra, cũng giống như các ngành khác, ở Việt Nam, việc thưởng Tết và quà Tết được người dân coi trọng.

“Theo tôi, các trường có rất nhiều cách để tạo ra những nguồn thu. Chính vì vậy, các trường phải có những khoản trích dành riêng cho việc thưởng Tết của giáo viên, vừa là để động viên tinh thần, cũng là để khích lệ thêm niềm đam mê cống hiến cho sự nghiệp trồng người của các thầy cô”, ĐBQH nói.

Tùy từng điều kiện cụ thể để có mức thưởng cho giáo viên được hợp lý. Hơn thế nữa, không nên thưởng đồng đều cho các giáo viên mà cần dựa vào sự cống hiến nhất định để có mức thưởng cho họ sao cho xứng đáng. Điều đó thể hiện sự quan tâm của xã hội đến ngành, sự quan tâm của trường đến những người đã tạo ra sản phẩm quý giá ấy.

Lãnh đạo ngành đừng khoán trắng cho các trường

Như chúng ta đã thấy, ở các trường hệ từ mầm non đến trung học phổ thông, họ không có các nguồn thu thêm nên thưởng Tết cho các giáo viên gần như không có. Đặc biệt là những trường vùng sâu, vùng xa, còn khó khăn gấp bội.

Ngược lại, ở các trường hệ từ Trung cấp đến cao đẳng, đại học có nguồn thu thêm nên có nơi giảng viên thưởng Tết lên đến cả trăm triệu.

“Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là cơ quan đầu ngành không nên khoán trắng cho các trường mà cần có chỉ đạo nhất định. Họ phải có chính sách thế nào để bù trừ cho nhau trong những trường hợp này. Nếu cứ mãi kéo dài sự mâu thuẫn này là điều chưa được trong ngành giáo dục”, nữ ĐBQH này nhận định.

Điều ấy cần sự điều chỉnh khéo léo trong ngành để làm sao từ trường mầm non đến cấp học viện ai ai cũng có thưởng.

 ĐBQH Bùi Thị An nêu quan điểm về vấn đề này.

Theo ĐB Bùi Thị An, ai cũng biết thu nhập của giáo viên thuộc diện mức thấp, nhưng xã hội ngày càng phát triển, những cuộc cải cách giáo dục chiếm lĩnh hết thời gian của họ, khiến công việc của giáo viên ngày càng trở nên căng thẳng. Chính vì vậy, nếu ngành không đảm bảo được thu nhập, đảm bảo được cuộc sống và cái Tết cho giáo viên thì khó có thể giữ được sự tâm huyết trong nghề.

“Theo tôi, thời gian vừa rồi ban ngành chưa thực sự quan tâm đúng và đủ đến đời sống giáo viên. Chính vì vậy, ngay trong chính ngành của mình, các giáo viên đều cần lên tiếng nếu thấy bất cập. Để thay đổi trong một ngành thực sự khó, nhưng khó mấy cũng sẽ làm được, bởi ngành này tạo ra sản phẩm con người, đây là cốt lõi trong xã hội”, đại biểu Bùi Thị An nói.

Giai đoạn vừa rồi chúng ta phải thừa nhận, sự quan tâm đến đời sống giáo viên chưa thực sự đúng mực. Vì vậy, tất cả các chính quyền, các cấp, các sở giáo dục đều phải lo. Vấn đề này phải được đưa lên Hội đồng nhân dân bàn chuyện này, đảm bảo cuộc sống cho họ. Nhưng bên cạnh đó phải quản họ thật nghiêm túc để việc thưởng tương xứng với chất lượng. Chúng ta đã quan tâm đủ, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ đòi hỏi chất lượng đầu ra.