Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Căn nhà heo hút giữa đồng và tuổi thơ đói nghèo của Xuân Mạnh U23

“Một lần nhận được 140 nghìn đồng tiền hỗ trợ từ CLB dành cho các cầu thủ, không hiểu vì lý do gì mà Mạnh làm mất. Con không dám nói với chúng tôi, cứ khóc qua điện thoại. Lúc đó tôi thương con lắm…”, ông Linh kể lại.

Video: Thời thơ ấu cực khổ của Xuân Mạnh (Thực hiện: Vũ Lụa)

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/02/02/nha_2_1_18.mp4[/presscloud]

Đường lên nhà cầu thủ Xuân Mạnh phải đi qua một cánh đồng với bụi phủ đỏ cả chân người. Khi chúng tôi có mặt tại nhà, ông Phạm Xuân Linh (SN 1964), bố của Mạnh, vừa nghỉ tay sau một buổi cày đồng.

 Gia đình của Xuân Mạnh chỉ có mấy sào ruộng để canh tác. Ảnh: Ngọc Trang

Không nhanh nhẹn, tháo vát như vợ nên ông chỉ ở nhà lo các việc nhà cửa, đồng ruộng, phần “đối ngoại” như đưa, đón con ông đành nhờ vợ chạy ngược chạy xuôi.

Câu hỏi của chúng tôi về Xuân Mạnh phải đến lần thứ ba ông mới nghe rõ. “Bố em nặng tai, chị nói to lên”, chị Phạm Thị Mai (SN 1993), con gái của ông, ngồi bên cạnh giải thích.

 Ông Linh bên chiếc máy cày mua chịu từ Hợp tác xã. Ảnh: Ngọc Trang.

Theo chị Mai, nhiều năm trước đây ông Linh bị chứng đau nửa đầu. Đau quá ông mua thuốc về trị bệnh tại nhà. Uống hết thuốc, ông đỡ chứng đau đầu thì phát hiện một bên tai không còn nghe rõ. Không có tiền đến bệnh viện điều trị, công việc đồng áng lại liên miên nên ông đành kệ. Lâu dần, ông bị điếc hẳn một bên.

Qua lời kể của ông Linh, con đường để đến với nghiệp bóng đá của cầu thủ Xuân Mạnh không hề dễ dàng.

Ông nhớ nhất là những ngày con trai được mời xuống TP Vinh để dự thi tuyển vào CLB Sông Lam Nghệ An. Đó là chuyến đi xa đầu tiên của một người trong gia đình ông Linh.

“Chúng tôi gom góp được 250 nghìn đồng để vợ tôi đưa con xuống thành phố ở trong 3 ngày, chờ đến lượt thi tuyển. Vợ tôi kể lại, xuống thành phố, tiền ăn uống, thuê trọ tốn kém đến buổi cuối cùng số tiền trên hết sạch. Trong túi hành lí của 2 mẹ con chỉ còn gói mì tôm. Mạnh dù nhỏ tuổi nhưng đã biết nhường mẹ. Mẹ thì thương con nên bảo: “Con ăn để có sức chiều mà thi cho tốt”.

 Căn nhà cũ, nơi cầu thủ Xuân Mạnh trải qua những năm tháng thời thơ ấu. Ảnh: Ngọc Trang.

Sau khi thi tuyển, đến lúc trả tiền phòng, hai mẹ con đành mượn của người đi cùng để thanh toán. Tuy nhiên người chủ ở đó nói đã có người thanh toán tiền phòng trọ cho mẹ con bà Hà. Ai đó biết hoàn cảnh khó khăn của nhà Xuân Mạnh đã âm thầm giúp đỡ.

“12 năm trôi qua, gia đình tôi vẫn không biết người ấy là ai. Chúng tôi vẫn nợ họ một lời cảm ơn”, ông Linh xúc động nói.

Trong mắt ông, Xuân Mạnh là đứa trẻ thiệt thòi. Ông kể: “Thời gian con được đào tạo ở CLB Sông Lam Nghệ An có một lần con làm chúng tôi hoảng hốt thật sự”.

Theo ông Linh, thời điểm đó chưa có điện thoại di động nên định kỳ ông ra bưu điện gọi cho con. Tôi gọi xuống CLB gặp Văn Đức, cầu thủ cùng ở CLB Sông Lam Nghệ An. Đức “mách”: “Mạnh vừa làm mất tiền nên đang khóc đỏ cả mắt”.

“Đó là 140 nghìn đồng, tiền hỗ trợ từ CLB dành cho các cầu thủ. Không hiểu vì lý do gì mà Mạnh làm mất. Con không dám nói với chúng tôi mà chỉ lặng khóc. Lúc đó tôi thương con lắm…”, ông Linh kể lại.

Bà Phan Thị Hà, mẹ Xuân Mạnh, cũng chia sẻ: “Ngày trước ở CLB, Mạnh được lo chuyện ăn, ở nhưng việc học văn hóa vẫn phải nộp học phí. Vào những lần phải đóng tiền cho con nếu dịp đó bán được con gà, con lợn thì thật may. Nhưng nếu không chúng tôi lại phải chạy vạy mượn họ hàng, làng xóm”.

 Từ năm 2015, gia đình cầu thủ Xuân Mạnh đã xây nhà mới. Theo mẹ anh, số nợ tiền xây nhà đến nay họ vẫn chưa trả hết. Ảnh: Ngọc Trang.

Bà cũng nhớ về một lần phải đi họp phụ huynh cho con mà chiếc xe máy của nhà bị hỏng. Mẹ cầu thủ Văn Đức phải đi ngược đường lên để đón bà để 2 bà mẹ cùng xuống thành phố.

Nhà có 3 chị em, Mạnh là con út nhưng là con trai duy nhất. Vì thế vào mùa vụ, một chị gái được phân công ở nhà nấu cơm và chăm sóc lợn gà, còn lại Mạnh sẽ cùng một chị gái và bố mẹ ra đồng.

“Mạnh nhỏ nhưng cày bừa rất giỏi. Hai chị em cứ thay nhau cày, làm hết ruộng nhà mình lại đi cày thuê cho nhà khác”, chị Phạm Thị Mai nhớ về tuổi thơ của hai chị em Xuân Mạnh.

 Mẹ Xuân Mạnh chia sẻ: “ Vào những lần phải đóng tiền cho con nếu dịp đó bán được con gà, con lợn thì thật may. Nhưng nếu không chúng tôi lại phải chạy vạy mượn họ hàng, làng xóm”. Ảnh: Ngọc Trang

Chị Mai cho biết: “Lam lũ từ nhỏ, đi làm việc đầy mệt nhọc nhưng ăn uống thì kham khổ vô cùng. Mỗi bữa ăn, chỉ có cơm và nhút (một loại dưa) nấu lẫn với cua cá bắt được ở đồng. Thỉnh thoảng lắm, mẹ mới mua thịt. Đó là loại thịt xấu, nhiều mỡ nhưng vẫn thấy ngon vô cùng”.

Vẫn lời chị gái của Xuân Mạnh, tuổi thơ của Mạnh cũng như 3 chị em chưa từng biết đến hộp sữa, một cốc nước đường.

“Tết đến, mẹ mua đường về làm gia vị, mấy chị em phải lén bố mẹ chấm đầu ngón tay vào bát đường để cảm nhận vị ngọt.

Chuyện quần áo mới để 3 chị em mặc Tết thì càng xa xỉ hơn. Năm nào cũng như năm nào, họ hàng soạn sửa cho ít quần áo cũ của các anh chị rồi gửi về cho 3 chị em. Có những bộ, chị mặc ngắn thì lại chuyển cho em.

Tuy nhiên biết hoàn cảnh gia đình, ba chị em tôi không bao giờ dám đòi hỏi gì hơn”, Mai nói khi những giọt nước mắt đã bắt đầu lăn dài trên má.

 Chị Phạm Thị Mai, chị gái Xuân Mạnh.

Theo Mai, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các con khổ một thì bố mẹ khổ mười: “Bữa ăn nào có thịt, mẹ cũng không chịu gắp mà để cho các con. Mẹ cũng luôn là người truyền sự lạc quan và động viên các con cố gắng.

Bây giờ khi Mạnh được gọi vào đội tuyển bóng đá, em được ăn uống và sinh hoạt trong đội tuyển nên những bữa cơm của em không còn thiếu thịt như trước”.

Mai và chị gái đã đi lấy chồng nhưng kinh tế không hề khá giả nên chưa giúp đỡ được bố mẹ. Mạnh là em út nhưng đang trở thành trụ cột cho cả gia đình.

Có lần Xuân Mạnh gọi điện về dặn mẹ: “Mẹ ơi nhiều thì con chưa lo được nhưng thiếu vài triệu mẹ đừng nói với chị, để con lo. Các chị đi lấy chồng rồi phải lo cho con cái, gia đình mới…”. Nghe bà Hà kể lại cuộc điện thoại của em trai, Mai lại bật khóc.

Được biết, Xuân Mạnh đang là trụ cột của gia đình, mỗi tháng Mạnh đều gửi tiền về nhà để bố mẹ trả nợ và trang trải cuộc sống.