Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hành trình kỳ diệu của Phương: Cô gái nằm một chỗ được chàng trai miền Nam yêu

21 tuổi, Nguyễn Thị Phương (ngụ H.Tân Kỳ, Nghệ An) mắc căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp - u máu tủy sống.

 Tình yêu và nghị lực sống đã giúp Phương vượt qua cái chết và có một gia đình nhỏ hạnh phúc (ẢNH: KHÁNH HOAN)

Suốt 17 năm qua, cô đã chống chọi được với tử thần nhờ câu chuyện tình cổ tích có thật và một hành trình sống vô cùng kỳ diệu.

Hai cuốn tự truyện Cổ tích tình yêu và Hành trình kỳ diệu được Phương viết trên giường bệnh với kiến thức mới học xong lớp 9. Đó là những câu chuyện xót xa về số phận, cảm động và kỳ diệu về tình yêu, tình người, nghị lực sống của Phương. Những cuốn sách thắp lên hy vọng sống và sống có ích cho nhiều người.

Số phận nghiệt ngã

Năm 2000, căn bệnh u máu tủy sống "dính" vào Phương khi cô đang làm công nhân tại TP.HCM. Sau hơn 3 năm gia đình “vét bán hết những gì có thể bán được” để tìm hy vọng sống cho Phương ở bệnh viện, với sự giúp đỡ của các bác sĩ và một giáo sư đầu ngành về mạch máu của Pháp, nhưng mọi hy vọng đều tắt lịm. Đó là một cú đánh chí tử vào cuộc đời Phương.

“Khi ra đi, tôi đi bằng chân mình, hơn 3 năm sau, tôi về nhà trên lưng người khác. Em trai tôi cõng tôi ra bến xe để về Nghệ An”. Và, “tôi đã thực sự trở thành phế nhân, cây tầm gửi. Sống không hy vọng. Không tương lai. Không mục đích. Sống chỉ để sống, để làm khổ cha mẹ”, Phương nói.

Mùa đông năm 2006, tôi tìm đến nhà Phương ở xã Nghĩa Dũng (H.Tân Kỳ) để viết về câu chuyện tình cảm động của chàng trai Trương Văn Chín quê ở Tiền Giang dành cho Phương. Căn nhà của bố mẹ Phương đứng chênh vênh bên con đường làng gập ghềnh đá. Phương nằm trên giường, cơ thể khô quắt như tàu lá, chỉ có nụ cười vẫn nở trên môi.

Cô đã phải trải qua 4 đợt phẫu thuật và chỉ còn sống với một đốt sống còn lại cùng cái nẹp đốt sống bằng inox. Từ ngực trở xuống không còn cảm giác. Mọi sinh hoạt, Phương đều phải nhờ đến người khác.

Khi không may phải đương đầu với bệnh tật, nếu bạn cố gắng, sẽ tìm ra giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Lúc khó khăn nhất, chúng ta hãy tìm khả năng đặc biệt đang tiềm ẩn trong con người mình

Phương nói, cô còn sống được là nhờ sức mạnh từ tình yêu của Chín. Hai người tình cờ quen nhau tại bệnh viện, khi Chín đến khám và điều trị bệnh zona thần kinh còn Phương "chiến đấu" với căn bệnh quái ác.

Tình yêu nảy nở và lớn lên từ ấy. Chín đã tìm ra nhà Phương sau mấy tháng cô trở về nhà chờ chết và anh quyết ở lại gắn bó, chăm sóc người yêu đến cùng dù Phương và bố mẹ cô ra sức “đuổi về”.

Đọc câu chuyện tình xúc động này trên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Khai (Chủ tịch Tập đoàn đông dược Bảo Long) đã có một quyết định rất nhân văn làm thay đổi cuộc sống Phương.

Một buổi sáng cuối năm 2006, mưa phùn và rét căm căm. Ông Khai cùng ê kíp y, bác sĩ của Bệnh viện Bảo Long từ Sơn Tây (Hà Nội) mang xe cứu thương vượt gần 400 km vào nhà bố mẹ Phương. Lúc đó, Phương gầy như cái xác ve, chỉ vỏn vẹn 27 kg. Nhìn cơ thể như sợi chỉ của Phương, ông Khai chỉ còn một chút hy vọng vào sự thần kỳ mà ông nói, “đôi khi đông dược vẫn tạo ra”.

Điều kỳ diệu của tạo hóa

Và điều thần kỳ mong manh ấy đã đến thật. Ra Bệnh viện Bảo Long, những bài thuốc đông dược giúp cơ thể Phương dần hồi sinh. Da thịt đã có sự sống.

Đám cưới của Phương và Chín được tổ chức ngay tại bệnh viện. Ước mơ một lần mặc váy cô dâu của Phương được chạm tới. 10 tháng sau, “tàu lá héo” ấy đã làm nên một điều kỳ diệu chấn động bệnh viện: Phương mang thai. Như một màu nhiệm. Không ai dám tin một cơ thể nằm một chỗ trên giường đã 7 năm nay, đôi chân teo tóp, nửa cơ thể dưới không còn cảm giác, tiểu tiện cũng phải qua cái ống dẫn đeo bên hông ấy vẫn còn thiên chức tạo mầm sống mới.

Các bác sĩ cũng chỉ có thể lý giải bằng tâm linh, rằng có lẽ, tình yêu đầy tận hiến của Chín và khát khao sống của Phương đã khiến tạo hóa động lòng.

8 tháng 12 ngày sau, Phương chuyển dạ. Cô không cảm nhận được những cơn đau. Các bác sĩ khoa sản đang lo lắng hội chẩn cho ca mổ đặc biệt này thì bé trai nặng 2,3 kg bất ngờ chui ra từ cơ thể héo úa ấy, khiến họ phải kinh ngạc. Món quà trời ban ấy được đặt tên là Bảo Phúc.

Ở một góc Bảo Long y võ, từ đó, một gia đình nhỏ luôn rộn tiếng cười. Hạnh phúc như xóa tan những cơn đau nhức vì nhiều chứng bệnh của Phương. Chín đi làm, cô tranh thủ khi con ngủ để viết lại câu chuyện cuộc đời mình và tình yêu mà chồng đã tận hiến cho cô để cô vượt qua những thử thách nghiệt ngã. Năm 2012, cuốn tự truyện Cổ tích tình yêu được Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành. Năm đó, cô được Hội Liên hiệp Thanh niên VN tặng giải thưởng Thanh niên sống đẹp. Vợ chồng cô chuyển về Nghệ An, dựng căn nhà nhỏ trong vườn nhà bố mẹ cô để sinh sống.

Một biến cố khác lại ập đến, thử thách Phương vào cuối năm 2015. Phương bị tràn dịch màng phổi thứ trấp. Căn bệnh hiếm gặp này không phải nan y với mọi người, nhưng với cơ thể quá yếu của Phương đã khiến các bác sĩ phải bó tay sau gần 2 tháng điều trị. Một buổi sáng u ám, rét buốt, chiếc xe cứu thương của bệnh viện hụ còi chạy vội vã về xã Nghĩa Dũng để Phương còn kịp gặp người thân lần cuối. Thật kỳ lạ. Về nhà, không phương tiện y tế hỗ trợ, Phương lại khỏe ra và căn bệnh quái ác ấy tự lui dần khiến các bác sĩ từng chữa trị cho cô phải kinh ngạc. Tháng 10.2017, cuốn tự truyện thứ hai Hành trình kỳ diệu của Phương được xuất bản.

Truyền nghị lực sống

Cuốn sách là những câu chuyện cảm động về tình yêu mà người bạn đời đã dành cho cô và những con người xa lạ đã bất ngờ xuất hiện đúng lúc để chia sẻ, hỗ trợ Phương trong những lúc cô tuyệt vọng nhất. Bà Bùi Thị Ngọc, Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An, nói khi nhận bản thảo của Phương, bà đọc một mạch và vỡ òa ra nhiều thứ. “Phương phải nếm trải những đau đớn trên thể xác mà bệnh tật đã gây ra, bị dằn vặt tinh thần vì “đời thừa” của mình khi phải cột mình trên giường, trên chiếc xe lăn trong tình cảnh thần chết luôn rình rập. Điều đáng quý là cô đã vượt lên nghịch cảnh để vui sống, sống có ích, có ý nghĩa”. Hành trình kỳ diệu sau đó được tỉnh Nghệ An chọn in làm cuốn sách truyền nghị lực sống, sống có ích cho tuổi trẻ học đường.

Khi căn bệnh quái ác ập đến, không còn hy vọng chữa, Phương viết: “Tôi chỉ muốn biến mất khỏi cuộc đời này càng nhanh càng tốt, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho những người thân yêu khi sống cuộc sống không còn ý nghĩa”, nhưng sau đó, cô đã tự chiến đấu với chính mình. Tình yêu của người bạn đời đã giúp Phương nhận ra giá trị của cuộc sống, ni cô Phước Nhẫn mà Phương tình cờ gặp trong bệnh viện với những lời nhắn gửi hãy sống như không có đau khổ, như đã cầm tay dắt cô ra khỏi bóng tối thất vọng. “Tôi đã thấy cuộc sống có ý nghĩa... Tôi sinh được con. Tôi tự tập luyện để khi vắng chồng, tôi đã có thể tự ngồi dậy gội đầu cho mình, tắm cho con, bán hàng kiếm sống và viết lách”, Phương tâm sự.

Trong mỗi câu chuyện, Phương đúc kết một bài học ý nghĩa. “Khi không may phải đương đầu với bệnh tật, nếu bạn cố gắng, sẽ tìm ra giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Lúc khó khăn nhất, chúng ta hãy tìm khả năng đặc biệt đang tiềm ẩn trong con người mình. Cuộc sống càng khắc nghiệt, chúng ta càng phát huy được sức mạnh đó”, Phương viết.