Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhận thưởng kỷ lục, U23 Việt Nam không phải nộp thuế TNCN

Hàng chục tỷ đồng tiền thưởng của các cầu thủ U23 Việt Nam gắn với danh hiệu được trao tặng thì sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Thuế TNCN, Tổng cục Thuế cho biết.

Theo một nguồn tin, cơn mưa tiền thưởng ước tính phải lên tới con số 30 tỷ, thay vì chỉ 20 tỷ trước khi đội tuyển U23 Việt Nam đá trận chung kết AFC Cup 2018 tại Thường Châu, Trung Quốc. Hiện, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chưa có thống kê chính xác. Tuy nhiên, đây là con số tiền thưởng kỷ lục chưa từng thấy cho một đội tuyển trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Trả lời cho câu hỏi, liệu các cầu thủ có phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với mức cao lên tới 35% không?

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Thuế TNCN, Tổng cục Thuế cho biết, theo chính sách hiện hành, các khoản tiền thưởng nằm trong nhóm thu nhập từ tiền lương, tiền công (là thu nhập của người lao động nhận được từ người sử dụng lao động) thì sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, không phải khoản thưởng bằng tiền nào cũng phải nộp thuế này.

 U23 Việt Nam

Cụ thể, Thông tư 111 hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân, tại điểm e, khoản 2, Điều 2 về thu nhập chịu thuế, đã quy định có tới 4 nhóm tiền thưởng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đầu tiên là khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, các danh hiệu nthi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Ví dụ như thưởng cho Chiến sĩ thi đua, Huy chương, Huy hiệu, bằng khen,giấy khen, kèm theo các giải thưởng của Hội hay tổ chức chính trị-xã hội trao tặng, giải thưởng Hồ Chí Minh...

Kế đó là tiền thưởng cho các phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật được Nhà nước công nhận, tiền thưởng cho việc tố giác tội phạm và trong đó, có tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, quốc tế được Nhà nước thừa nhận.

Như vậy, có thể thấy, các khoản tiền thưởng trao cho các cầu thủ U23 Việt Nam khi gắn với danh hiệu Á quân giải bóng đá U23 châu Á, một giải thể thao quốc tế được thừa nhận sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nói cách khác, khoản tiền thưởng nóng 1,2 tỷ đồng mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) công bố tặng cho U23 Việt Nam gắn với danh hiệu này cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, hiện khái niệm “tiền thưởng” mà các doanh nghiệp, mạnh thường quân, tổ chức tặng cho đội tuyển U23 là cách gọi nôm na mà báo chí đưa tin. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, đó là “quà tặng”, là một dạng thu nhập của các cá nhân nhưng không thuộc nhóm tiền lương tiền công do người sử dụng lao động chi trả.

Điều 2, khoản 10, Thông tư 111 đã quy định riêng về "thu nhập từ nhận quà tặng". Trong đó, các cá nhân sẽ chỉ phải nộp thuế TNCN khi nhận quà tặng dưới 4 hình thức gồm chứng khoán, phần vốn doanh nghiệp, bất động sản và các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như ô tô, xe máy, du thuyền, súng thể thao,...

"Tiền thưởng” cho các cầu thủ U23 là quà tặng bằng tiền thì không phải nộp thuế TNCN, do không phải là một trong 4 nhóm quà tặng trên và cũng không phải là tài sản phải cấp quyền sở hữu như “sổ đỏ, sổ hồng” đối với nhà ở, hay “giấy đăng ký” đối với phương tiện.

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, có thể thấy, các khoản tiền thưởng theo Luật Thuế TNCN như thưởng lễ, tết,... của cơ quan, tổ chức cho người lao động thì sẽ vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đây là một loại thu nhập từ tiền lương và tiền công, được quy định dưới dạng là "các khoản lợi ích mà người lao động chi cho người sử dụng lao động trong các ngày nghỉ, ngày lễ..." của Thông tư 111 và sẽ phải nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến hiện hành. Mức thuế suất cao nhất là 35% cho thu nhập trung bình 80 triệu/tháng trở lên, sau khi giảm trừ gia cảnh...

Còn các khoản tiền thưởng của các cơ quan sử dụng lao động, nếu gắn kèm với danh hiệu, huy chương, huy hiệu, bằng khen của Nhà nước, gắn với các giải thưởng được Nhà nước công nhận thì cá nhân nhận thưởng cũng không phải nộp thuế TNCN.

Theo thông tin sơ bộ, một số tổ chức, cá nhân đã công bố tặng tiền thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam như Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thưởng 1 tỷ đồng, Bộ VH-TT-DL thưởng 2 tỷ đồng, Ngân hàng Vietcombank thưởng 1 tỷ đồng; các Tập đoàn như tập đoàn Group, Tuần Châu FLC, Hòa Bình,... mỗi đơn vị thưởng 1 tỷ đồng.

Như vậy, các cầu thủ hoàn toàn có thể được hưởng trọn vẹn khoản tiền thưởng trên mà không phải đóng thuế Thu nhập cá nhân như một số ý kiến tranh cãi gần đây.

Các khoản tiền thưởng do người sử dụng lao động chi thưởng không phải chịu thuế TNCN:

1. Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:

- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến.

- Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.

- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phong tặng.

- Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị... trao tặng... phù hợp với Luật Thi đua, Khen thưởng.

- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.

- Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu.

- Tiền thưởng kèm theo Bằng khen, Giấy khen.

2. Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

3. Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

4. Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

(Theo Khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013 hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân)

4 loại thu nhập từ nhận quà tặng phải chịu thuế TNCN:

1. Quà tặng là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ; cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

2. Quà tặng là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh

3. Quà tặng là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước...

4. Quà tặng là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.

(Khoản 10, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế thu nhập cá nhân)