"Xử" chạy chức, chạy quyền đã "chỉ tận tay, day tận mặt"?
- 09:12 28-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại hội nghị ngành Tổ chức Xây dựng Đảng vừa qua, nhiều đại biểu đã “hiến kế” chặn nạn chạy chức, chạy quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, những phương cách này đều rất đúng đắn, nhưng thực hiện thì... không phải dễ.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV, ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội đánh giá: "Những trường hợp chúng ta đã phát hiện, mới giải đáp được câu hỏi “ai chạy”- xử lý được người chạy còn những người nhận chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển thì gần như chúng ta chưa phát hiện và chưa xử lý được.“Ai chạy” thì phát hiện được một số vụ việc nhưng “chạy ai” thì vẫn là dấu hỏi bỏ ngỏ. Đây là vấn nạn mà Đảng và Nhà nước đang trăn trở, nếu không xử lý triệt để sẽ thành “quốc nạn” thì vô cùng nguy hiểm.
ĐBQH Đặng Thuần Phong-Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
“Tôi cũng hết sức băn khoăn khi nhận được một số ý kiến cho rằng ở Trung ương không có chạy chức mà hãy nhìn ở địa phương- đó là nhận định chưa thực sự khách quan. Cái chính là chúng ta chưa phát hiện ra chứ không phải không có chuyện chạy chức, chạy quyền, hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chạy chức ngày càng tinh vi và càng ở mức vĩ mô thì mức độ tinh vi càng ghê gớm hơn. Trong khi đó, chúng ta chưa có những tiêu chí kiểm soát quyền lực và sự công tâm của những người xem xét vấn đề này.
Rõ ràng, chúng ta chưa có bước đột phá trong việc ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền. Nhận diện vấn đề, chúng ta mới xử lý được một số trường hợp là “ai chạy” còn “chạy ai” chúng ta chưa xử lý được ai. Đây là vấn đề mà dư luận xã hội hết sức bức xúc và cũng mong muốn rằng trong công cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy, đội ngũ cán bộ thì chúng ta phải nghiêm khắc, không có vùng cấm, khi phát hiện phải xử lý đến nơi đến chốn”, ĐBQH Đặng Thuần Phong nêu quan điểm.
Thực tế cho thấy, chúng ta chưa “chỉ tận tay, day tận mặt” những ai chạy chức chạy quyền nên dư luận e ngại khó có thể ngăn chặn được nạn chạy chức quyền hiện nay. Theo ĐBQH Đặng Thuần Phong, việc chạy chức, chạy quyền là bí mật, các đối tượng thường “đi đêm”, nhưng rõ ràng việc chạy chức, chạy quyền có liên quan đến vấn đề quy hoạch.
Khi quy hoạch, một vị trí sẽ có nhiều người đủ tiêu chuẩn hay một người được "nhắm" đến ở nhiều vị trí khác nhau và chúng ta sẽ phải chọn ra người tài, đủ tâm, đủ tầm vào vị trí thích hợp. Nhưng, nếu chúng ta không kiểm soát tốt vấn nạn chạy chức, chạy quyền sẽ có những người không thực tài được nằm trong quy hoạch của nhiều vị trí khác nhau hay có những người thực tài nhưng không được quy hoạch vào vị trí nào.
Chính điều đó đã dẫn đến những hệ lụy lớn cho xã hội, dòng chất xám chảy ngược từ trong các cơ quan Nhà nước ra lĩnh vực tư. Trong khi đó, bất kể một quốc gia nào muốn phát triển thường thu hút những tài năng từ lĩnh vực tư vào trong lĩnh vực công, nhưng thực tế chúng ta đang ngược lại quy luật. Thậm chí, có nhiều nhân tài còn “xuất ngoại” để có công việc tương xứng với tài năng.
"Chúng ta cần nhìn dòng chảy đó để tính toán bài toán cán bộ. Thời gian qua đang tồn tại thực trạng bổ nhiệm theo công thức “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” và sau cùng mới đến trí tuệ, hợp thức hóa các quy trình, người trong ê-kíp thì được phát triển, ai trực ngôn, nghịch nhĩ lại mất đi cơ hội. Điều đó chưa tạo được sự công bằng, cạnh tranh có trách nhiệm trong việc xây dựng quy hoạch và đề bạt cán bộ. Hệ lụy này dẫn đến quy hoạch không rõ ràng, việc chạy chức trở nên dễ dàng, một vị trí mà có nhiều người cùng “chạy” hay nói cách khác là “đấu thầu” chức vụ. Tuy việc chạy chức diễn ra ngầm, không công khai nhưng khi yếu tố “ngầm” trở nên phổ biến thì gây ra hệ lụy lớn cho đất nước", ĐBQH Đặng Thuần Phong trăn trở.
Theo đó vị ĐBQH này cho rằng, căn bệnh chạy chức, chạy quyền phải mau có thuốc chữa, nếu không sẽ gây hệ lụy lớn cho đất nước. "Chúng ta phải mạnh tay và xử lý nghiêm chuyện chạy chức, chạy quyền như vấn nạn tham nhũng, xử lý không có vùng cấm. Thực tế, chuyện tham nhũng quyền lực thời gian qua chưa được chúng ta xử lý đến nơi đến chốn. Cần làm rõ có hay không nạn chạy chức chạy quyền, ai chạy, chạy ai để dân biết, dân giám sát", ĐBQH Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Chạy chức chạy quyền song hành với bổ nhiệm "thần tốc" “Chạy chức chạy quyền và bổ nhiệm “thần tốc” luôn song hành nhau. Không có lý do gì nhiều người phấn đấu mấy chục năm công tác, tài năng thực sự, là đảng viên xuất sắc nhưng khi đề bạt, quy hoạch lại không có tên trong bất kỳ danh sách nào. Nhưng, có những người trẻ tuổi, thậm chí chưa vào Đảng, không đủ bằng cấp, trải nghiệm công tác lại được phát triển cực kỳ “thần tốc”... Thực tế cho thấy, có sự chưa minh bạch, vụ lợi, động cơ cá nhân trong việc quy hoạch, đề bạt cán bộ “thần tốc” trong thời gian qua. Chính điều đó làm giảm sút niềm tin của cán bộ, nhân dân. Những người cống hiến thực sự sẽ cảm thấy đau đớn, công lao, quá trình trải nghiệm của họ không được nhìn nhận nhưng có những người giỏi trong quan hệ, điều kiện kinh tế... thì lên như diều gặp gió. Nếu vấn nạn chạy chức, chạy quyền không được chặn đứng, đẩy lùi, triệt tiêu thì động lực phấn đấu của cán bộ bị mai một dần, dẫn đến xu thế bất mãn với những cán bộ liêm chính, tài năng thật sự”- ĐBQH Đặng Thuần Phong. |