Nghệ An đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về dư nợ và huy động vốn
- 15:59 26-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Nghệ An, đây là địa phương có dư nợ lớn thứ 3 của cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội), có mức huy động vốn lớn thứ 9 trong cả nước (sau Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng) và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về dư nợ và huy động vốn.
Năm 2017, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính trong nền kinh tế, mở rộng mạng lưới hoạt động, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng...
Cơ cấu tín dụng tiếp tục được chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn |
Nguồn vốn huy động đạt tăng trưởng khá so với đầu năm, đặc biệt là nguồn tiền gửi dân cư. Đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành đạt 107.439 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 14.844 tỷ đồng. Nguồn vốn trung và dài hạn (trên 12 tháng) chiếm 33,3% tổng nguồn vốn, tăng so với thời điểm cuối năm 2016 là 27,9%, đáp ứng các tiêu chí đảm bảo an toàn của NHNN.
Về cho vay nền kinh tế, đến 31/12/2017 tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 170.407 tỷ đồng, tăng 17,2% so đầu năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung cho đầu tư cho sản xuất, chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa…, trong đó: Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 63.986 tỷ đồng chiếm 42,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay đối với các đối tượng chính sách qua ngân hàng chính sách xã hội đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 7,0% so với đầu năm; Cho vay xuất khẩu đạt 1.949 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 32,2%; Dư nợ cho vay gói hỗ trợ nhà ở đạt 380 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 40 tỷ đồng qua thu nợ, bằng 9,5%; Dư nợ cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 đạt 830,4 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 67,9%.
Trong năm, các TCTD tiếp tục thực hiện tốt công tác xử lý nợ thông qua các biện pháp như cơ cấu lại nợ để khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, bán tài sản thu nợ, bán nợ cho VAMC, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro... Kết quả đã xử lý được 696,19 tỷ đồng.
Bên cạnh việc chú trọng công tác huy động vốn và cho vay nền kinh tế, các hoạt động dịch vụ cũng được các TCTD quan tâm và phát triển, đặc biệt là việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử, lắp đặt thêm và kết nối ATM, POS trên địa bàn,
hệ thống ngân hàng trên địa bàn cũng đã phối hợp tích cực với cơ quan thuế, hải quan, kho bạc để triển khai các dịch vụ thuế, phí và lệ phí theo phương thức điện tử tạo thêm kênh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, góp phần tích cực thực hiện cải cách và hiện đại hoá công tác quản lý.
Trong năm 2017, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tham gia tích cực và có trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn với tổng số tiền trên 23,3 tỷ đồng; phối hợp cùng các đơn vị có liên quan trên địa bàn tham mưu Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo tỉnh về việc đôn đốc nhiệm vụ hỗ trợ các xã nghèo miền tây Nghệ An của các chi nhánh NHTM trên địa bàn nhằm góp phần thực hiện tốt hơn công tác an sinh xã hội.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Nghệ An, năm 2017, với sự nỗ lực cố gắng, ngành Ngân hàng Nghệ An đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song song với quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, ngành đã có nhiều hoạt động tích cực chia sẻ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, góp phần đáng kể vào hỗ trợ phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2018, ngành Ngân hàng Nghệ An xác định mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc NHNN và UBND tỉnh; Nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”; gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai các loại hình dịch vụ nhằm khai thác được các tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa bàn; phấn đấu đạt mức tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ khoảng 15-20%, kiểm soát nợ xấu dưới 2% tổng dư nợ.