Cử nhân kinh tế đốt bằng: Nông nổi, phủ nhận nỗ lực bản thân
- 13:25 26-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bằng tốt nghiệp đại học bị đốt. Ảnh cắt từ clip. |
Bất cần, nông nổi
Tiến sĩ Đỗ Văn Đăng, giảng viên của trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu thanh niên này nghĩ được cho bản thân và cho người khác thì đã không đốt bằng.
“Nếu bỏ ra 3-4 năm để nỗ lực trên giảng đường hay phòng lab bên Nhật thì tôi nghĩ sẽ chẳng ai dám đốt bỏ bằng. Không phải chỉ người Việt, mà ngay cả người Nhật giờ vẫn quan trọng bằng cấp thực sự”- Tiến sĩ Đăng cũng chia sẻ
Danh Thiệp đang làm ở tỉnh Ibaraki tại Nhật Bản cho biết, anh đang làm ở công ty chuyên đúc cột điện bê tông với công việc khiển máy tính đùn bê tông vào khuôn.
“Công việc như vậy mà em cũng phải có chứng chỉ N2 (chứng chỉ về năng lực ngoại ngữ của Nhật) cùng với bằng đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin ở Việt Nam”- Thiệp cho biết.
Thiệp chia sẻ, đốt bằng là hành động bất cần. Nhiều người khuyên rằng bằng cấp không quan trọng bằng làm việc, nhưng không có bằng cấp thì có cơ hội không? Người ta đã đặt ra chuẩn chung mà không vượt qua được thì nói mồm mà xin việc được chăng”.
Đốt bằng: Phủ nhận lựa chọn và sự nỗ lực của bản thân
TS Nguyễn Đình Trinh, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục và Quốc phòng (ĐH Thủy lợi) cho rằng, về hành động đốt bằng của sinh viên trên là phản ứng thái quá trong một lúc tâm lý của bạn sinh viên mất bình tĩnh.
“Vì trong thời buổi hiện nay, chúng ta đều biết để kiếm được việc làm tốt với chỉ một tấm bằng đại học không là chưa đủ mà còn nhiều yếu tố khác mà bản thân sinh viên phải tích lũy trong quá trình học tập và rèn luyện của mình dưới mái trường đại học”- TS Trinh nhấn mạnh.
TS Trinh cũng cho biết, về nguyên tắc khi nhà trường đã cấp bằng thì tấm bằng đó là thuộc quyền quản lý của sinh viên. Theo quy chế giáo dục đại học bản chính bằng đại học được cấp 1 lần duy nhất. Nếu sau này có xảy ra vấn đề gì thì sinh viên chỉ được cấp lại bản sao của trường (bản sao này có giá trị như bản gốc).
Ths Trần Khắc Thạc - Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học của ĐH Thủy lợi cho rằng, cho dù là đốt văn bằng thật hay giả thì đây là hành động tiêu cực, phản cảm và là việc phủ nhận lựa chọn của mình và sự nỗ lực của gia đình và bản thân trong suốt quá trình học tập
Ths Thạc nhấn mạnh, việc 1 sinh viên tốt nghiệp ra trường có thành công trong cuộc sống và công việc hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của bản thân.
Tuy nhiên, Ths Thạc cũng lưu ý rằng "Văn bằng gốc theo quy định hiện nay chỉ cấp 1 lần" nếu đánh mất thì Nhà trường chỉ cấp lại bản sao hoặc xác nhận.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Bí thư Đoàn trường CĐ Thủy lợi Bắc Bộ cho rằng, hành động đốt bằng đại học của sinh viên này là hành động nông nổi. Bản thân nếu sinh viên biết quý trọng công sức mình bỏ ra thì đã không để xảy ra việc này.
“Học đại học không phải là tất cả nhưng là nền tảng để sinh viên đó sau khi ra trường có kĩ năng cũng như nền tảng để học tập, nghiên cứu sau nữa. Vì thế, không thể đổ lỗi cho bằng cấp vì không được làm điều mình muốn rồi đem đi đốt bỏ”- Ông Trường nhấn mạnh.
Sinh viên lực chọn ngành học không đúng sở thích và đam mê?
TS Nguyễn Đình Trinh cũng cho rằng, hiện nay rất nhiều sinh viên lựa chọn trường học, ngành học theo cảm tính, thiếu thông tin, và thường không theo đúng sở thích và đam mê.
“Nên chất lượng học tập thường dừng ở mức trung bình, ít có đột phá và thiếu sự sáng tạo, say mê trong học tập. Và nhiều bạn sau khi ra trường, đi làm mới phát hiện ra rằng mình đã chọn không đúng ngành nghề phù hợp nên dễ dẫn đến chán nản, bất mãn, có những suy nghĩ và hành động tiêu cực”- TS Trinh chỉ ra.
Chính vì thế, theo TS Trinh việc định hướng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, phát hiện các thiên hướng phát triển của học sinh là rất quan trọng, cần đầu tư hơn để tránh việc lãng phí thời gian, của cải xã hội cũng như tránh các tác động tiêu cực của việc lựa chọn sai ngành nghề là rất cần thiết.
Anh Lương Ngọc Đức, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, bản thân anh đang có công việc tốt ở tập đoàn lớn, lương khá cao nhưng vừa nghỉ ở nhà để xác định lại công việc cho rằng, hiện nay là đa số học sinh không định hướng được nghề nghiệp tương lai, sở thích, đam mê của mình là gì để chọn trường.
“Đa số là chạy theo xu thế ngành nào đang hot để đăng ký. Nhà trường và gia đình cần giúp học sinh định hướng, tìm ra mong muốn thực sự của học sinh chứ không phải do bố mẹ chỉ hay ép thị trường này trường nọ dẫn đến những việc như bất mãn mà đốt bằng đại học như trên”- Anh Đức chia sẻ.
Như đã đưa tin, không muốn gia đình can thiệp vào việc chọn nghề nghiệp, nam thanh niên 26 tuổi đã đốt bằng cử nhân kinh tế. Theo nam thanh niên này, vài năm qua, gia đình ngăn cản không cho anh sử dụng máy tính xách tay tham gia công việc bán hàng, bắt phải làm việc khác. Cho rằng tấm bằng đại học là sự phụ thuộc của bản thân nên anh đốt để "vĩnh viễn không phụ thuộc vào khuôn khổ gia đình". Đại diện Đại học Kinh tế TP HCM cho biết, trường sẽ cấp bản sao bằng tốt nghiệp nếu cựu sinh viên này đi xin việc làm. |