Nghị lực sống của người chồng cụt hai chân: "Cuộc đời không phải khiếm khuyết về thể chất là mất tất cả"
- 14:42 22-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vết thương tàn ác sau chiến tranh
Phía sau căn nhà 3 tầng khang trang của chú Đinh Văn Cảnh (58 tuổi, ngụ khối 3, thị trấn Diễn Châu, Nghệ An) ngổn ngang những đống đồ nghề liên quan đến công việc sửa chữa, lắp đặt xe máy 3 bánh dành cho người khuyết tật.
Chú Cảnh với đôi tay lem luốc luyn, dầu, mái tóc điểm bạc, mắt đeo kính, đôi chân bị cắt cụt 2/3 được che lấp bởi hai ống quần. Chú ngồi trên chiếc ghế nhỏ, cần mẫn, say sưa bên đống đồ nghề.
Chú Cảnh bên người vợ dịu hiền, đảm đang của mình |
Chú kể, 20 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, chú may mắn trúng tuyển vào lực lượng công an vũ trang. Gần một năm sau, đơn vị chú được điều động sang Căm-pu-chia làm nhiệm vụ quốc tế. Tháng 9/1983 trong một trận đánh vào sào huyệt của địch, chú Cảnh bị thương nặng do đạp phải mìn.
Chú say sưa kể về trận đánh ác liệt khiến mình mất đi đôi chân |
“Khi đó, hai chân tôi nát bét lẫn trong máu và đất. Tôi không còn cảm giác đau đớn, cũng không nghĩ mình còn sống đến tận bây giờ. Tôi lâm vào tình trạng hôn mê, khi tỉnh lại, đôi chân đã bị cắt cụt. Tôi được xuất ngũ trở về với hình hài như thế này đây”, vén hai ống quần lên cao, chú Cảnh vừa kể, vừa cho chúng tôi xem đôi chân bị cắt cụt của mình.
"Cuộc đời không phải khiếm khuyết về thể chất là mất tất cả"
Là thương binh hạng ¼, chú Cảnh trở về với đôi chân bị cắt cụt lên quá đầu gối cùng hàng chục vết thương khắp cơ thể do bom đạn. Thời gian đầu, sợ trở thành gánh nặng cho gia đình, chú đã nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi nhớ đến những lời động viên của đồng đội vẫn đang cầm súng đánh giặc tại chiến trường, chú lại có thêm động lực sống, tự hứa tìm cho mình một cuộc sống tốt dù cơ thể có khiếm khuyết.
Dù mất đi đôi chân nhưng chú Cảnh không ngừng lao động, sáng tạo |
“Thời gian đầu tôi theo một số người bạn đi buôn quần áo từ Hà Nội, Quảng Ninh rồi về bỏ mối cho các chợ ở tỉnh Nghệ An kiếm lời. Không có chân thì tôi đi bằng hai tay, cứ thế leo lên ô tô, tàu hỏa đi từ nơi này đến nơi khác. Công việc buôn bán gặp nhiều thuận lợi, tôi không chỉ nuôi sống bản thân mà còn giúp được gia đình trang trải cuộc sống. Tôi còn dành tiền mua cho mình một đôi chân giả để dễ dàng đi lại”, chú Cảnh kể.
Năm 1993, hạnh phúc đã mĩm cười khi người thanh niên này được người con gái nết na, xinh đẹp Phạm Thị Lai (48 tuổi) người làng bên đem lòng yêu mến. Vượt qua mọi rào cản từ phía gia đình, xã hội, hai người nên duyên vợ chồng.
4 người con (3 gái, 1 trai) lần lượt chào đời đã tiếp thêm động lực cho cả hai vợ chồng cố gắng. Hàng ngày, người vợ đi bỏ mối bia cho các nhà hàng, quán ăn trong địa bàn huyện.
Chỉ tay về phía chiếc xe 3 bánh của mình đang dựng ngoài sân, chú Cảnh cười tươi chia sẻ đó là thành quả đầu tiên trong việc sáng chế xe 3 bánh có hộp số lùi dành cho những người khuyết tật. Năm 1994, với những kiến thức đã được học trong trường cùng với tài năng sáng tạo, chú Cảnh đã sáng chế cho mình chiếc xe máy 3 bánh để tiện đi lại.
Một trong những chiếc xe 3 bánh chú Cảnh sáng chế cho người khuyết tật |
Nhiều người đồng cảnh ngộ thấy chú có xe đi nên nhờ làm. Tiếng lành đồn xa, dần dần, chú gắn bó, say mê với những chiếc xe 3 bánh. Không những thế, chú còn nhận đào tạo cho hàng chục người có số phận bất hạnh như câm điếc, cụt chân…
“Đào tạo nghề cho người bình thường đã khó, với người khuyết tật càng khó gấp trăm lần. Nhưng rồi cứ nghĩ họ cũng như mình nên tôi kiên trì chỉ dạy những mong giúp họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Dù tàn tật nhưng vẫn có ích cho xã hội”.
Hiện tại, chú hài lòng với cuộc sống của mình khi hai trong 4 người con đang theo học đại học, một căn nhà 3 tầng khang trang nằm ngay trên mặt đường quốc lộ 1A, công việc hai vợ chồng ổn định. Gia đình hòa thuận, đầy ắp tiếng cười.
“Tôi tự thấy mình đã cố gắng vượt qua số phận kém may mắn để lao động, sáng tạo, xây dựng tổ ấm gia đình. Cuộc đời không phải khiếm khuyết về thể chất là mất tất cả, chỉ cần bản thân cố gắng thì sẽ vượt qua và chiến thắng. Cũng vì vậy mà tôi quên mất rằng mình không có đôi chân lành lặn như bao người khác”, chú Cảnh vui vẻ chia sẻ.