Nghệ An: Hơn 7 năm chưa xong 300m đường
- 09:57 21-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Con đường 300m sau hơn 7 năm chỉ là một rãnh thoát nước mỗi khi mưa lớn đổ xuống. |
Năm 2009, Cty TNHH MTV đóng tàu Hải Châu (gọi tắt là Cty Hải Châu) có đề nghị mở một tuyến đường dân sinh dọc theo sông Lam đến cầu Bến Thủy đi qua hai dự án của Cty CP Sài Gòn Trung Đô và Cty Hải Châu. UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương đầu tư con đường trên với chiều rộng 12m.
Tháng 3/2011, Sở KH&ĐT Nghệ An có văn bản thống nhất chủ trương đầu tư con đường trên và giao cho UBND thành phố Vinh làm chủ đầu tư, tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng tuyến đường từ tiền sử dụng đất của hai khu đất do 2 doanh nghiệp trên.
Ngày 9/4/2011, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 1764 do chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc quyết định thống nhất đề nghị của Sở KH&ĐT về đầu tư tuyến đường trên, giao UBND thành phố Vinh làm chủ đầu tư, tổ chức triển khai GPMB và xây dựng tuyến đường theo đúng quy định. Kinh phí xây dựng lấy từ nguồn thu tiền sử dụng đất của 2 khu đất của hai công ty. Đồng thời giao cho hai công ty trên nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ đối với hai dự án trên để công trình sớm được triển khai xây dựng.
Tiếp đó nhiều văn bản, tờ trình, công văn được trình lên và gửi đến các bên, ngày 14/11/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường có văn bản số 8597 giao cho thành phố Vinh làm chủ đầu tư triển khai dự án, tiến hành GPMB, xây dựng theo đúng chỉ đạo trước đó.
Đồng ý hỗ trợ thành phố kinh phí bồi thường, GPMB của dự án và nguồn kinh phí được xử lý trong năm 2015. UBND thành phố Vinh sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất theo phân cấp được hưởng tại 2 khu đất của hai công ty để bố trí thanh toán vốn xây dựng cơ bản tuyến đường. Dự án được thực hiện với tổng mức đầu tư là 13,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây lắp là 6,7 tỷ đồng.
Quá trình thi công gặp khó khăn về nguồn vốn để GPMB nên dự án chỉ thực hiện được 30% khối lượng công trình phải dừng lại. Đến ngày 23/12/2016 phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, GPMB và tái định cư thực hiện dự án mới được phê duyệt với số tiền đền bù hơn 4,3 tỷ đồng.
Theo công văn số 7606 ngày 20/12/2016 có nêu: Nguồn vốn ngân sách thành phố đang tập trung cao cho việc huy động vốn đối ứng thực hiện dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam – Tiểu dự án thành phố Vinh nên nguồn ngân sách đầu tư các dự án khác là hạn chế. Thành phố đề nghị UBND tỉnh Nghệ An bố trí kinh phí bồi thường, GPMB của dự án từ nguồn ngân sách tỉnh để thành phố có cơ sở thực hiện xây dựng công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Đến nay, dự án vẫn giẫm chân tại chỗ sau nhiều lần đề nghị từ hai công ty cũng như chủ đầu tư do nguồn vốn đền bù, GPMB chưa được bố trí. Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Cty Hải Châu cho biết, dự án được quy hoạch từ nhiều thế hệ chủ tịch tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
“Khi có dự án con đường thì tôi lập tức cho triển khai xây dựng cầu cảng, xây dựng nhà hàng ngay và tiến hành đóng tàu ngay, dự định là ngày khánh thành cầu cảng là ngày khai trương nhà hàng, hạ thủy tàu phục vụ du lịch trên sông Lam nhưng đến nay vẫn chưa được...”. Theo ông Hải thì việc làm con đường chưa xong đã kéo theo tiến độ thực hiện dự án của công ty chậm lại, hiện nay dự án đóng tàu mới chỉ dám đóng xong một con tàu vì đường xá chưa đảm bảo.
Ông Hải khẳng định, “Nếu tỉnh và thành phố không có kinh phí làm đường thì hai công ty sẵn sàng bỏ tiền ra làm đường miễn là tỉnh và thành phố bỏ tiền ra GPMB thì trong một tháng đoạn đường sẽ hoàn thành”. Theo ông Hải thì khi khách đến khu du lịch bến thuyền đều phải chui qua đường nội bộ của khu đóng tàu khi công nhân đang làm việc dầu mỡ, mồ hôi nhễ nhại nhìn rất bất tiện và ngại.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hào, Phó Ban quản lý dự án thành phố Vinh cho biết, dự án đến nay vẫn chưa được thực hiện do vướng mắc trong GPMB theo nội dung cam kết tỉnh hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có vốn.
Theo phương án thì có 9 hộ dân bị ảnh hưởng buộc phải di dời, 6 hộ phải tái định cư. Thành phố đã họp dân nhiều lần đối thoại nhưng người dân mong muốn được đền bù cao hơn, nhà thầu cũng đã tổ chức làm mương, lu nền, đổ đất k95 và k98 nhưng phải dừng lại do vướng mặt bằng. “Doanh nghiệp cũng kêu vì dự án chậm, người dân bị ảnh hưởng cũng kêu vì không biết bao giờ đến bù để tái định cư ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa có vốn nên cũng đành chờ…”, ông Hào nói.
Một tuyến đường chỉ 300m từ ngày có chủ trương đầu tư đến nay đã hơn 7 năm trôi qua nhưng vẫn chưa thể thực hiện được khiến công việc kinh doanh của các đơn vị gặp không ít khó khăn. Tiến độ thực hiện các dự án làm cho thành phố đẹp hơn cũng chậm lại so với dự định, chưa kể đến tâm lý các nhà đầu tư phần nào đó chán nản hơn.