Sản phụ không tiền, đẻ rơi giữa đêm khiến hàng xóm hốt hoảng
- 06:08 17-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đẻ rơi giữa khuya
Chúng tôi ghé vào một phòng trọ nhỏ hẹp và tồi tàn ở gần cầu Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2, TP.HCM). Nơi đây, nhà không số, đường không tên, muốn tìm một người quen nào trong khu vực này quả thật vất vả.
Phòng trọ của chị Cao Thị Út, 26 tuổi, nằm trong dãy phòng trọ của một người có tên là Dương. Xung quanh Út là những người lao động nhập cư nghèo. Cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn.
Căn phòng nhỏ chưa đến 10m2 là nơi vợ chồng Út và 2 đứa con trú ngụ từ nhiều năm nay. Trong phòng không có một vật dụng đắt giá nào. Chồng Út hơn Út 12 tuổi, là công nhân xây dựng ở công trường. Do đặc thù của công việc nên anh thường xuyên vắng nhà.
Thường ngày, Út đi theo chồng cùng làm công nhân để có thêm thu nhập. Gần đây, Út mang bầu đứa thứ 2, nặng nề và mệt nhọc. Út phải ở nhà. Gánh nặng cuộc sống đè nặng trên vai chồng.
Chúng tôi ghé vào phòng trọ thăm mẹ con Út. Nở nụ cười thật tươi với hàm răng sún, Út nói: "Cháu bé được một tháng rưỡi rồi chú à. Cũng may, con nhiều sữa cháu bú không hết chứ nếu phải mua sữa không biết lấy tiền đâu để mua".
Út vừa sinh con thứ 2 được hơn một tháng. |
Tôi nhìn Út. Cô gái còn trẻ nhưng đầy nét dạn dày. Cả tuổi thơ rồi lớn lên Út phải vật lộn với cuộc sống vậy mà trong câu chuyện Út vẫn nói bằng một chất giọng rất thật thà, mộc mạc và đơn giản.
Út kể lại cho chúng tôi nghe về cái đêm hôm ấy. Đêm 30/11/2017, Út đau bụng râm ran. Trước đó mấy hôm, khi đi khám thai bác sĩ đã khuyên Út nên nhập viện vì có triệu chứng sắp sinh. Nếu nhập viện phải đóng 3 triệu. Trong túi Út không có lấy một đồng...
Cơn đau bụng mỗi lúc một nặng. Cứ ngỡ mình đau bụng bình thường, đến 0 giờ ngày 1/12, Út không còn chịu đựng được. Cứ nghĩ đau bụng cần phải đi vệ sinh mà nhà vệ sinh không có trong nhà, Út lấy cái thau định "giải quyết" nhưng bất ngờ đứa bé trong bụng chui ra.
Út hoảng hồn la to. Tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh vang lên. Hàng xóm đập cửa chạy vào. Một bà cụ lớn tuổi dùng khăn lau khô đứa bé rồi quấn lại. Những người khác dìu Út lên nằm rồi gọi xe cấp cứu.
Ở góc nhỏ của phòng trọ, nơi Út sinh con. Chiếc thau đã chứa trọn đứa bé. |
Số phận của những đứa trẻ
Út được chuyển đến bệnh viện quận 2. Mẹ tròn con vuông. "Nghĩ lại thật rùng mình. Cả xóm này đi vệ sinh bằng cầu tõm. Nếu như con đi bằng cầu tõm không biết bây giờ ra sao hở chú?", út nhìn đứa bé đang ngủ ngon rồi mỉm cười.
Út nhập viện không một mảnh giấy tờ tùy thân. Tiền bạc càng không có. Người thân chỉ là những người hàng xóm lân cận. Sau này chồng Út hay tin mới vào. Bà con và ông chủ nhà trọ cũng đã gom góp lại cho Út đủ tiền đóng viện phí. Những ngày ở bệnh viện, cả nhà Út nhờ vào những suất cơm từ thiện.
"Con sinh ra ở Bạc Liêu. Mồ côi cha mẹ từ lúc lên 3, chú thím nuôi con từ đó cho đến lúc con lớn khôn. Con không được đi học nên đến giờ con vẫn chưa biết chữ", Út tâm sự về đời mình bằng một giọng buồn thảm. Mà buồn thật, Út phải ra đời từ rất sớm.
Một người đàn ông lớn tuổi - là chồng Út bây giờ - thương hoàn cảnh số phận đã nắm tay Út cùng đi trọn quãng đường đời. Hai vợ chồng bỏ quê cùng nhau dắt díu lên TP.HCM tìm việc làm.
Thấm thoát đã gần 5 năm, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng cuộc sống vẫn đầy khó khăn. Đứa con lớn, bé Ngân Kiều nay đã 3 tuổi hàng ngày vẫn theo cha mẹ ra công trường bởi ở nhà không ai trông. Giờ đây họ có thêm bé Ngọc Tiền, khó khăn chồng thêm khó khăn.
Ba mẹ con. |
Bé lớn tung tăng chạy nhảy khắp phòng. Mẹ đang buồn cho số phận và em đang ngủ. Nhìn hình ảnh này mấy ai không khỏi ngậm ngùi?
Chúng tôi rời khỏi phòng trọ của mẹ con Út. Trên đường về, chúng tôi ngẫm nghĩ, Út không giấy tờ tùy thân liệu có làm được chứng sinh cho con để có khai sinh không? Bé lớn cũng chưa có khai sinh rồi sau này chúng sẽ ra sao?