Phút tưởng cận kề cái chết của người Việt trong báo động tên lửa ở Hawaii
- 14:22 16-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh Đỗ Toàn, ngoài cùng bên phải. Ảnh: NVCC. |
"Sáng sớm khi tôi đang thiền thì bất chợt điện thoại réo lên, tôi nhặt nó lên thì đọc được dòng báo khẩn: Mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang tới Hawaii. Hãy tìm nơi trú ẩn ngay. Đây không phải là một cuộc diễn tập", anh Đỗ Toàn, một người Việt sống ở Hawaii, kể lại khoảnh khắc nhận tin báo động bất chợt hôm 14/1 với VnExpress.
Ý nghĩ đầu tiên đến với anh là "Ôi thế là mình sẽ chết như thế này đây". Lúc đó anh đang ở trong căn hộ của mình ở Waikiki, cách xa mọi điểm trú ẩn, vì thế anh nghĩ có chạy cũng vô ích. Anh Toàn cố gọi cho mẹ, người sống cách đó khoảng 5 phút đi xe, để nói rằng anh sẽ ở bên bà trong những giây phút cuối, nhưng bà không có nhà. Rồi anh nhớ ra là mẹ thường đi chợ vào sáng sớm, anh tiếp tục gọi vào di động của bà nhưng cũng không được. Anh Toàn gọi cho hôn thê của mình và nói anh yêu cô. Khi ấy hôn thê của anh cũng đang an ủi bố mẹ cô.
Cho rằng mình chỉ còn cơ hội cuối cùng, anh Toàn gửi tin nhắn đến gia đình anh trai, nói rằng anh yêu họ rất nhiều. Sau đó anh viết lên Facebook rằng "tôi yêu tất cả mọi người".
Trong lúc anh đang tính đến những nguy hiểm mà người dân Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gánh chịu, thì máy tính của anh phát ra tin nhắn khác trên truyền hình. Thông báo cho biết "Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ đã chặn được nguy cơ tên lửa đến Hawaii. Tên lửa có thể tác động trên đất liền hoặc trên biển trong vài phút nữa. Hãy tìm nơi trú ẩn. Đây không phải là diễn tập".
"Tôi không bao giờ có thể quên được tiếng thông báo lặp lại liên tục đó chừng nào tôi còn sống", anh Toàn nói.
Phải mất đến 38 phút sau, anh Toàn mới biết tin báo tên lửa đó là giả.
Huỳnh Thiên Quốc, ngoài cùng bên phải, cùng bạn bè. Ảnh: NVCC. |
Với Huỳnh Thiên Quốc, 25 tuổi, khoảnh khắc nhận tin báo động tên lửa lại là lúc anh không có ở nhà. Quốc lúc đó đang ở Maui, đưa em trai đi dự giải đấu tennis. Đảo này cách Honolulu khoảng 40 phút bằng đường hàng không, chính là nơi Mỹ đặt thiết bị đánh chặn tên lửa.
"Tôi vừa bước chân ra khỏi khách sạn thì một người bạn chạy theo kêu lên: Quốc ơi quay lại đi, Triều Tiên bắn tên lửa. Mặt cậu bạn xanh lét làm tôi cũng hoảng theo", Quốc kể lại.
Rối quá không biết phải làm gì, Quốc chỉ biết vội bật kênh CNN lên nhưng không thấy tin gì về tên lửa. Anh lập tức gọi điện về nhà cho bố mẹ, chị gái và bạn gái, nói rằng anh yêu họ. Nhóm bạn của Quốc thì gọi điện cho các quan chức địa phương nhằm xác nhận thông tin, nhưng họ cũng không có tin tức gì.
Ngoài đường đám đông náo loạn, chủ yếu là du khách. Họ chạy tứ tung khắp nơi, kêu lớn "Chúng ta làm gì bây giờ, làm gì bây giờ".
Khi trấn tĩnh lại, Quốc nghĩ rằng báo động này vô lý, vì nếu có tên lửa thật thì còi báo động phải hú lên. Thêm nữa nếu Triều Tiên tấn công thì Mỹ sẽ có biện pháp phòng thủ. Khoảng 15 phút sau, Quốc thấy bà Tulsi Gabbard, Hạ nghị sĩ Mỹ, đăng thông báo lên Twitter rằng báo động đó là giả.
Tình huống với Huỳnh Anh Đào, chị gái của Quốc, lại khá "hài hước". Đào nhận được tin nhắn báo tên lửa trên điện thoại lúc cô chưa tỉnh ngủ hẳn, nên không hiểu chuyện gì xảy ra. Đến khi em trai và bố gọi về, nói rằng cả nhà không nên ra đường thì cô và mẹ mới cuống lên. Đào vội kiểm tra tin trên mạng và trên các hãng tin lớn nhưng không thấy gì.
"Tôi nghĩ nếu tên lửa chỉ cần 15 đến 20 phút để đến đích thì làm sao mọi người chạy kịp", Đào nói về ý nghĩ đầu tiên sau khi nghe tin báo.
Ở khu trung tâm, bố cô báo về là mọi người chạy hết vào các khu mua sắm để lánh nạn, các nhân viên trong nhà hàng của Đào cũng không dám ló mặt ra ngoài. Không lâu sau, bạn của Đào làm trong quân đội Mỹ báo cho biết là báo động nhầm.
Sống ở Hawaii hơn 10 năm nhưng đây là lần đầu tiên gia đình Đào nhận tin cảnh báo tên lửa giả. Cô cho biết người dân ở đây thường nhận được tin báo về sóng thần và và mưa bão. Để đề phòng các trường hợp khẩn cấp, chính quyền Hawaii bố trí các nơi tạm trú là các trường học, bệnh viện với một lượng lương thực dự trữ.
Sau sự cố tin báo giả, Quốc cho biết anh "rút ra bài học" là phải chuẩn bị kỹ hơn về tâm lý và vật chất để phòng bị, dù anh tin là quân đội Mỹ có đầy đủ phương án đối phó trước sự đe dọa của Triều Tiên.
Anh Toàn mong rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ thay đổi xử lý vấn đề Triều Tiên, tránh khiêu khích Bình Nhưỡng. Mặc dù trải qua một phen "hú vía", nhưng anh Toàn không "oán trách" người nhấn nút báo động giả, anh cho rằng con người thì ai cũng có thể mắc sai lầm.
"Sự cố giúp tôi có cơ hội nhìn lại cuộc sống của mình, tôi trân trọng những gì mình có hơn. Những thứ nhỏ nhặt như bất tiện khi đi trên đường hay những thứ tương tự không khiến tôi thấy phiền nữa", anh Toàn nói.