Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lần thứ 2 tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng nói gì?

Sáng nay, lần thứ 2 lên bục tự bào chữa cho mình, bị cáo Thăng nói PVPower và Ban quản lý dự án là người thực hiện trực tiếp mà không bị xử lý, điều đó có công bằng với người khác?

Hôm nay là ngày thứ 9 diễn ra phiên xử bị cáo Đinh La Thăng cùng 21 người khác. Họ bị cáo buộc tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Ông Đinh La Thăng đề cập đến quy kết lợi ích nhóm

Trước khi nghỉ trưa, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục tự bào chữa sau khi các luật sư của ông tranh luận với VKS. Tôn trọng bản luận tội của VKS, ông Thăng đề nghị nội dung nào không liên quan đến vụ án, không nằm trong quá trình điều tra thì không đưa vào bản luận tội, trong đó có việc quy kết lợi ích nhóm. Cựu Chủ tịch PVN giải thích việc doanh nghiệp có người đi, người đến là bình thường. Chủ trương bổ nhiệm cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ nên không thể cáo buộc ký bổ nhiệm là lợi ích nhóm.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/01/16/dinh_la_thang_tu_bao_chua.mp4[/presscloud]

Ông Đinh La Thăng nói về quy kết lợi ích nhóm của VKS Khi được tự bào chữa, ông Đinh La Thăng đề nghị cơ quan công tố không đưa các nội dung liên quan đến vụ án, trong đó có việc quy kết lợi ích nhóm.

Về cáo buộc cấp trên không nhận trách nhiệm, đổ cấp dưới, ông Thăng nói luôn nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và nhận hoàn toàn trách nhiệm cho cán bộ dưới quyền không có động cơ vụ lợi, vì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ mà vi phạm.

Cựu Chủ tịch PVN phủ nhận việc VKS nêu ông thừa nhận thời điểm triển khai nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ có Lilama mới đủ điều kiện làm tổng thầu. Theo diễn giải của bị cáo này, không đơn vị trong nước nào đủ điều kiện. Lilama được chỉ định làm tổng dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 khi cũng chưa đủ kinh nghiệm. Chủ trương chỉ định thầu được đưa ra khi ông Thăng chưa về PVN.

Về thẩm quyền chỉ định thầu, PVPower được HĐTV ủy quyền thì đơn vị này có trách nhiệm lập hồ sơ, xét duyệt, đàm phán. Khi ông Thăng chuyển công tác năm 2011, HĐTV, lãnh đạo tập đoàn vẫn chỉ định PVC đủ năng lực triển khai dự án.

"Chủ trương chỉ định thầu không phải do bị cáo diễn ra", ông Thăng nói.

Về hợp đồng 33, bị cáo Đinh La Thăng nói thuộc thẩm quyền ký PVPower. Trước cáo buộc phải biết tính pháp lý của hợp đồng EPC, ông Thăng nói mình chỉ làm việc trong phạm vi trách nhiệm, không thể vượt quá vi phạm quy định HĐTV.

Ông Thăng nói tại các cuộc họp, ông không nhận báo cáo của Ban tổng giám đốc hay PVPower về hợp đồng 33 không hiệu lực. Khi Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 phát hiện cũng báo cáo mật Tổng giám đốc, không báo cáo Chủ tịch HĐTV.

Cựu Chủ tịch PVN nói cả 3 lần PVPower đề nghị tạm ứng tiền, ông đều không đồng ý. "Lần thứ 4, bị cáo có chỉ đạo nhưng chỉ đạo rõ ràng là phải tạm ứng theo quy định pháp luật và chỉ đạo PVC không được sử dụng tiền tạm ứng cho dự án", ông Thăng nói chi tiết này không được VKS đề cập.

Hôm nay, lần thứ 2 lên bục tự bào chữa, ông Đinh La Thăng bày tỏ không đồng tình với cách xử lý của PVPower. Theo quan điểm của bị cáo sinh năm 1960, PVPower và Ban quản lý dự án là người thực hiện trực tiếp, thực hiện nhiệm vụ cuối cùng mà không bị xử lý thì đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm đối với các bị cáo khác. "Điều đó có công bằng hay không?”, ông Thăng đặt vấn đề và mong HĐXX xem xét.

Luật sư: 'Lần đầu tiên trong lịch sử coi lãi suất là thiệt hại'

Cũng trong phiên tòa hôm nay, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) là người đầu tiên đối đáp với VKS về bản luận tội. Ông Thiệp nói theo tính toán, việc thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mất khoảng 60 tháng. Nếu tính từ thời điểm khởi công năm 2013 đến nay thì việc chậm tiến độ là không đáng kể.

Trước việc VKS bảo lưu cách tính thiệt hại khoản tiền hơn 100 tỷ liên quan đến vụ án (trong đó tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích dự án là hơn 51 tỷ đồng), luật sư cho rằng các giám định viên đã không căn cứ theo Luật Kế toán cũng như các quy định về tiền gửi. Ông Thiệp cho rằng thiệt hại là phải làm mất, thất thoát tài sản. "Lần đầu tiên trong lịch sử coi lãi suất là thiệt hại", luật sư nói và nhận định cách tính này không toàn diện, gây bất lợi cho các bị cáo trong nhóm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 nằm ngay bên cạnh nhiệt điện Thái Bình 1 (bên phải). Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có hợp đồng EPC nhà máy chính quy định cấp chứng chỉ hoàn thành tạm thời tổ máy số 1 vào tháng 1/2015, tổ máy số 2 vào tháng 7/2015.  Ảnh: Lê Hiếu.

Người bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh cũng không đồng tình với quan điểm của VKS cho rằng các bị cáo phạm tội có tội chức. Ông Thiệp nói đặc điểm của pháp nhân là có tổ chức, được thành lập trước khi vụ án xảy ra.

Luật sư đưa ra lý lẽ các bị cáo thực hiện theo phân công, phân nhiệm, nhiều người làm theo ủy quyền, do đó cáo buộc phạm tội có tổ chức là chưa chính xác. Trích dẫn nội dung kết luận điều tra và cáo trạng vụ án, luật sư Lê Văn Thiệp nói thân chủ thỏa mãn tội Sử dụng trái phép tài sản, có tình tiết tăng nặng là Lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Người bào chữa đề nghị HĐXX tìm một tội danh phù hợp cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh vì tội Cố ý làm trái không đúng bản chất khách quan, không tương xứng với những gì đã xảy ra. Về việc ký hợp đồng EPC số 33, theo luật sư, PVPower phải có nghĩa vụ với nội dung ký kết. Ông Thiệp nói PVC chỉ là nhà thầu.

Vị luật sư đề nghị HĐXX cá thể hóa hành vi của các bị cáo ở PVC với tư cách người nhận thầu tham gia ký kết hợp đồng.

 Bị cáo Trịnh Xuân Thanh được cảnh sát dẫn giải về trại tạm giam tối 15/1. Ảnh: Việt Hùng.

Đặt câu hỏi liên quan về vai trò của PVPower

Cùng tham gia bào chữa cho bị cáo Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh nói cáo trạng thể hiện vai trò ông Đinh La Thăng là số 1, Trịnh Xuân Thanh là số 2. Tuy nhiên, theo ông Quynh, bị cáo Thanh chỉ là Chủ tịch HĐQT của nhà thầu, không có vai trò chỉ đạo xuyên suốt.

Đặt câu hỏi liên quan đến vai trò của PVPower - đơn vị được giao chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi ký hợp đồng 33, luật sư đã công bố một số lời khai của ông Vũ Huy Quang (nguyên Tổng giám đốc PVPower) mà theo ông là rất quan trọng nhưng chưa được đề cập trong phiên tòa. Vị luật sư cho rằng Tổng giám đốc PVPower thời điểm đó biết rõ việc thiếu các thủ tục quan trọng khi ký kết hợp đồng 33. "Nếu không có hợp đồng 33 với sai sót của PVPower thì không bao giờ có vụ án này. Người làm sai đầu tiên là PVPower, vậy trách nhiệm này của ai?", luật sư thắc mắc.

Vị luật sư cũng cho rằng VKS không đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận. "VKS suy diễn theo kiểu ông là Chủ tịch HĐQT, ông phải biết hết, phải chỉ đạo bị cáo Thuận. Suy diễn đó thiếu căn cứ, cũng giống như suy diễn đối với bị cáo Đinh La Thăng trong vụ này, ông là chủ tịch, ông phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng như vậy không thuyết phục, không đủ căn cứ", luật sư Quynh đưa ra quan điểm của mình.

Luật sư của bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng dành nhiều thời gian để nói về việc giám định thiệt. Ông Quynh chia sẻ hơn chục năm hành nghề, ông chưa thấy kết quả giám định nào dựa trên “thiệt hại tưởng tượng” và trong trường hợp này không căn cứ Luật Kế toán.

Viện dẫn các quy định pháp luật và nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, luật sư khẳng định thiệt hại trong vụ án hình sự phải là thiệt hại thực tế. Ông Quynh đề nghị HĐXX tuyên Trịnh Xuân Thanh vô tội về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích.

Nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.