Tu nghiệp sinh nước ngoài đối mặt môi trường nguy hiểm ở Nhật
- 09:17 16-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vừa công bố số liệu thống kê đầu tiên về các trường hợp tu nghiệp sinh nước ngoài ở Nhật Bản tử vong liên quan tới môi trường lao động.
Trong giai đoạn 3 năm kể từ năm 2014, có 22 trường hợp tu nghiệp sinh nước ngoài tử vong, phần lớn là do tai nạn lao động, trong đó một người tử vong do làm việc quá sức hay còn gọi là karoshi.
Trung bình có 475 trường hợp tai nạn lao động/năm đủ điều kiện nhận bồi thường thông qua bảo hiểm tai nạn lao động và nghỉ phép từ 4 ngày trở lên. Theo Kyodo, tỷ lệ tử vong của lao động nước ngoài cao hơn đáng kể so với tỷ lệ của tất cả lao động.
Chịu thiệt vì lạ nước lạ cái
Theo Bộ Tư pháp, số tu nghiệp sinh nước ngoài tăng lên qua các năm với 167.641 người vào năm 2014, 192.655 vào năm 2015 và 228.589 vào năm 2016. Với 22 người chết trong giai đoạn 3 năm, tỷ lệ tử vong do tai nạn lao động là gần 4 trường hợp trên 100.000 thực tập sinh.
Trên toàn quốc, số liệu của Bộ Lao động cho thấy số người tử vong vì tại nạn lao động trong tất cả các ngành công nghiệp là 2.957 người hay gần 2 trường hợp trên 100.000 lao động.
Những phụ nữ đến Nhật để làm việc tại các viện dưỡng lão tham gia lớp học tiến Nhật của Chính quyền tỉnh Miyagi tại Sendai, tháng 4/2017. Ảnh: Kyodo. |
Akira Hatate, giám đốc Hiệp hội Tự do Dân sự Nhật Bản, chuyên gia về hệ thống tu nghiệp sinh, cho rằng tỷ lệ tử vong cao của các tu nghiệp sinh nước ngoài là do tiêu chuẩn quản lý lỏng lẻo của chính phủ.
Ông cho rằng tai nạn lao động thường xảy ra với người nước ngoài bởi họ không quen môi trường làm việc tại Nhật Bản và không thông thạo tiếng Nhật. Ngoài ra, họ thường làm việc cho các công ty nhỏ và vừa không quan tâm tới sự an toàn và sức khoẻ của người lao động tại nơi làm việc.
"Cũng có các trường hợp tu nghiệp sinh không thể làm việc do thương tích và bị buộc phải trở về nhà", Hatate nói.
Một người Việt Nam bị thương vì tai nạn lao động cho biết chủ lao động đã bỏ túi tiền chi trả bảo hiểm của anh. Thanh niên 23 tuổi này tới Nhật vào tháng 7/2015 để làm việc tại một công ty xây dựng ở Tokyo. Do không có kinh nghiệm trong nghề mộc nên anh được phân công tới các công trường xây dựng nhà ở với mức lương hàng tháng khoảng 120.000 yen (24,5 triệu đồng).
Tu nghiệp sinh này cho biết anh bị thương vào tháng 5/2016 khi ngón tay cái của anh vô tình bị máy đóng đinh. Anh phải nhập viện trong 5 ngày và được nghỉ 1 ngày sau khi xuất viện. Ngày hôm sau, anh quay lại làm việc với ngón tay cái bị băng bó. Một năm sau, bàn tay của anh bị thương khi đang dỡ hàng.
Cho dù anh đang làm việc bình thường, công ty của anh vẫn nộp đơn yêu cầu bồi thường cho lao động. Họ khẳng định người này vắng mặt dài ngày và viện dẫn giấy chứng nhận y tế cho biết anh cần 3 tháng để hồi phục.
Gần 900.000 yen (184 triệu đồng) đã được chuyển vào tài khoản của anh nhưng chủ lao động nói rằng số tiền này không phải của anh và yêu cầu anh trao lại cho họ. Tu nghiệp sinh này nói anh đã bị cướp trắng tổng cộng 220.000 yen (45 triệu đồng).
Bị ngược đãi và đuổi về nước
Do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng tiếng Nhật kém, nam thanh niên này thường phạm lỗi khi làm việc. Vị chủ tịch đã quát vào mặt anh và yêu cầu anh về nước. Có lúc, người này còn buộc anh quỳ gối và cúi đầu lạy theo kiểu dogeza cho đến khi trán chạm sàn, cách xin lỗi cực đoan nhất của người Nhật.
Người này nói anh chịu bị ngược đãi vì nợ khoảng 1,4 triệu yen (286 triệu) từ các cơ quan khác nhau, bao gồm công ty ở Việt Nam đã đưa anh vào chương trình. Anh đã trở về Việt Nam vào tháng trước.
"Tôi muốn tiếp tục làm việc nhưng tôi không thể làm được điều này nếu còn chịu sự quản lý của vị chủ tịch đó", anh nói. Anh cho biết ông chủ của anh vẫn không đưa ra lời xin lỗi.
26.000 lao động Việt Nam đã tham gia Chương trình Đào tạo Thực tập Kỹ năng cho người nước ngoài của Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 6/2017. Ảnh: Kyodo. |
"Người nước ngoài không hiểu về hệ thống bồi thường cho lao động. Trong khi đó, nhiều công ty cho rằng có thể thu xếp ổn thỏa bằng cách buộc các tu nghiệp sinh trở về nước", Shiro Sasaki, tổng thư ký Liên đoàn Lao động Zentoitsu, nói.
Theo Sasaki, cách các công ty này đối xử với các tu nghiệp sinh nước ngoài sẽ không bao giờ được chấp nhận đối với lao động Nhật Bản.
Dữ liệu mới nhất được công bố khi chính phủ đang mở rộng hệ thống tu nghiệp sinh giữa bối cảnh thiếu hụt lao động và xu hướng cản trở nhập cư trong chính trường Nhật Bản.
Theo luật mới có hiệu lực vào tháng 11 năm ngoái, điều dưỡng được thêm vào danh sách các lĩnh vực mà tu nghiệp sinh nước ngoài có thể làm việc. Sự thay đổi này được thực hiện khi các công ty đang vật lộn vượt qua sự thiếu hụt trầm trọng nhân viên điều dưỡng trong trong bối cảnh dân số Nhật Bản già hóa nhanh chóng.