Nghệ An: Gian nan "cuộc chiến" bảo đảm ATVSLĐ ở các mỏ khoáng sản
- 08:41 15-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khai thác quặng thiếc tại xã Châu Thành, Quỳ Hợp (Nghệ An) |
Năm 2017, UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Chỉ thị số 11/CT- UBND về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ và Phòng chống cháy nổ (PCCN) trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho DN và người lao động. Công tác thanh, kiểm tra được tăng cường. Năm 2016 đã tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện pháp luật lao động tại 10 DN, chủ yếu tại các DN có ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lập biên bản 10 DN và ra 8 quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng. Trong 11 tháng đầu năm 2017, huyện đã kiểm tra và lập biên bản 27 DN, ra 9 quyết định xử phạt hành chính về chấp hành pháp luật lao động với tổng số tiền là 37 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng LĐTBXH Quỳ Hợp, qua kiểm tra cho thấy cơ bản các đơn vị, DN trên địa bàn cơ bản thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, PCCN và pháp luật lao động như ký kết hợp đồng lao động, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương, công tác bảo hộ lao động, việc tuân thủ các quy trình ATVSLĐ – PCCN. Tuy nhiên, một số DN tư nhân, Cty TNHH, Cty CP chưa thực hiện tốt các quy định đối với người lao động như: Không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, không điều chỉnh mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ, không xây dựng thang bảng lương, chưa xây dựng nội quy lao động, nội quy an toàn lao động, trang bị bảo hộ lao động không đầy đủ cho người lao động…
Đặc biệt, phần lớn các DN trên địa bàn huyện chủ yếu là hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhưng vấn đề an toàn lao động ở một số DN chưa được quan tâm. DN chưa nhận thức đầy đủ và đầu tư đúng mức cho công tác ATVSLĐ, nguy cơ tiềm ẩn về an toàn lao động tại các DN rất cao. Việc tuân thủ về pháp luật ATVSLĐ của phần lớn các DN hiện nay chưa nghiêm, nhiều DN thực hiện các quy định có tính chất làm cho có để đối phó sự kiểm tra của cơ quan nhà nước. Vẫn còn tình trạng xảy ra tai nạn lao động gây thương tích, nhưng DN tự thỏa thuận với người lao động, không báo cáo cơ quan chức năng.
Ngày 14/5/2017, tỉnh Nghệ An cũng đã phát động hưởng ứng tháng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Nghệ An lần thứ I năm 2017 (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Anh Lê Văn Định, xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) cho biết: "Một số DN địa bàn cách xa khu dân cư, họ quây kín khu sản xuất, không ai có thể vào. Mỗi khi có tai nạn dẫn đến thương tích, chết người, họ đưa tiền cho gia đình để mua sự im lặng, một số trường hợp cơ quan chức năng không nắm bắt được".
Về nguyên nhân, theo UBND huyện Quỳ Hợp, do một số DN khó khăn, hoạt động cầm chừng hoặc phá sản, việc quản lý lao động gặp khó khăn, không có số liệu chính xác; một số DN còn hạn chế trong nhận thức về pháp luật lao động; cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản chủ yếu hoạt động do kiêm nhiệm; nguồn lực cho công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ còn hạn chế. Ngoài ra, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe làm cho DN và người sử dụng lao động coi thường pháp luật.
Những khó khăn nói trên đang là lực cản để xây dựng môi trường lao động an toàn, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi cho người lao động tại “thủ phủ” khoáng sản lớn nhất Nghệ An.
Trước đó, vào ngày 14/5, tỉnh Nghệ An cũng đã phát động hưởng ứng tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Nghệ An lần thứ I năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.
Đây cũng là một đợt cao điểm phát động, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các cấp đảng ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, người lao động và toàn thể nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động để bảo vệ sức khỏe cho người lao động; trên cơ sở thúc đẩy các hoạt động cải thiện điều kiện và môi trường lao động đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phòng chống cháy nổ.