Ông Trần Bắc Hà không đến toà vì điều trị ung thư tại Singapore
- 15:27 13-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày thứ sáu diễn ra phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (Cựu phó chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tiếp tục làm rõ việc lãnh đạo và nhân viên BIDV phê duyệt cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng, gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng.
Lần thứ ba kể từ hôm phiên xử bắt đầu, VKS đề nghị HĐXX triệu tập bằng được ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV), Trần Lục Lang (Phó tổng giám đốc BIDV) đến tòa, để phục vụ cho việc xét xử. Bởi VKS và HĐXX sẽ tiếp tục điều tra làm rõ tại tòa hành vi sai phạm của ông Hà và những người liên quan, nhằm "tránh bỏ lọt tội phạm".
Đại diện VKS. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Đọc hồ sơ bệnh án và đơn xin vắng mặt của hai lãnh đạo BIDV do toà chuyển qua, đại diện VKS cho rằng, các văn bản thể hiện ông Hà bị ung thư gan từ năm 2012, nhưng đúng ngày mở phiên tòa lại xin vắng mặt "đi Singapore tái khám".
"Đề nghị tòa xác minh từ cơ quan xuất nhập cảnh có đúng ông Hà đi nước ngoài hay không?", công tố viên nói.
Đối với ông Trần Lục Lang, VKS cho biết, hồ sơ chỉ có sổ khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia định, bác sĩ chỉ định "cần nghỉ trong ba ngày" chứ không có dấu hiệu cho thấy ông này bị bệnh hiểm nghèo, hay có trở ngại về sức khoẻ, không thể đến tòa.
Chủ tọa Phạm Lương Toản cho biết, tòa đã ký giấy triệu tập mới, yêu cầu hai lãnh đạo BIDV có mặt trong sáng thứ hai tuần tới (ngày 15/1). Nếu những người này không đến, VKS có thể sử dụng lời khai của họ tại cơ quan điều tra, có trong hồ sơ.
Trước khi tiếp tục buổi thẩm vấn đầu giờ chiều hôm nay, chủ tọa thông báo, luật sư Nguyễn Hùng Dân – người đại diện theo ủy quyền của ông Trần Bắc Hà - đã làm việc với tòa, cho biết đã nhận được giấy triệu tập về việc phải có mặt vào thứ hai, ngày 15/1.
Tuy nhiên, ông Dân gửi hồ sơ gồm: hộ chiếu của ông cựu Chủ tịch VNCB thể hiện đã nhập cảnh vào Singapore và làm thủ tục nhập viện vào ngày 7/1, giấy xác nhận của bác sĩ thể hiện ông Hà đang được điều trị tại bệnh viện... Luật sư sẽ cung cấp cho toà toàn bộ tài liệu này vào ngày 16/1 khi đã được hợp pháp hóa lãnh sự.
Ông Phạm Công Danh. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Theo cáo buộc, giữa năm 2013, để có tiền tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu VNCB, ông Danh đặt vấn đề với lãnh đạo BIDV gồm ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (hai phó Tổng giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) vay 4.700 tỷ đồng. Vì được ông Danh cam kết đảm bảo các khoản vay bằng tiền của VNCB gửi tại BIDV nên lãnh đạo ngân hàng duyệt cho vay.
Cơ quan điều tra xác định nhiều lãnh đạo, nhân viên của BIDV sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay, chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống. Sai phạm này không gây thiệt hại cho nhà băng, song gián tiếp giúp ông Danh rút tiền của VNCB và gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.
Liên quan vụ việc, chỉ có ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định) bị truy tố cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng.
Được toà gọi thẩm vấn, bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định) phản đối cáo trạng truy tố ông và hai đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (cán bộ, nhân viên BIDV Gia Định).
"Cố ý là biết nhưng vẫn làm. Đằng này, quá trình phê duyệt hồ sơ giải ngân cho Công ty Phong Hiệp (của ông Danh) vay 430 tỷ đồng, bị cáo không hề biết giám đốc công ty này đồng thời là thành viên HĐQT của ngân hàng VNCB", ông Hoàng Long Hà nói.
"Nếu không có căn cứ phạm tội thì cần giải oan cho mọi người để làm thay đổi tư duy của nhiều người cho rằng cứ bị bắt, bị đưa ra xét xử là có tội, là phải kết án", bị cáo này nhấn mạnh.
Ông Trầm Bê. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Quá trình tham gia tái cơ cấu VNCB, ông Danh bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn để lập hợp đồng vay khống tiền của các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.
Do những công ty này không hoạt động kinh doanh, ông Danh cam kết sử dụng tiền của VNCB để đảm bảo cho các khoản vay, dẫn đến thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng.
Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút trái phép 1.800 tỷ đồng của VNCB. Nhóm bị cáo thuộc Ngân hàng BIDV gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số thiệt hại còn lại do người của TPBank giúp sức ông Danh gây ra.