Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Rớt nước mắt cảnh cụ bà 90 tuổi điên dại, đêm đêm ra bờ sông Trà Lý ngồi khóc (P.1)

Ở tuổi gần đất xa trời, cụ Đỗ Thị Nụ (90 tuổi, Thái Bình) bỗng phát bệnh tâm thần nặng. Cụ Nụ lảm nhảm, hát ca suốt ngày, thậm chí ban đêm cụ còn mò ra bờ sông Trà Lý ngồi khóc.

Gần cuối đời bỗng dưng mất trí, hoang tưởng nặng

Con đường ngoằn nghèo dẫn chúng tôi đến nhà cụ Đỗ Thị Nụ, 90 tuổi, xóm Tân Sơn, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Hỏi nhà cụ Nụ tâm thần, người dân ở đây ai cũng biết.

Cụ Nụ sống một mình trong căn nhà cấp 4 tềnh toàng giữa xóm. Theo lời kể của người thân, cụ Nụ lập gia đình năm 37 tuổi. Ông bà đều là “rổ giá cạp lại”, nghèo túng nhưng sống rất hòa thuận bên nhau.

Cụ Nụ sinh được ba người con gái là Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hòe và Nguyễn Thị Hiền. Người vợ trước của ông cũng có hai người con gái.

Cụ Nụ sống một mình trong căn nhà tềnh toàng giữa xóm Tân Sơn. Ảnh: Thu Hà

Trước đây, cụ Nụ chỉ lẫn một chút do tuổi già. Cụ vẫn chăm con gà, con lợn, tự cơm nước hàng ngày. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, cụ bị hoang tưởng nặng. Cụ Nụ không thể nhớ tên, tuổi của mình bao nhiêu. Ai hỏi, cụ cũng bảo cụ “400 tuổi”.

Cuộc sống của cụ Nụ hiện phụ thuộc hoàn toàn vào các con gái. Tuy nhiên, các con của cụ cũng rất nghèo, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với vài sào ruộng nên năm chị em gái chỉ biết thay phiên nhau, mỗi người mang cơm chăm mẹ một ngày.

Năm ngoái, chồng cụ Nụ mất. Bởi mắc bệnh tâm thần nặng nên cụ vẫn ngồi trong giường hát hò, chẳng hề biết nỗi đau mất chồng.

Đêm đêm ngồi khóc bên bờ sông Trà Lý

Có khách lạ đến thăm nhà, cụ ngồi im ở ghế, thỉnh thoảng cười. Người nhà bảo có đông người đến thăm thì cụ được “trấn an” tinh thần, ngồi im vậy thôi. Nhưng khi mọi người đi khỏi là cụ bắt đầu nghêu ngao hát, nói linh tinh và đi lang thang.

Mặc dù không phải con ruột nhưng các con chồng luôn chăm sóc cụ Nụ như mẹ ruột của mình. Chỉ có điều, các con quá nghèo nên một mặt vừa phải lo chăm cụ, vừa phải lo làm đồng áng để có thóc gạo nuôi sống gia đình mình. Ảnh: Thu Hà

Cô Nguyễn Thị Hiền, con gái cụ Nụ buồn rầu cho biết không chỉ đi lang thang, cụ còn thường phá phách. Có hôm các con cho ăn, cụ còn lên cơn điên đánh luôn các con.

“Phải rào rậu kín nhà, khóa trái cửa để bà không đi được. Nhưng nhiều khi bà vẫn phá rào đi khắp nơi. Có lần các con phát hoảng vì bà chui vào gầm giường, bụi táo gai, rúc vào chuồng trấu của hàng xóm làm người ta tưởng trộm. Biết bà bị tâm thần, họ lại gọi người nhà đến đưa bà về”, cô Hiền kể.

Điều làm mọi người kinh hãi nhất là vào ban đêm, cụ Nụ thường lọ mọ ra bờ sông Trà Lý ngồi khóc. Ai cũng lo ngộ nhỡ bà cụ sảy chân ngã xuống con sông lớn… Các con khóa trái cửa, cụ không đi được thì đập phá, lồng lên như một người điên dại không ai ngủ được.

Cụ nói liên thiên suốt ngày, không nhớ mình tên gì, bao nhiêu tuổi, đã ăn cơm hay chưa...

Theo lời của người thân, cụ Nụ đã từng điều trị tại Bệnh viện tâm thần Thái Bình. Bởi cụ Nụ quá yếu, người chỉ nặng vỏn vẹn 30kg nên các con không thể đưa cụ xuống Hà Nội khám bệnh.

Các con của cụ Nụ không khỏi băn khoăn việc cụ bị âm thần nặng, tuổi cao, phải sống hoàn toàn phụ thuộc vào người khác chăm sóc trong 5 năm nay nhưng cụ chỉ được hưởng 270.000 đồng/ tháng chế độ dành cho người cao tuổi, chưa được hưởng chế độ dành cho người tâm thần cũng như chế độ người trông nom.

Trong số danh sách 15 người bệnh tâm thần tại Xã Hiệp Hòa do Trạm Y tế xã cung cấp cho thấy đến thời điểm hiện tại, cụ Nụ không nằm trong danh sách này.

Những cơn gió Đông Bắc rít lên từng hồi bên mái nhà tềnh toàng của cụ Nụ. Rét mướt vậy mà có hôm cụ Nụ giằng quần áo vứt đi. Cũng may mấy bữa nay rét mướt, chân đau, cụ mới bớt đi lang thang. Chia tay chúng tôi, cô Thúy, con gái cụ Nụ tâm sự có lúc các con tưởng chừng không cầm cự được vì phải đánh đuổi, chạy theo những bước chân dường như không biết không mỏi của cụ.

“Chúng tôi đều nghèo cả, mỗi con có vài sào ruộng trông vào. Chỉ mong cụ được hưởng chế độ dành cho người tâm thần để cuộc sống bớt khó khăn”, cô Thúy nói.