Thủ tục khai quật tử thị vụ nữ kế toán trưởng tử vong tại Nghệ An sẽ thực hiện thế nào?
- 13:37 12-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Cho linh hồn chị tôi được siêu thoát”
Đó là lời thỉnh cầu của anh Nghị gửi tới Phapluatplus.vn. Mới đây, anh Đào Quang Nghị là em trai chị Đào Thị Hoa, (nữ kế toán trưởng Bệnh viện đa khoa Yên Thành, nghi bị sát hại tại đồi Động Nen, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) gửi đơn kêu cứu thông qua Phapluatplus.vn, đề nghị Bộ Công an giúp đỡ gia đình anh sớm khai quật tử thi là chị Đào Thị Hoa, để làm rõ việc tử vong bất thường.
Phapluatplus.vn xin trích đăng tải nội dung đơn của anh Đào Quang Nghị: “Qua loạt bài phóng sự điều tra của Pháp luật Plus và kiến nghị của Luật sư Nguyễn Duy Dụ - người đại diện cho bố, mẹ tôi về pháp luật; ngày 4/12/2017, C44 Bộ Công an đã có công văn yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An thực hiện 3 việc cụ thể (đã nêu trong công văn).
Chiều ngày 29/12/2017, Công an huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An mời đại diện gia đình tôi và chồng chị Hoa đến làm việc, với sự có mặt của Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, yêu cầu gia đình làm đơn đề nghị khai quật tử thi, đơn phải viết tay, có đủ chữ ký của 5 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, gồm: bố, mẹ, chồng và 2 con của chị Hoa, khi nào hoàn thành thì nộp cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên thành; để chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An, báo cáo với lãnh đạo xin ý kiến.
Mặc dù, gia đình tôi và Luật sư Nguyễn Duy Dụ đã có đơn kiến nghị khai quật tử thi từ nhiều năm trước. Nay trong giai đoạn cuối năm bề bộn công việc, hai con của chị Hoa lại sinh sống, làm việc tại 2 bang cách xa nhau của Hoa Kỳ, vì vậy việc các cháu viết đơn (viết tay) có chữ ký đầy đủ là rất khó khăn. Đây có phải là thủ tục bắt buộc của pháp luật khi tiến hành khai quật tử thi hay không?
Qua Pháp luật Plus, tôi cầu cứu Quý Báo và Bộ Công an, trực tiếp là C44 chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc Công văn ngày 4/12/2017 mà Cục đã gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An.
Kính mong các cơ quan liên quan tiến hành công việc khẩn trương, nghiêm túc, công tâm để củng cố niềm tin cho người dân; kiên quyết không dung túng, bỏ lọt tội phạm, đem lại sự thanh thản cho gia đình tôi, cho linh hồn chị tôi được siêu thoát…”.
Hiện gia đình tôi đang chờ đơn của hai con chị tôi đang gửi bưu điện để hoàn chỉnh nội dung yêu cầu của Công an Yên Thành.
Đơn anh Đào Quang Nghị gửi Phapluatplus.vn. |
Tại vị trí treo cổ nạn nhân có thể tự treo được không?
Ông Vũ Việt Hùng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án Hình sự, Vụ Trưởng vụ thi đua khen thưởng VKSND tối cao. (Ảnh PV). |
Trả lời câu hỏi của PV Phapluatplus.vn về những căn cứ để khai quật tử thi, ông Vũ Việt Hùng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án Hình sự về tra trật tự xã hội, VKSND tối cao) cho biết:
Điều kiện về khai quật tử thi phục vụ công tác điều tra theo quy định khoản 4, Điều 202 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015.
Cụ thể: Trường hợp của nạn nhân Đào Thị Hoa tử vong cách đây 06 năm, đã có Công văn của C44 yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định “khai quật tử thi”.
Như vậy, đây là Trường hợp cần khai quật tử thi để phục vụ công tác điều tra, xác định nguyên nhân tử vong của nạn nhân Đào Thị Hoa.
Do đó, trách nhiệm của Công an Nghệ An phải ra quyết định khai quật tử thị. Đồng thời thông báo cho người thân thích của chị Hoa biết trước khi tiến hành.
Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết. Hoặc thông báo cho cha mẹ chị Hoa, hoặc chồng chị ấy biết về ngày giờ khai quât.
Việc Công an Yên Thành, Nghệ An yêu cầu gia đình nạn nhân phải viết tay, có chữ ký của từng thành viên là không cần thiết, vì luật không quy định.
Là người từng tham gia, chịu trách nhiệm chính trong việc khai quật tử thi, ông Vũ Việt Hùng cho biết thêm: Để đảm bảo tính khách quan, ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật, công tác chuẩn bị trước khi khai quật tử thi cần điều tra tỉ mỉ những căn cứ có liên quan tới vụ án.
Cụ thể, trước đó Cơ quan điều tra xác định nạn nhân Đào Thị Hoa chết do treo cổ, thì cơ quan tiến hành khám nghiệm tử thi cần làm rõ: “Những dấu hiệu đặc trưng của người chết do treo cổ”.
Về hiện trường vụ án; “Vị trí nơi phát hiện nạn nhân treo cổ, thì tại vị trí đó nạn nhân có thể tự treo cổ được không?”.
Để biên bản khai quật tử thi có hiệu lực pháp lý, Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.
Giám định viên kỹ thuật hình sự tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định. (Quay phim, chụp ảnh, ghi âm, lập biên bản và các bên cùng tham gia ký vào biên bản khám nghiệm tử thi.
Như Phapluatplus.vn đã đăng tải bài viết: Cục C44- Bộ Công an đã vào cuộc nữ kế toán trưởng bệnh viện đa khoa Yên Thành tử vong bất thường. Công văn số 4119/C44-P5, ngày 04/12/2017 của Tổng cục cảnh sát Bộ Công an nêu rõ: “ Văn phòng Cơ quan CSĐT có công văn đề nghị đồng chí Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định; hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành và ra quyết định khai quật tử thi chị Đào Thị Hoa để khám nghiệm, xác định nguyên nhân chết của chị Hoa, đồng thời có hướng điều tra giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật...”. |
Điều 202. Khám nghiệm tử thi 1. Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến. Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. 2. Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định. 3. Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh, mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. 4. Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết. |