Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Công Vinh đang "hoang tưởng" hay chúng ta đang hoang phí?

Bóng đá học đường Việt Nam giống như một mỏ tài nguyên khổng lồ chưa được khai phá. Sự khai phá ấy không có hại, ngược lại còn giúp tạo nên bộ rễ vững chắc cho cây... bóng đá Việt.

 

Từ trận chung kết giải cấp 3 của người Nhật

Hình ảnh 43.000 khán giả theo dõi trận chung kết toàn quốc môn bóng đá trường cấp 3 Nhật Bản 2017 giữa Maebashi Ikuei và Ryukei Kashiwa khơi gợi nhiều liên tưởng.

Twitter của người dùng có tên Tom Byer đăng bức ảnh chụp khán đài SVĐ với dòng trạng thái: “Thật khó để tìm thấy một không khí khác cuồng nhiệt hơn trận chung kết toàn quốc cấp 3 giữa Maebashi Ikuei và Ryukei Kashiwa. Trận chung kết thứ 96 trong lịch sử. Những tay máy ảnh nói với tôi rằng không khí này như một trận đấu của đội tuyển quốc gia”.

 43.000 khán giả tới theo dõi trận đấu tại trận chung kết toàn quốc cấp 3 Nhật Bản năm 2017.

Với người Việt Nam, con số 43.000 còn lớn hơn sức chứa tối đa của SVĐ QG Mỹ Đình. Đáng nói hơn, đây là trận chung kết thứ 96 trong lịch sử giải đấu. Trong khi đó, Việt Nam hiện tại vẫn chưa có một hệ thống giải đấu bóng đá cho các trường cấp 3 trên cả nước.

Nền tảng cơ sở để phát triển của bóng đá Nhật Bản dựa trên mối quan hệ thắt chặt giữa 3 trụ cột là hệ thống đào tạo HLV, hệ thống đào tạo trẻ bao gồm sự cân bằng giữa đào tạo trẻ của CLB và cả ở các trường học. Trụ cột cuối cùng là các đội tuyển quốc gia.

Nếu soi chiếu nền tảng này đối với Việt Nam. Hệ thống đào tạo trẻ của Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi ở các CLB. Tuy nhiên, đào tạo trẻ từ ngay trường học vẫn chưa có bất cứ sự thay đổi lớn như một chiến lược cho các trường trên toàn quốc.

Giải bóng đá sinh viên toàn quốc, môn futsal ở Giải Thể thao sinh viên Việt Nam (VUG) mới chỉ dừng lại đối tượng ở các trường đại học. Hội khỏe Phù Đổng như một Đại hội thể thao nhưng tiếng vang cũng chẳng được nhiều,… Đó mới chỉ là một vài giải đấu lớn. Thế nhưng, tất cả những sự kiện bóng đá được tổ chức hiện tại vẫn là quá ít sân chơi đối với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.

Phân khúc bóng đá học đường, thể thao học đường đang thiếu đi những chiến lược, những hành động để phát triển. Nó giống như “một mỏ tài nguyên dồi dào khoáng sản” nhưng cũng là rường cột, gốc rễ để phát triển bóng đá nước nhà. Chưa hề có sự khởi đầu cho một chiến lược dài hơi.

Đến những bước đi chập chững của một dự án

TP.HCM là đơn vị đi đầu trong vấn đề này với chương trình “bóng đá học đường” bắt đầu từ năm học 2013 – 2014. Ông Đoàn Minh Xương là Phó Trưởng ban chương trình.

Ông biết việc quyền chủ tịch CLB TP.HCM, Lê Công Vinh, muốn “đãi cát tìm vàng” tại các giải học sinh, sinh viên cho thấy ông hiểu tầm quan trọng và giá trị của bóng đá học đường. Ông hiểu ước muốn của nhiều người như Công Vinh nhưng vẫn khẳng định để làm được điều đó cần rất nhiều thời gian.

“Chương trình Bóng đá học đường của TP.HCM mới chỉ dừng lại ở bước ban đầu là phát động phong trào, tạo ra sân chơi cho các em học sinh. Để chương trình này thật sự có hiệu quả, thông qua đó phát hiện ra những tài năng bóng đá cho Việt Nam thì đòi hỏi một quá trình rất lớn, một nỗ lực rất lâu.

Trước hết, chúng ta phải có những yếu tố nền tảng về sân bãi tốt, HLV tốt thì mới có khả năng hy vọng thông qua bóng đá học đường, phát hiện ra những tài năng Việt Nam. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài”, ông Xương chia sẻ.

 Ông Đoàn Minh Xương là Phó Trưởng ban chương trình bóng đá học đường thuộc Liên đoàn bóng đá TP.HCM.

Bước vào năm thứ 5, chương trình đã có nhiều sự thay đổi về số lượng học sinh tham gia, số trường chấp nhận dự án. Tuy nhiên, ông Đoàn Minh Xương khẳng định mục tiêu hiện tại vẫn duy trì ở thay đổi nhận thức dạy thể dục thể thao và sự phổ cập bóng đá đối với các trường học trên địa bàn TP.HCM trên diện rộng.

Ông Xương chia sẻ: “Hướng đi của bóng đá học đường là đưa bóng đá làm môn giảng dạy ở môn Giáo dục thể chất. Các em được chơi môn thể thao ham thích thì hiệu quả cao hơn là chương trình Giáo dục thể chất bây giờ, bắt buộc các em học nhưng các em lại không ham thích. Do đó, mục tiêu đầu tiên của mình là muốn đưa bóng đá vào giảng dạy ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm mục đích tạo ra sân chơi cho các em”.

Những mục tiêu tiếp theo là phát triển thể chất, kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời cải thiện từng bước cơ sở vật chất về thể dục thể thao của nhà trường. Từ việc phổ cập được bóng đá trên địa bàn toàn thành phố, những người như ông Xương mới có thể thực hiện tiếp những mục tiêu lớn hơn.

Mục tiêu dài hạn được ông tiết lộ: “Trong tương lai, tôi mong muốn rằng nền tảng bóng đá phát triển thì mình sẽ tuyển chọn được những em thực sự có năng khiếu để đưa vào hệ thống đào tạo trẻ của thành phố, tạo nguồn cung cầu thủ cho các CLB ở TP.HCM”.

 Những chương trình như bóng đá học đường do HFF xây dựng hay Giải U13 bóng đá học đường (ảnh) vẫn chưa thể nhân rộng khi thiếu đi sự hưởng ứng, chiến lược phát triển bóng đá học đường từ các Bộ liên quan. Ảnh: Hải Đăng.

Thế nhưng, chương trình này vẫn chỉ dừng lại ở TP.HCM. Việc phát triển và nhân rộng lên nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc là câu chuyện mà như ông Xương nói bản thân ông hay đơn vị chủ quản Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) muốn nhưng không thể quyết định, ngay kể cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

“Chương trình bóng đá học đường vẫn do HFF độc lập thực hiện với sự hỗ trợ của đối tác. Hiện nay, HFF có đặt vấn đề phối hợp với VFF. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay để đưa bóng đá vào học đường hay các môn thể thao khác vào học đường cần có sự phối hợp ở cấp cao hơn. Từ cấp Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có chủ trương”.

“Trong chủ trương đó, HFF kết hợp với VFF thì mới có thể mở rộng chương trình này không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà ở khắp các tỉnh thành khác có điều kiện. Tuy nhiên, cái này đòi hỏi một chủ trương chung từ phía cấp cao. Bản thân HFF cũng chỉ là tổ chức xã hội, VFF cũng vậy. Chương trình này thật sự có hiệu quả thì cần có chủ trương xuyên suốt từ cấp chính phủ và cấp bộ”, ông Xương giãi bày.

Trở lại với mong muốn của quyền chủ tịch Lê Công Vinh, tìm nhân tài từ các giải bóng đá học sinh, sinh viên lúc này có thể với nhiều người bị coi là suy nghĩ viển vông trong bối cảnh bóng đá học đường thiếu đi nền tảng phát triển. Thế nhưng, đó cũng là sự hy vọng về một sự thay đổi như cái cách ông Đoàn Minh Xương hay HFF vẫn đang hành động vì nền bóng đá học đường phát triển hơn trong tương lai.

 Hình ảnh HLV Miura và quyền chủ tịch Lê Công Vinh đến Giải bóng đá sinh viên TP.HCM  đem lại sự hưởng ứng tích cực.

Đôi nét về chương trình "bóng đá học đường":

Chương trình bóng đá học đường do Liên đoàn bóng đá TPHCM xây dựng bắt đầu từ năm 2013 – 2014. Năm đầu chỉ có 41 trường tiểu học tham gia với khoảng 1500 học sinh. Hiện tại, 185 trường tiểu học trên địa bàn tham gia chương trình này. Ngoài ra, 66 trường THCS tham gia bóng đá nam, 15 trường tham gia bóng đá nữ. Tổng số là khoảng 16000 học sinh.

Các trường đồng ý tham gia chương trình sẽ nhận được các trang thiết bị cơ bản, trang phục bóng đá cho các học sinh. Mỗi mùa hè, các lớp dạy kỹ năng được tổ chức để tập huấn cho các thầy, cô dạy GDTC trong trường, cung cấp giáo án chi tiết mỗi tuần trong hơn 30 tuần lễ của năm học. Mỗi tuần tổ chức tối thiểu 2 buổi tập luyện cho các học sinh.

Chi phí một năm cho mỗi trường tiêu tốn 6 triệu đồng với 185 trường tham dự, HFF phải bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để duy trì hoạt động cho dự án này.