Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chương trình môn Toán sẽ giải quyết việc 'học vất vả song không để làm gì'

21% tổng thời lượng chương trình môn Toán phổ thông dành cho nội dung ứng dụng. Các dạng bài tập lắt léo, phục vụ thi cử sẽ bị loại bỏ.

GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ nhiều thay đổi về môn học.

Chương trình môn Toán mới được xây dựng trên quan điểm thế nào, thưa giáo sư?

- Chương trình môn Toán mới được ban soạn thảo xây dựng trên phương châm 10 chữ: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Nội dung phải tinh giản, phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học. Đây là nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, phản ánh nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học.

 GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán mới. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chương trình chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế và các môn học khác. Toán học gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính... Điều này cho phép khắc phục hạn chế của lối dạy và học Toán hiện nay, nặng về truyền thụ ứng thí, khiến môn học nặng nề, tạo nhiều áp lực cho học sinh.

Tính hiện đại của chương trình môn Toán sẽ giúp học sinh Việt Nam sau giai đoạn giáo dục phổ thông có thể hội nhập quốc tế, tham gia được vào thị trường lao động toàn cầu. Chúng ta muốn đưa đất nước đi lên, muốn xây dựng quốc gia khởi nghiệp thì phải có những con người sáng tạo và do đó giáo dục Toán học phổ thông cần khơi gợi sự sáng tạo ấy ở mỗi học sinh.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng, nội dung môn Toán thường mang tính trừu tượng, khái quát. Do đó, để hiểu và học được Toán, chương trình Toán ở trường phổ thông cần bảo đảm sự cân đối giữa "học" và "áp dụng" kiến thức vào giải quyết vấn đề cụ thể.

Chương trình môn Toán mới sẽ kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành, có sự phân hóa để đáp ứng nhu cầu của học sinh; quán triệt tinh thần "Toán học cho mọi người", ai cũng được học Toán nhưng mỗi người có thể học theo cách phù hợp với sở thích và năng lực. Bên cạnh đó, chương trình có tính mở để thực hiện chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa", dành không gian sáng tạo cho tác giả sách và giáo viên dạy học. 

Do là một phần trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên chương trình môn Toán mới tuân thủ tất cả đòi hỏi về phẩm chất, năng lực của học sinh, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, phương pháp giáo dục, đánh giá giáo dục… Việc xây dựng một cách tổng thể như thế sẽ giúp chương trình môn Toán và các môn học khác có tính thống nhất, chặt chẽ, tránh được hiện tượng quá tải cho học sinh khi phải học cùng lúc nhiều môn.

- Vậy những thay đổi cơ bản trong chương trình môn Toán mới là gì?

- Về cấu trúc, chương trình môn Toán mới thống nhất từ lớp 1 đến 12, xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

Lần đầu tiên chương trình dành thời gian thích đáng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh ở từng lớp, giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ đã được tích lũy từ giáo dục toán học và kinh nghiệm của bản thân vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn. Qua đó, học sinh được phát triển năng lực tổ chức và quản lý hoạt động, năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản thân; giúp các em bước đầu xác định được năng lực, sở trường nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Đây cũng là cách tạo dựng một số năng lực cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.

Ví dụ, khi học về thống kê học sinh lớp 6 có thể thu thập nhiệt độ địa phương tại mốc thời gian nhất định trong một tuần lễ; tính trung bình cộng của nhiệt độ, từ đó đưa ra nhận xét về biến đổi thời tiết. Như vậy, học sinh vừa được học về Toán, vừa nắm được kiến thức Địa lý và có ý thức giải quyết vấn đề thực tiễn. Thông qua tiết học, ta có thể dạy về biến đổi khí hậu, để các em có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống. Một tiết học môn Toán đã thực hiện đa mục đích, điều  trước nay ít làm được.

 Chương trình môn Toán mới sẽ không có các dạng bài tập lắt léo. Ảnh minh họa: Quỳnh Trần.

Tinh thần chung của chương trình môn Toán mới là giảm nhẹ yêu cầu về giải bài tập, cương quyết không đưa vào các dạng bài tập mẹo, lắt léo. Những bài tập như thế (về cơ bản) chỉ để phục vụ việc thi cử chứ không giúp hình thành và phát triển năng lực cho người học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay và phản ứng của dư luận xã hội về việc con em học toán vô cùng vất vả mà không biết để làm gì.

Chương trình môn Toán mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi phương pháp giáo dục. Mục tiêu, nội dung chương trình được xây dựng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, vì thế phương pháp dạy học cũng phải thay đổi cho phù hợp: phải đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó. 

Các giáo viên phải quán triệt tinh thần "lấy người học làm trung tâm", phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh và chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập của từng cá nhân. Yêu cầu mới khiến người thầy cần tổ chức quá trình dạy học theo hướng kiến tạo, trong đó học sinh được tham gia tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề; linh hoạt trong việc vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực…

- Ứng dụng Toán học sẽ được giảng dạy như thế nào trong chương trình mới khi môn Toán hiện nay bị nhiều người cho rằng học xong không biết để làm gì?

- Những mạch kiến thức gắn liền với cuộc sống rất chú trọng trong chương trình môn Toán mới. Cụ thể, chúng tôi dành 21% tổng thời lượng chương trình môn Toán của cả 12 năm cho nội dung về ứng dụng Toán học. Trong đó, 12% tổng thời lượng dành cho Thống kê và Xác suất và sẽ được dạy xuyên suốt từ lớp 2 đến lớp 12. Các giờ thực hành và hoạt động trải nghiệm môn Toán chiếm 9%, có trong tất cả lớp, cấp học.

Tính ứng dụng được chúng tôi đòi hỏi trong yêu cầu cần đạt của từng chủ đề. Ví dụ khi học sinh học về diện tích hình chữ nhật, giáo viên phải giúp các em biết vận dụng kiến thức đó sẽ giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống xung quanh mình. Chuyên đề học tập giới thiệu cho học sinh lớp 11 về đồ họa, vẽ kỹ thuật, giúp các em đọc được những bản vẽ cơ bản.

Ở lớp 12, chương trình thiết kế chuyên đề ứng dụng Toán học trong các vấn đề liên quan đến tài chính, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức toán học trong giải quyết một số vấn đề về đầu tư hay lãi suất và vay nợ của tổ chức tín dụng...

Tóm lại, với thời lượng lớn dành cho nội dung ứng dụng Toán học, tôi tự tin học sinh sẽ rất thích thú với môn Toán vì thấy gần gũi với cuộc sống.

- Với những thay đổi của chương trình môn Toán mới, ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng của đội ngũ giáo viên hiện nay?

- Nhìn tổng thể, nội dung chương trình môn Toán mới đã tinh giản hơn hẳn so với trước đây. Tuy nhiên, ở một số nội dung cụ thể của mỗi khối lớp sẽ có sự thay đổi. Ví dụ học sinh tiểu học sắp tới được học Thống kê từ lớp 2, đây là điều không có trong chương trình hiện hành. Kiến thức về Thống kê này được giảng dạy rất bài bản trong chương trình đào tạo giáo viên Toán ở các trường Sư phạm trong hơn 20 năm qua. Do đó, tôi tin rằng thầy cô giáo trẻ hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đổi mới về mặt kiến thức. Phần khó khăn hơn có lẽ thuộc về khối giáo viên lớn tuổi, nhất là bậc tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch cụ thể trong việc tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Tôi hiểu rất rõ rằng nhân tố quyết định sự thành công của chương trình môn Toán mới chính là đội ngũ giáo viên dạy Toán, những người đồng nghiệp của chúng tôi trên khắp mọi miền của đất nước. Tôi mong rằng, mỗi thầy cô sẽ thấy việc đổi mới là nhu cầu tự thân của chính mình, là trách nhiệm với đất nước, với các thế hệ học sinh của chúng ta.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Có hai loại môn học bắt buộc và tự chọn ở tất cả các cấp. Thời lượng nhiều môn học và tổng thời lượng học trong năm của chương trình mới, giảm so với chương trình hiện hành. Chương trình mới tuân thủ nguyên tắc “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”.

Thời hạn áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.