Máy bay không người lái tấn công căn cứ Nga: Kẻ nào vuốt râu hùm?
- 14:05 10-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vụ tấn công drone vào Khmeimim xảy ra chưa đầy một tuần sau vụ pháo cối khiến 2 binh sĩ Nga thiệt mạng. |
Bất ngờ và bí ẩn
Một loạt các cuộc tấn công bí ẩn vừa diễn ra tại các căn cứ quân sự chính của Nga ở Syria, bất chấp tuyên bố chiến thắng gần đây của Tổng thống Vladimir Putin.
Vụ tấn công mới nhất được tiến hành bởi một nhóm thiết bị bay không người lái (drone) có vũ trang.
Vụ tấn công đã thúc đẩy một loạt các câu hỏi về việc phe nhóm hay quốc gia nào lại muốn thách thức vai trò của Nga tại Syria, sau khi Moscow đang nắm vai trò gần như tuyệt đối ở quốc gia này.
Theo tuyên bố của bộ Quốc phòng Nga, có 13 máy bay không người lái không rõ xuất xứ đã thực hiện vụ tấn công nhằm vào căn cứ không quân và hải quân của Nga ở miền Tây Syria.
Vụ tấn công được thực hiện vào đêm 6/1. Theo đó, căn cứ không quân Nga Khmeimim ở Latakia bị 10 chiếc máy bay không người lái tấn công. Trong khi đó, ba máy bay không người lái khác tấn công vào căn cứ hải quân Tartus.
Nga tuyên bố bắn hạ 7/13 máy bay, vô hiệu hóa 6 chiếc bằng áp chế điện tử. Không có thiệt hại nghiêm trọng nào xảy ra và nguồn gốc của những chiếc thiết bị này hiện chưa được xác định rõ ràng.
Hãng tin Nga Kommersant cũng thông báo về một số vụ tấn công bằng drone nhỏ hơn ở các cứ điểm của Nga ở Homs, Latakia trong hai tuần qua.
Vụ tấn công mới nhất diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Nga mất 2 binh sĩ trong trận nã cối của phiến quân Syria đêm 31/12.
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin nói rằng bảy máy bay chiến đấu bị thiệt hại sau cuộc tấn công, bao gồm hai máy bay Su-35 và bốn cường kích Su-24.
Tuy nhiên, ấn phẩm Kommersant đã đăng tải hình ảnh được cho là một số máy bay Nga bị hỏng hóc.
Nếu điều này là có thật, đây là vụ việc gây tổn thất lớn nhất đối với không quân Nga trong hơn một thập kỷ qua.
Vụ tấn công chưa từng có
Theo Washington Post, sự xuất hiện của phi đội máy bay không người lái cùng vụ nã pháo cối chỉ trong vòng chưa đầy một tuần là đợt kết hợp tấn công quy mô lớn nhất nhắm vào lực lượng Nga ở Syria, kể từ năm 2015 cho đến nay.
Căn cứ Khmeimim, trung tâm hoạt động quân sự chính của Nga nằm sâu trong lãnh thổ Syria từ trước đến nay vẫn được coi là bất khả xâm phạm trước mọi cuộc tấn công, theo chuyên gia Maxim Suchkov của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga.
“Họ nghĩ rằng cơ sở của mình rất an toàn, nhưng hiện tại mọi thứ đang trở nên dễ tổn thương hơn”, Suchkov nói.
Mặc dù quân đội Nga luôn bảo đảm mọi biện pháp bảo vệ căn cứ, dường như lần này Moscow đã thất bại trong việc ứng phó trước công nghệ mới của kẻ thù, chuyên gia này nhận định thêm.
Nga cáo buộc cường quốc công nghệ đứng đằng sau hỗ trợ cuộc tấn công. |
Với chuyên gia Jennifer Cafarella đến từ viện Nghiên cứu Chiến tranh (Washington), vụ tấn công bằng drone cũng đặt ra câu hỏi về sự hiện diện quân sự lâu dài của Nga tại Syria.
Hồi tháng 12, Tổng thống Putin đã đến thăm căn cứ Khmeimim và cho biết, Nga sẽ dần rút quân vì cuộc chiến ở Syria về cơ bản đã kết thúc.
Các vụ tấn công gần đây cho thấy, “có rất nhiều thế lực vẫn có thể thâm nhập đến những vùng kiểm soát chặt chẽ của Nga ”, bà nói. “Những lợi ích của chính quyền hiện tại tạm thời đang rơi vào tình trạng rủi ro”.
Dẫu vậy, tâm điểm chú ý nhất của vụ việc vẫn là ai là kẻ dám đứng sau “vuốt râu hùm”.
Chiến dịch quấy phá bằng drone đang khiến giới truyền thông Nga và Syria lúng túng trong việc khoanh vùng ai là thủ phạm, khi không có tuyên bố nhận trách nhiệm nào về vụ việc được đưa ra.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 9/1 buộc tội một cường quốc công nghệ đứng sau cung cấp công nghệ cho vụ tấn công, nói rằng chiến dịch này đòi hỏi mức độ cao về chuyên môn, trong khi không có nhóm phiến quân Syria nào có đủ khả năng thực hiện mà không có sự giúp sức của một cường quốc công nghệ.
Nối tiếp sự hoài nghi, phía Nga sau đó tuyên bố phát hiện máy bay do thám Poseidon của Mỹ lượn lờ trên bầu trời khu vực trong lúc các drone lao vào căn cứ Nga.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon trong phản ứng sau đó nói cáo buộc trên là “hoàn toàn sai sự thật”.
Ông Pahon cho biết, khủng bố Hồi giáo tự xưng (IS) thường xuyên sử dụng UAV vũ trang chống lại lực lượng Mỹ và đồng minh ở miền Đông Syria và các thiết bị này có thể được mua dễ dàng trên thị trường.
Tuy nhiên, sào huyệt gần nhất của IS được cho là cách căn cứ Khmeimim hàng trăm dặm, trong khi các thiết bị bay không người lái của IS sử dụng thường có phạm vi hoạt động 1-2 km.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những chiếc drone sử dụng trong vụ tấn công Khmeimim đến từ khoảng cách 50 đến 100 km, khiến cho việc khoanh vùng thủ phạm càng trở nên khó khăn hơn.
Phe đối lập Syria được cho là nghi phạm chính khi hoạt động gần phạm vi căn cứ. Tuy nhiên, các nhóm này thường lên tiếng nhận trách nhiệm về mọi hoạt động của mình. Nhưng lần này họ lại im lặng.
“Có rất nhiều giả thuyết”, chuyên gia Suchkov nói. “Nhưng thủ phạm là ai vẫn là một bí ẩn”.