Tăng thuế TNCN nhưng giữ nguyên giảm trừ gia cảnh: Bất hợp lý
- 10:48 09-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi Bộ Tài chính đưa ra các phương án thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương và tiền công trong Dự thảo Luật sửa đổi, hầu hết độc giả Zing.vn đều cho rằng bên cạnh việc đưa ra các phương án thu thuế TNCN, Bộ Tài chính nên đưa ra cả các kịch bản tăng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc đối với người lao động.
Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng với bản thân và 3,6 triệu đồng với người phụ thuộc đưa ra từ năm 2013, theo nhiều độc giả Zing.vn, không còn phù hợp.
|
“Bộ Tài chính nên xem lại mức khấu trừ cá nhân. Tôi nghĩ, cần nâng mức khấu trừ của bản thân lên 12 triệu đồng, còn người phụ thuộc là 5 triệu", độc giả Hà Nguyên cho biết.
Theo đó, độc giả Hà Nguyên cho hay người có thu nhập 30 triệu đồng/tháng, trừ bảo hiểm, các loại phí còn lại khoảng 26 triệu đồng. Hiện tại, khoản để lại cho bản thân 9 triệu đồng và cho 2 con nhỏ là 7,2 triệu đồng. Như vậy, chỉ còn lại 10 triệu đồng chịu thuế.
Tuy nhiên, không nhiều người có thể kiếm được 30 triệu đồng/tháng, người có thể kiếm được cũng phải bỏ ra chi phí, sinh hoạt không dưới 9 triệu đồng, đặc biệt với những vợ chồng đang thuê nhà. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ ở thành phố mức 3,6 triệu đồng/tháng cũng khó có thể lo đủ tiền ăn uống, tiền học và quần áo cùng các chi phí liên quan.
Theo đó, độc giả này đề xuất nên nâng mức giảm trừ bản thân lên 12 triệu đồng và người phụ thuộc lên 5 triệu đồng.
|
Cùng quan điểm nhiều độc giả khác cũng cho rằng Bộ Tài chính nên nâng mức giảm trừ bản thân cho người lao động.
“Sao không thấy Bộ Tài chính đưa ra các kịch bản tăng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân (9 triệu đồng) và người phụ thuộc (3,6 triệu đồng/người) nhỉ?”, độc giả Trang đặt câu hỏi.
Độc giả Huynh cũng cho biết phải tăng mức sàn tính thuế và người phụ thuộc lên vì mức như hiện nay đã duy trì khoảng 4 năm nay. “Có nhiều người thu nhập gần 30 triệu mỗi tháng mà đến cuối tháng không dư nổi được 2 triệu nữa”, độc giả Thành Phong cho hay.
'Tính như vậy người giàu giàu hơn, nghèo nghèo hơn'?
Bên cạnh đó, một số độc giả cho rằng thay vì tăng mức thuế TNCN thì nên xem xét tăng lương cho người lao động để tăng thuế thu nhập.
“Thay vì nghĩ làm sao thu thuế cho nhiều thì nên suy nghĩ làm sao để lương người lao động cao lên vì nếu lương cao thì sẽ đóng thuế nhiều”, độc giả Iris Lee cho biết.
“Tính như vậy giàu vẫn giàu hơn ai nghèo thì vẫn nghèo hơn nữa”, độc giả Nguyễn Minh cho hay.
|
Một số người cho rằng cần làm rõ khái niệm thu nhập tính thuế và thu nhập chịu thuế.
Thu nhập chịu thuế là tiền đề và cơ sở để xác định thu nhập tính thuế. Còn thu nhập tính thuế là tổng thu nhập chịu thuế của một người từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh trừ đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản giảm trừ theo quy định.
Thu nhập theo các bậc trong biểu thuế của Bộ Tài chính đưa ra là thu nhập tính thuế, tức đã trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh bản thân 9 triệu, người phụ thuộc 3,6 triệu đồng, phụ cấp, bảo hiểm xã hội… Do đó, người có thu nhập thu về hàng tháng dưới 10 triệu đồng sẽ không phải nộp thuế.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa đổi thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân với 2 kịch bản đối với thu nhập tiền lương, tiền công từ 7 bậc thuế hiện tại về 5 bậc.
Tuy nhiên, với phương án 1, mức thuế suất với một số bậc lại tăng lên (từ 10% lên 15% với bậc 2, từ 20% lên 25% với bậc 3 và từ 28% lên 30% với bậc 4).
Còn theo phương án 2, thuế suất với một số bậc cũng được điều chỉnh. Bậc 3 sẽ là 20%, bậc 4 là 30%, bậc 5 là 35%.
Ai ảnh hưởng?
Theo tính toán, với phương án 1, người có thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng và trên 80 triệu đồng/tháng (tương đương thu nhập chịu thuế mỗi tháng khoảng 18-89 triệu đồng - tính theo trường hợp cơ bản nhất là không có người phụ thuộc) có mức áp thuế không thay đổi.
Trong khi đó, nhóm có thu nhập tính thuế từ 10 đến 30 triệu đồng (thu nhập chịu thuế 19-39 triệu đồng) và 30-50 triệu đồng (thu nhập chịu thuế 39-59 triệu đồng)lại chịu thiệt do cách nhảy bậc thuế quá cao. Mức thu nhập tính thuế 50-80 triệu đồng (thu nhập chịu thuế 59-89 triệu/tháng) lại chỉ tăng 5% so với thuế suất của bậc liền trước đó.
Bộ Tài chính tính toán theo phương án 1, những người có thu nhập tính thuế là từ 10 triệu/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng và thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm tới 850.000 đồng/tháng. Mặt khác, có ý kiến cho rằng việc tính thuế theo phương án này sẽ có lợi cho người giàu, thu nhập cao.
Còn với phương án thứ 2, những người có thu nhập tính thuế 15 triệu/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, người có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ phải nộp thêm 400.000 đồng, và người 50 triệu đồng phải nộp thêm 500.000 đồng và 80 triệu sẽ phải nộp thêm 650.000 đồng/tháng.