Bến xe Miền Trung: Đìu hiu, vắng khách do chọn sai vị trí?
- 09:25 09-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bến xe Miền Trung công trình 100 tỷ, lọt top 10 công trình ấn tượng nhất Nghệ An năm 2017 |
Bến xe trăm tỷ, mỗi tháng lỗ 1,5 tỷ đồng
Bến xe miền Trung là công trình nằm trong dự án Khu dịch vụ vận tải đường bộ Nam TP.Vinh do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Miền Trung đầu tư xây dựng. Bến được hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 9/2017, tuy nhiên đến nay số lượng xe khách về đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn hành khách đến bến thì hầu như không có.
Chị N.T.H (nhân viên vệ sinh môi trường) cho biết: Tuy đã đi vào hoạt động gần 4 tháng nhưng mỗi ngày chỉ có vài xe ra vào bến, thời gian còn lại bến vẫn trong tình trạng “đìu hiu” chờ khách. Trong khi đó, hệ thống đèn, quạt điện, nước sinh hoạt, camera an ninh… luôn được duy trì tiêu tốn không ít tiền”.
Còn bác Lê Cảnh Nam (trú phường Vinh Tân, TP. Vinh) nói: “Bến xe này làm rất hoành tráng nhưng qua gần 4 tháng hoạt động, tôi thấy xe vào bến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhân viên thì ngồi chơi cả ngày. Đầu tư cả trăm tỷ đồng mà hoạt động không hiệu quả thì thật là lãng phí”.
Phòng chờ, quầy bán vé vắng tanh không một bóng người là cảnh tượng thường xuyên diễn ra ở bến xe này suốt 4 tháng qua. (Ảnh chụp chiều 8/1/2018) |
Trong lúc đó, ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Bến xe Miền Trung lý giải: Do bến mới xây dựng lại nằm cách xa trung tâm thành phố, phương tiện vận tải công cộng chưa có... Muốn di chuyển ra bến mới người dân phải đi taxi, xe ôm hoặc nhờ người thân đưa đón, bởi vậy đa phần vẫn lựa chọn bến xe nội thành. Cũng vì bến chưa có khách nên các đơn vị vẫn tải cũng không mặn mà vào bến”.
Cũng theo ông Thanh, dù bến không có khách, xe hoạt động ít, nhưng các chi phí thường xuyên, cộng với lãi vay ngân khiến chúng tôi phải gánh. Tính ra mỗi tháng lỗ khoảng 1,5 tỷ đồng.
Lỗ vì... chọn sai vị trí?
Dù chịu cảnh thua lỗ, nhưng đã chót đầu tư dự án rồi, nay nhà đầu tư phải ngậm ngùi ngồi “ôm bom”. Ông Trần Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Miền Trung, cho biết: Năm 2008 hưởng ứng việc kêu gọi đầu tư của tỉnh Nghệ An, tôi và các nhà đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh đã quyết định đầu tư về Nghệ An 3 dự án.
Trong đó, có Khu dịch vụ vận tải đường bộ Nam TP Vinh với mức đầu tư dự kiến là 40 tỷ đồng. Năm 2016 – 2017 chúng tôi tiến hành xây dựng bến xe Miền Trung và các hạng mục khác. Đến 9/2017, bến xe Miền Trung đã hoàn thành đưa vào khai thác với quy mô bến xe khách loại I. Tuy nhiên, sau khi bến đi vào hoạt động, tỉnh lại không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết với nhà đầu tư, khiến chúng tôi rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề.
Ông Dũng cho rằng bị tỉnh Nghệ An đối xử "không công bằng" dẫn đến bến xe đầu tư xong lâm vào cảnh thua lỗ |
Ông Dũng cũng cho rằng: một phần lý do khiến bến xe Miền Trung không có khách là do tỉnh đã “ưu ái” cho Công ty CP Bến xe Nghệ An kéo dài thời gian xây dựng và di dời bến ra khỏi nội thành. Nếu tình trạng này kéo dài, thì sẽ không có xe nào về bến Miền Trung”.
Còn theo ông Trần Văn Thanh, để bến xe miền Trung thoát cảnh thua lỗ thì dự tính mỗi ngày phải có khoảng 500 chuyến xe hoạt động.
Trong khi đó, ông Trần Minh Thành – Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết: Tổng số xe đang đăng ký hoạt động ở bến xe Vinh hiện chỉ là 336 xe. Đó là chưa loại trừ những xe đường dài có tuần suất chỉ 2 – 3 chuyến trên tuần. Như vậy tổng số lượt xe xuất bến trung bình chỉ khoảng 300 lượt/ngày. Vì thế, giả sử có chuyển toàn bộ xe đang hoạt động ở bến xe Vinh sang bến xe Miền Trung thì vẫn không đủ cho bến xe này có lãi.
Mặt khác, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mục đích ban đầu khi đầu tư vào Nghệ An của đơn vị này là xây dưng Khu dịch vụ vận tải đường bộ Nam TP. Vinh, trong đó bến xe chỉ là một trong các hạng mục nhỏ của dự án. Đến năm 2013, sau khi đơn vị này có ý kiến, UBND tỉnh Nghệ An mới ban hành Quyết định số 5003/QĐ-UBND.ĐTXD bổ sung quy hoạch bến xe này vào quy hoạch hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Thời điểm này, quy hoạch hệ thống bến xe khách ở TP.Vinh (Quyết định 25/2011/QĐ-UBND) đã có Bến xe Bắc Vinh (là bến sau di dời của Bến xe Vinh, tại QL1 xã Nghi Kim) và Bến xe Nam Vinh (là bến sau di dời của Bến xe Chợ Vinh, tại đường tránh QL1, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên). Vị trí nhà đầu tư chọn xây dựng bến xe Miền Trung lại nằm giữa 2 bến xe này. Chắc chắn khi cả 2 bến này đi vào hoạt động, bến xe Miền Trung sẽ rơi vào cảnh “bánh mì kẹp thịt”.
“Việc Bến xe Miền Trung vắng khách không thể đổ lỗi cho tỉnh, hay do chúng tôi chậm dời sang bến mới. Mà vấn đề cốt lõi ở đây là nhà đầu tư đã chọn sai vị trí, tính toán không đúng nhu cầu vận tải tại địa phương. Chúng tôi cũng là nhà đầu tư nên chúng tôi cũng muốn có sự công bằng. Cạnh tranh vận tải phải theo thị trường, không thể trông chờ mãi vào cơ chế. Việc lựa chọn hoạt động ở bến xe nào là quyền của DNVT và các nhà xe trên cơ sở luồng tuyến đã được công bố quy hoạch” – ông Thành nói.