Chưa chốt danh sách ứng viên Chủ tịch VFF khoá VIII
- 17:00 08-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nếu như ở ba khoá liên tiếp V, VI, VII, đều diễn ra cảnh một mình một ngựa thì chắc chắn cuộc bầu chọn Chủ tịch VFF khoá tới không còn như vậy nữa. Thực ra ở khoá V cũng có một vài cái tên được giới thiệu, nhưng trong bối cảnh không có nhiều người mặn mà, còn ông Nguyễn Trọng Hỷ lại là đương kim Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao thì ai cũng hiểu ghế Chủ tịch trước sau cũng thuộc về ông.
Bước chuyển từ khoá V sang khoá VI còn êm ru hơn nữa, bởi đấy là thời kỳ Đội tuyển Việt Nam vừa vô địch AFF Suzuki Cup 2008, và với chiến tích ấy ông Hỷ trở thành vị Chủ tịch VFF duy nhất tồn tại qua hai nhiệm kỳ. Trước thềm khoá VII, kể ra thì cuộc đua vào ghế chủ tịch nóng lên chút ít bởi sự ganh đua của hai vị Phó Chủ tịch lúc đó là "Phó tài chính" Lê Hùng Dũng và "Phó chuyên môn" Phạm Văn Tuấn.
Tuy nhiên trước thời điểm bỏ phiếu thì cán cân lại nghiêng hẳn về phía ông Dũng, không hẳn vì ông đã lo “cơm áo gạo tiền” cho VFF trong suốt 2 nhiệm kỳ, mà vì ông đã nhận được những sự ủng hộ rất "nặng đô".
Bây giờ thì đương kim Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đang phải dành thời gian chữa bệnh, chắc chắn sẽ không ra ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo. Nhìn vào những nhân vật hiện hành ở VFF lúc này thì Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn là một cái tên có "số má" hơn tất cả.
Suốt thời gian dài vừa qua, ông Tuấn thay mặt ông Dũng trực tiếp điều hành, chỉ đạo nhiều công việc ở Liên đoàn. Ông Tuấn cũng có kinh nghiệm tham gia các tổ chức bóng đá quốc tế. Tuy nhiên theo một số người thạo việc ở VFF, ông Tuấn chỉ muốn tại nhiệm vị trí "Phó chuyên môn", chứ không "ra gió".
Chủ tịch đương nhiệm Lê Hùng Dũng không ra ứng cử. |
Đã có một số ý kiến giới thiệu những ứng cử viên Chủ tịch như các ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Lê Quý Phượng - Hiệu trưởng trường Đại học Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đấy thực ra đều là những cái tên rất cũ.
Cũng có ý kiến đề xuất những cái tên mới mẻ như một số doanh nhân có tình yêu bóng đá đặc biệt, đã hoặc đang đầu tư vào bóng đá. Tuy nhiên nếu nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên mà Chủ tịch VFF là một doanh nhân - ông Lê Hùng Dũng, chứ không phải là người nhà nước ai cũng thấy những màu sắc "cảm tính", thiếu chuyên môn trong việc lãnh đạo nền bóng đá là rất rõ.
Điển hình như việc chỉ vừa đắc cử, ông Dũng lập tức đưa ra chiến lược hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật mà không thông qua bất cứ một cuộc mổ xẻ, phản biện chuyên môn nào. Thế là hàng loạt các chuyên gia Nhật, các HLV Nhật được mời sang làm việc ở Việt Nam, nhưng không lâu sau đó tất cả đều âm thầm, lặng lẽ ra đi, và kế hoạch "hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật" đã cho thấy nhiều bất cập.
Ở nhiệm kỳ VII, ngoài ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức cũng là một doanh nhân, nhưng suốt thời gian tại vị bầu Đức cũng không giúp Liên đoàn cải thiện được vấn đề tài chính như những gì nhiều người kỳ vọng.
Và cái khó của cuộc bầu chọn Chủ tịch VFF lần này nằm ở đó: doanh nhân thì bất ổn, người nhà nước thì toàn những gương mặt cũ. Nhưng chưa dừng lại ở đó, trong suốt thời gian qua, thông qua các phương tiện báo chí hay facebook đã xuất hiện những làn sóng "đánh" người này, "hạ bệ" người kia để tìm cách giới thiệu "người của mình" vào ghế Chủ tịch Liên đoàn. Chính những cuộc chiến thông tin thiếu minh bạch, khách quan như thế khiến cho cuộc chơi ngày càng nhiễu.
Dẫu sao thì đến tháng 2 danh sách ứng cử viên Chủ tịch vẫn phải được chốt lại theo đúng kế hoạch. Chờ xem từ nay đến tháng 2 còn xuất hiện những cái tên, những tình tiết bất ngờ nào không?
Chắc chắn tinh giản bộ máy Ban Chấp hành Ở nhiệm kỳ VII, VFF từng nhận được lệnh của FIFA về việc phải tinh giản bộ máy Ban Chấp hành Liên đoàn từ 23 người xuống còn 17 người theo đúng quy chuẩn quốc tế. Nhưng vì một số lý do đặc biệt, VFF xin FIFA chưa áp dụng ngay những quy chuẩn này. Bây giờ ở nhiệm kỳ VIII thì không thể thoái lui được nữa, chắc chắn số lượng các thành viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ VIII phải được rút xuống 17 người. Nhưng không chỉ thay đổi về mặt số lượng, theo nhiều nguồn tin thì các thành viên Ban Chấp hành cần phải được mở rộng đối tượng, chứ không chỉ quanh quẩn là đại diện các CLB tham gia giải V.League và hạng Nhất Quốc gia, vì phải như vậy mới đúng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, theo khuyến cáo của FIFA. Ngọc Anh |