Nông dân Nghệ An dùng gừng, tỏi, ớt phòng ngừa sâu bệnh cho rau
- 07:26 07-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vụ đông này gia đình bà Trần Thị Mùi ở xóm 13, xã Nghi Long (Nghi Lộc) sản xuất 3 sào rau. Trước đây, mỗi khi cây trồng có sâu bệnh bà đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thông thường để phòng trừ. Gần đây, sau khi được tập huấn, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, bà Mùi đã dùng chế phẩm tự chế có nguồn gốc thực vật là tỏi, gừng, ớt cay, rượu để phun ngừa sâu bệnh.
“Chế phẩm sinh học làm cũng đơn giản mà lại hiệu quả cao. Dùng 1 kg ớt cay, 1 kg gừng, 1 kg tỏi giã nhỏ ngâm với 3 lít rượu, ủ 3 tháng đem ra dùng sẽ có tác dụng thay thế thuốc bảo vệ thực vật trước đây” - bà Mùi cho hay.
Chế phẩm này được phun định kỳ hàng tuần lên cây rau. Nó không trực tiếp làm cho sâu chết mà sẽ có tác dụng đuổi các loại bướm đến đẻ trứng, không làm phát sinh các loại sâu phá hại cây trồng. Đối với rầy, rệp, nấm các loại thì chế phẩm này cũng có công hiệu như vậy.
Đến thời điểm này, xã Nghi Long đã nhân rộng được 50 ha cánh đồng cho thu nhập cao với doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm. Cùng với mở rộng diện tích, đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất, Nghi Long chú trọng sản xuất theo hướng an toàn.
Xã đã xây dựng mô hình rau an toàn với nội dung trọng tâm là đổi mới trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình được xây dựng với diện tích 10 ha, tập trung tại các xóm 3, 12, 13 và 14. Đây là nơi đất cát pha thịt phù hợp với sản xuất cây rau màu; có đủ nguồn nước tưới cùng với cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ sản xuất như điện, đường giao thông, thủy lợi tiêu úng cây trồng.
Nông dân xã Nghi Long (Nghi Lộc) phun chế phẩm sinh học tự chế định kỳ hàng tuần trên cây rau để đuổi bướm và rầy rệp các loại. Ảnh: Nhật Tuấn |
Tham gia mô hình là những hộ gia đình có đủ nguồn lực về lao động. Hàng năm, xã tổ chức 2 đến 3 lớp tập huấn, mời các chuyên gia nông nghiệp về chuyển giao KHKT sản xuất, nhờ đó, bà con tham gia mô hình đã sử dụng phân bón đúng cách và thuốc bảo vệ thực vật an toàn trong quá trình sản xuất.
Trước đây, rất nhiều gia đình đã dùng thuốc hóa học để diệt cỏ. Nay được khuyến cáo không dùng trên địa bàn và cấm đối với vùng sản xuất mô hình rau an toàn. Người dân cũng tuyên truyền cho nhau và tự giác chấp hành; việc làm cỏ hoàn toàn bằng cơ học.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều diện tích rau màu vừa đảm bảo an toàn lại cho năng suất cao, được giá.
“Chúng tôi sản xuất rau sạch, có uy tín nên rau sản xuất ra được các tiểu thương đến thu mua với số lượng lớn. Như gia đình tôi hiện thu hoạch mới được 50% diện tích nhưng cũng đã có 20 triệu đồng” - anh Trần Văn Quang ở xóm 13, xã Nghi Long cho biết.
Hiện nhiều địa phương ở Nghi Lộc đã sản xuất cây rau màu theo hướng an toàn; tập trung nhiều ở xã Nghi Long với diện tích 10 ha. Ảnh: Nhật Tuấn |
Ngoài Nghi Long, hiện nhiều địa phương khác ở Nghi Lộc cũng chú trọng sản xuất rau theo hướng an toàn như Nghi Trung, Nghi Lâm, Nghi Hợp, Nghi Thịnh, Nghi Xá…
Theo ông Đồng Thanh Bình - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc, trên cơ sở mô hình sản xuất rau an toàn của Nghi Long, năm 2018 này huyện sẽ phối hợp với Công ty Tâm Nguyên xây dựng mô hình rau sạch VietGAP trên diện tích 3.000 - 4.000 m2 ở địa phương này. Huyện chỉ đạo xã Nghi Long lựa chọn vùng với loại cây trồng phù hợp, ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất ban đầu. Sau đó, địa phương sẽ nhân mô hình trên diện rộng.