Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đầu tư gần 87 tỷ đồng bảo tồn đàn voi ở Nghệ An

Ngày 4/1, tại thành phố Vinh, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau 3 năm triển khai dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn bán ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020” đã thu được những kết quả đáng kể. Trước tiên, đã xác định, khoanh vùng được vị trí phân bố voi trên cả nước; hỗ trợ, điều tra xác lập Khu bảo tồn và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam.

 Các đồng chí Cao Chí Công – Phó Tổng cục Lâm Nghiệp, Trưởng Ban chỉ đạo; Đinh Viết Hồng- Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo, đại diện các sở, ban, ngành liên quan và các đại biểu đến từ các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai. Ảnh: Công Kiên

Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong khu vực có voi hoang dã phân bố về ý thức bảo tồn voi, kỹ năng phòng chống xung đột giữa voi và người. Đồng thời, cải thiện năng lực điều tra, giám sát quần thể voi hoang dã; thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và hình thành cơ sở dữ liệu về voi hoang dã và voi thuần dưỡng để tăng cường năng lực quản lý, giám sát...

 Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khái quát tình hình thực hiện công tác bảo tồn voi trên địa bàn. Ảnh: Công Kiên

Ở Nghệ An hiện có 13 - 15 cá thể voi châu Á, phân bố ở khu vực vùng đệm và vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát và 2 cá thể phân bố ở các huyện Quỳ Hợp, Tương Dương. Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt ngày 13/10/2013 với mục tiêu ngăn chặn sự suy giảm về số lượng, bảo tồn và phát triển được các đàn voi, duy trì đời sống lâu dài cho các cá thể voi đơn lẻ.

Quy hoạch, cải tạo và bảo vệ các vùng sinh cảnh sống của các đàn voi; nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn, giám sát đa dạng sinh học; hạn chế đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt tình trạng xung đột giữa voi và người; tăng cường hợp tác bảo tồn voi và động vật hoang dã liên biên giới giữa Nghệ An với tỉnh Bôlykhămxay (CHDCND Lào).

 Đàn voi phá hoa màu của người dân bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu

 PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng tham luận về một số giải pháp hạn chế xung đột giữa voi và người trên thế giới. Ảnh: Công Kiên

Tổng kinh phí thực hiện dự án lên tới gần 87 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương gần 70 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 17 tỷ đồng). Trong đó, 32 tỷ đồng đầu tư các hạng mục công trình phụ trợ ngăn cách, bảo vệ voi, còn lại là chương trình điều tra, nghiên cứu, giám sát, đền bù thiệt hại, khôi phục vùng sinh cảnh sống...

Trên cơ sở đó, BQL Dự án bảo tồn voi tỉnh Nghệ An kiến nghị đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn sự nghiệp để tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án; xem xét phương án di chuyển 2 cá thể voi đơn lẻ ở xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) và Châu Khê (Con Cuông) đến Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk...

 Đồng chí Cao Chí Công - Phó Tổng cục Lâm nghiệp, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá cao nỗ lực của các BQL dự án. Ảnh: Công Kiên

Tại hội nghị, các đại biểu và nhà khoa học đã thảo luận về biện pháp hạn chế xung đột giữa voi và người, giải pháp bảo tồn voi; phân bổ nguồn kinh phí; đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân, thách thức và đề xuất giải pháp khắc phục.

Thay mặt Ban chỉ đạo Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam, đồng chí Cao Chí Công đánh giá cao nỗ lực của các ban quản lý dự án trong việc triển khai nhiệm vụ, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chưa được giải ngân đầy đủ để xây dựng các hạng mục, vẫn còn tình trạng xung đột giữa voi và người, các giải pháp bảo tồn chưa bền vững, cần nghiên cứu điều chỉnh nguồn kinh phí.

Về triển khai kế hoạch năm 2018, đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu sớm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn thực hiện dự án, tập trung kinh phí để chống xung đột và bảo tồn bền vững; khẩn trương thực hiện các hạng mục còn lại của dự án; các địa phương sớm cấp kinh phí cho dự án; lập kế hoạch sơ kết 5 năm để cụ thể hóa tiến độ thực hiện dự án.