Hiệu trưởng Đại học Vinh treo thưởng 150 triệu cho công trình chống ùn tắc ở nhà xe
- 15:17 04-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ý tưởng từ nhu cầu thực tế
Những ngày đầu năm 2018, Trương Hồ Khánh Ly (sinh viên năm thứ 4, Khoa Luật - Trường Đại học Vinh), cùng hai người bạn học hồi hộp chờ lãnh đạo khoa xếp loại công trình khoa học của mình. Ít ngày trước, nhóm sinh viên này vừa kịp hoàn thành đề tài của mình trước khi kết thúc năm 2017 để gửi lên nhà trường.
Với đề tài “Nâng cao kỹ năng quản lý thời gian cho sinh viên Trường Đại học Vinh đáp ứng yêu cầu mô hình đào tạo CDIO”, Khánh Ly cho biết, nhóm đã mất khá nhiều thời gian để thu thập thông thông tin. “Hiện nay, có nhiều công trình khoa học nghiên cứu theo các góc độ khác nhau về mô hình đào tạo CDIO - một phương thức hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ đồng thời có ý thức trách nhiệm với xã hội.
Tuy nhiên, chưa có công trình khoa học nào đi sâu nghiên cứu việc nâng cao kỹ năng quản lý thời gian cho sinh viên Trường Đại học Vinh đáp ứng yêu cầu mô hình đào tạo CDIO”, nữ sinh viên nói về lý cho chọn đề tài.
Sinh viên Trường Đại học Vinh thực hành nghiên cứu. Ảnh tư liệu |
Đề tài của nhóm sinh viên này đã đưa ra những luận cứ khoa học để làm sáng tỏ một cách hệ thống vấn đề kỹ năng quản lý thời gian theo yêu cầu chuẩn đầu ra CDIO, nhằm quản lý thời gian trong hoạt động học tập, góp phần nâng cao nhận thức lý luận về ý nghĩa, vai trò của kỹ năng đó.
Phân tích làm rõ thực trạng, từ đó đánh giá những kết quả, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong việc quản lý thời gian của sinh viên Trường Đại học Vinh. Đề xuất một cách đồng bộ các giải pháp nâng cao kỹ năng quản lý thời gian theo yêu cầu chuẩn đầu ra CDIO của sinh viên Trường Đại học Vinh.
“Sinh viên trong thời đại này không chỉ cần kiến thức chuyên môn giỏi mà họ phải có kỹ năng mềm cần thiết để đảm nhiệm công việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng sau này”, nữ sinh viên khoa Luật nói và cho hay, để khắc phục được những hạn chế hiện tại ở sinh viên Trường Đại học Vinh trong quản lý thời gian, nhóm đã đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng quản lý thời gian phù hợp từ góc độ những sinh viên trong trường.
Khánh Ly là một trong những sinh viên hiếm hoi ở Trường Đại học Vinh 2 năm liền có công trình nghiên cứu khoa học cấp trường.
Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ tài chính
Theo GS - TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, đẩy mạnh công tác sinh viên nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng của nhà trường. Tại Đại học Vinh, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của Ban giám hiệu... “Trong năm 2017, toàn trường có 43 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường được triển khai. Con số này vẫn còn quá ít, chưa thể hài lòng được”, GS Khoa chia sẻ.
Đại học Vinh tăng cường công tác NCKH. Ảnh: Internet |
Hiệu trưởng Đinh Xuân Khoa cho rằng, nhiều sinh viên hiện nay có học lực khá, giỏi nhưng chưa thực sự chủ động tiếp cận với hoạt động nghiên cứu khoa học. Có những sinh viên mặc dù có tố chất, năng lực nhưng lại ngại khó, chưa say mê, dành thời gian để nghiên cứu, vì vậy mà chất lượng các đề tài chưa cao.
Ngoài ra, một số cán bộ, giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ chưa quan tâm đúng mức đối với hoạt động này, không định hướng, xây dựng kế hoạch cho sinh viên. Điều này khiến cho sinh viên phải tự tìm tòi, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả nghiên cứu khoa học.
“Kỹ năng về nghiên cứu khoa học của sinh viên vẫn còn hạn chế. Nhiều sinh viên còn chưa nắm rõ quy trình, cách thức triển khai một đề tài. Trong khi giáo viên thì lại muốn những đề tài hàn lâm, lớn lao quá khiến sinh viên gặp khó”, ông Khoa nói.
Gần 2 tháng trước, tại một cuộc tọa đàm về khởi nghiệp, GS - TS Đinh Xuân Khoa đã chia sẻ về tình trạng kẹt xe ở khu vực nhà xe của trường. “Mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng ùn ứ. Nếu sinh viên nào có công trình khoa học, ý tưởng để giải quyết vấn đề này, giúp việc gửi xe thuận lợi hơn, nhà trường sẽ thưởng 150 triệu đồng”, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh nói. Tuy nhiên, từ đó đến nay, theo GS Khoa, chỉ có một sinh viên công nghệ thông tin tìm đến hiệu trưởng để nêu ý tưởng.
“Ý tưởng của em sinh viên này cũng chỉ dừng lại ở việc thay đổi giờ học, không đáp ứng được yêu cầu. Tôi muốn một cái gì đó thật cụ thể, thông minh, áp dụng công nghệ”, GS Khoa nói và nêu ví dụ ở thư viện, các vật dụng được gắn con chíp điện tử; mỗi lần ai đó lấy cắp mang ra ngoài sẽ bị phát hiện ngay. “Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các em nghiên cứu khoa học. Chúng tôi biết không phải công trình nghiên cứu nào cũng thành công, đây là những khoản hỗ trợ cho các em. Nhưng vấn đề là các em một phần chưa say mê, phần thì chưa nhìn nhận ra được đề tài để nghiên cứu.
Người đứng đầu Trường Đại học Vinh cho rằng, hiện nay có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, tìm giải pháp “chẳng ở đâu xa” như tình trạng cây xanh ở khuôn viên trường, đường phố bị ngã đổ mỗi khi mưa bão, tình trạng rác thải...
Để đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cần triển khai như; các khoa, ngành phải chú trọng hơn nữa với hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên; tiếp tục tổ chức các hình thức nghiên cứu khoa học trong sinh viên trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu; xây dựng nội dung, kế hoạch cụ thể và giao nhiệm vụ cho cán bộ, giảng viên trong việc phát hiện, bồi dưỡng cho sinh viên...