Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh tự tử vì thiếu chỗ dựa tinh thần, tâm lý

Vụ việc một học sinh lớp 7A, Trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) treo cổ tự tử trong lớp vào sáng 3.1 đã gióng hồi chuông cảnh báo tình trạng tự tử của học sinh lứa tuổi dậy thì.

 Có những HS tìm đến cái chết vì thiếu chỗ dựa tinh thần. ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Trước đó, vào tháng 9.2017, xuất phát từ việc bị 3 điểm môn tiếng Anh kỳ thi đầu vào, một học sinh (HS) lớp 9 (tại TP.HCM) đã bị trầm cảm kéo dài và đã nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất tử vong.

Tháng 5.2016, một nữ sinh lớp 6 Trường THCS Lộc An (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đã trèo lên lan can của dãy nhà cao tầng ở trường rồi nhảy xuống tự tử.

Nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận hoang mang.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều giáo viên THCS thừa nhận, HS ở tuổi dậy thì rất “khó hiểu, sáng nắng chiều mưa buổi trưa thất thường”, tính tình khó mà lường trước được.

Bà Tạ Nữ Ri Ni, giáo viên Trường THCS THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết vì thường xuyên tiếp xúc với HS THCS nên nhận ra: “Ở lứa tuổi này, HS rất bất ổn tâm lý và hay có những hành vi nổi loạn”.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), dễ nhận ra phần lớn các vụ tự tử của HS đều rơi vào độ tuổi dậy thì. Là vì đang ở giai đoạn bất ổn khủng hoảng về tâm lý, nên không biết cách quản lý cảm xúc và hành động theo cảm xúc. Ngoài ra, ở tuổi dậy thì, HS hướng nội nhiều hơn, ít chia sẻ với người khác. Chưa kể sức đề kháng về tinh thần chưa cao để chống chọi, đối phó, xử lý với tất cả các xung đột, mâu thuẫn, cũng như áp lực từ bên ngoài như: áp lực học tập, gặp vấn đề trong mối quan hệ bạn bè (bị bạn bè hiểu lầm…), chứng kiến bố mẹ không hạnh phúc… nên khi gặp chuyện trắc trở dễ suy sụp và quyết định tự tử.

“Thường thì HS tự tử để giải thoát bản thân, cũng như để khiến người khác như bạn bè, thầy cô, gia đình phải hối tiếc. Đây là tình trạng rất đáng báo động”, ông Duy nói thêm.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoài Thương, Trung tâm kỹ năng mềm Việt Tâm, cũng cho biết ở tuổi dậy thì, HS thường nhạy cảm và có suy nghĩ quan trọng hóa vấn đề. Chỉ cần bị thầy cô phê bình, bị bố mẹ trách mắng hay bị bạn bè chê là cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương, từ đó sẽ tủi thân và hoảng loạn tinh thần. Và khi HS thiếu chỗ dựa tinh thần, tâm lý thì sẽ nghĩ quẩn và tìm đến tự tử, hành vi này thường diễn ra bộc phát và rất nhanh.

 Nhiều học sinh gặp áp lực trong học tập. Nếu không có những chỗ dựa tâm lý, HS dễ nghĩ quẫn. ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cách nhận biết HS đang khủng hoảng tâm lý

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết nhiều trường hợp HS trước khi tự tử xuất hiện một số dấu hiệu tiềm tàng cũng như có một số biểu hiện như: hay dùng những từ ngữ thể hiện sự tuyệt vọng như: bế tắc, chịu không nổi, giải thoát... Bên cạnh đó, HS giảm các mối tương tác với gia đình, tự cô lập bản thân. Hay không quan tâm đến các hoạt động mà trước đây rất yêu thích. Ngoài ra, các em còn thể hiện sự buồn chán, ôm đầu, khóc bất thường. Hoặc không ngủ, không ăn, hay im lặng, thẫn thờ nhìn vô hướng. Có thể nhắc đến chuyện chết chóc, và viết thư tuyệt mệnh.

“Tuy nhiên, việc tự tử đôi khi là ý tưởng loé lên trong đầu các em và trường hợp này rất khó để kịp nhận ra”, ông Hiếu nói thêm.

Ông Duy thì khuyên phụ huynh, giáo viên cần quan sát để ý đến những HS có các dấu hiệu đi ngược lại đặc điểm tâm lý lứa tuổi. “HS thì chú tâm việc học, vui chơi và giao tiếp bạn bè. Những HS nào không muốn giao tiếp với mọi người, thấy bạn bè vui chơi mà chỉ ngồi trong lớp một mình thì nên để ý. Đặc biệt, với những HS có nhiều hành vi bất thường, đột xuất, như lúc trước thì linh hoạt và năng động, nhưng lại im lặng, không đoái hoài việc học, vui chơi trong khoảng vài ngày thì hãy để ý và quan tâm hơn”, ông Duy nói.

Các trường nên có cán bộ chuyên trách tâm lý

Bà Ri Ni cho rằng, đa phần HS bị bất ổn tâm lý và có xu hướng hủy hoại bản thân thường ở hai trường hợp, hoặc là con nhà giàu hoặc HS giỏi.

Giáo viên này lý giải: “HS con nhà giàu, bố mẹ lại thường ít quan tâm, nên khi gặp những sự cố trong cuộc sống, không biết bày tỏ, chia sẻ cùng ai và lựa chọn những cách để làm đau bản thân. Với HS giỏi, thì thường gặp sức ép của phụ huynh. Dù HS đó muốn tham gia các hoạt động giải trí, muốn học nhảy học hát, nhưng bố mẹ lại bắt “phải học, phải học giỏi”… HS sẽ cố gắng nghe lời, rồi nhận ra cuộc sống không còn gì vui, cảm thấy áp lực đè nặng”.
Ông Duy cũng bảo: “Sở dĩ những vụ tự tử thường xảy ra ở những HS giỏi vì hay chú tâm việc học, không có nhiều thời gian để vui chơi, giải trí để xả stress, giải tỏa cảm xúc cũng như xả những bí bách tâm lý. Và khi buồn chán dễ nghĩ quẫn”.

Bà Ri Ni cho rằng, để có thể kéo giảm, đẩy lùi tình trạng HS tự tử thì giáo viên, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến HS.

“Giáo viên không thể theo sát từng HS được. Nhưng qua nhìn nhận, quan sát có thể biết được HS nào đang gặp vấn đề. Sau đó phải làm bạn với HS, làm bạn thật sự. Có làm bạn, có chuyện trò thường xuyên thì HS mới cảm thấy tin tưởng mà kể ra nhiều chuyện, qua đó mới thấy HS đang gặp vấn đề gì và tìm ra những phương án giải quyết kịp thời, giúp HS không cảm thấy bị chông chênh, trắc trở nữa”, bà Ri Ni nói. Cũng theo giáo viên này, thì “cách làm bạn cũng phải khéo léo, chứ phần lớn HS có tâm lý cho rằng “giáo viên là 'phe' với bố mẹ vì thường xuyên đi họp phụ huynh. Nếu để HS mất lòng tin thì HS sẽ không bao giờ tiết lộ những bí mật cho giáo viên nghe nữa”.

Ông Duy thì chia sẻ: “Phụ huynh cần quan tâm đến con em mình. Dù bận bịu cỡ nào thì cũng phải dành cho con 30 phút mỗi ngày để trò chuyện, tâm tình với con. Hãy hướng dẫn cho con biết quý trọng bản thân. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu về những mối quan hệ bạn bè của con, khi nghe con bị cô lập, tẩy chay, hãy động viên, an ủi. Hoặc có thể dẫn đến những trung tâm tư vấn tâm lý để tìm cách hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, việc trang bị những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn… cũng là điều cần thiết”.

“Và quan trọng hơn, phụ huynh cần giảm áp lực về học tập cho con, đừng đưa ra những yêu cầu vô lý với con, tránh khiến con ức chế, dồn con đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết”, ông Duy khuyên.

Bà Thương cũng cho rằng cần tạo ra những chỗ dựa tâm lý cho học sinh. Giáo viên phải để học sinh tin tưởng, có thể kể mọi chuyện cho nghe. Bố mẹ phải cho con thấy được tình yêu thương, sự quan tâm thật sự. Và đặc biệt, các trường nên có phòng tư vấn tâm lý để kịp thời chia sẻ, giúp tháo gỡ những biến cố cho học sinh.

“Cán bộ của phòng này phải có chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản chứ không phải là những tổng phụ trách đội, giáo viên thể dục kiêm nhiệm. Hiện nay nhiều học sinh không muốn chia sẻ vì sợ thông tin mà học sinh chia sẻ không được đảm bảo giữ bí mật”, bà Thương nói.

Nhiều hành vi tự tử

Một số sự việc liên quan đến vấn đề tự tử của HS nói chung và học sinh THCS nói riêng trong thời gian qua cho thấy ở tuổi các em có nhiều biến động. Sức ép từ gia đình, môi trường sống, hoạt động học tập cũng như vấn đề rối nhiễu tâm căn của lứa tuổi cho thấy khi còn hạn chế kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cũng như khả năng tự cân bằng đời sống tinh thần, các em chọn hành vi tự hủy hoại bản thân như một lối thoát.

Những nghiên cứu của chúng tôi trong thời gian qua về hiện tượng tự hủy hoại bản thân của HS THCS, công trình nghiên cứu cấp Bộ 2017 - 2018 cho thấy, có đến trên dưới 1/3 HS thừa nhận mình từng có hành vi tự hủy hoại bản thân. Trong số đó có gần 5% HS có biểu hiện từng có hành vi tự tử trong suy nghĩ, hành vi tự tử bất thành và hành vi tự tử nhưng được cứu sống... Đáng tiếc vẫn có những trường hợp đã không được kiểm soát nên nỗi đau sẽ mãi ở lại.

Việc đánh giá về kết quả học tập để quy rằng có mối liên quan với hành vi tự tử là không đủ cơ sở hay không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, nhóm HS giỏi và rất giỏi theo kết quả xếp loại có biểu hiện hành vi tự hủy hoại này nhỉnh hơn.

Có thể lý giải thêm là những tác động từ môi trường sống, những va đập gặp phải làm cho các em học sinh ở tuổi vị thành niên đặc biệt là dậy thì không thể cân bằng. Nếu không được nâng đỡ tinh thần bằng các tác động tâm lý các em sẽ chới với. Quan trong nhất vẫn là gia đình, phải trở thành điểm tựa. Nhưng đặc biệt quan trọng là công tác tư vấn tâm lý học đường ở trường phổ thông phải có cơ chế hoạt động chính thống.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM