Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nỗi đau của người mẹ già chỉ sợ con được ra tù

Thương con mất cha sớm, bà Hằng ra sức cưng chiều để bù đắp tình thương, để rồi cuối đời chỉ mong con được đi tù tiếp.

Bà Hằng (67 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP HCM), giáo viên nghỉ hưu, có người con trai duy nhất tên Dương (sinh năm 1984) nên rất bao bọc, cưng chiều. "Lúc còn nhỏ, con té một chút là tôi xuýt xoa. Thấy bạn có đồ chơi mới, mình không có, Dương về đòi mẹ mua, dù chưa có tiền, tôi vẫn đi mượn để mua cho con. Đi chợ, Dương thấy mấy quả bóng thì thích, mè nheo đòi mua cho kỳ được, không mua là ăn vạ, mắng chửi. Thấy thương, tôi lại xin lỗi và chiều theo", người mẹ tóc bạc da mồi rớm nước mắt kể.

Như bù đắp cho mẹ, từ năm học lớp 1 đến lớp 9, Dương đều đạt học sinh giỏi, khiến bà càng cưng chiều con hơn nữa. Con trai thích gì được đó, bà cho mà không cần biết lý do. “Nó có một mình, lại học giỏi, mình chiều nó một chút cũng được. Sau này lớn lên, nó sẽ hiểu việc nào nên làm, việc nào không", bà nhớ lại suy nghĩ sai lầm của mình.

Năm lên lớp 10, Dương tự ý bỏ ngang, theo nhóm bạn ăn chơi, hút chích ma túy, nhưng vẫn đều đặn mang cặp sách, mặc đồng phục ra khỏi nhà và xin tiền mẹ. Có nhiều người biết chuyện, nhắc khéo, bà gạt ngang, cho rằng chỉ là lời đồn. Ngày nhận được thông báo Dương phải đi cai nghiện tập trung, bà mới tá hỏa, hồi tưởng lại những gì đã qua và hối hận thì đã muộn. “Tôi cứ nghĩ mình là giáo viên thì con sẽ lấy hình ảnh đó làm gương mà không hư hỏng, vậy mà...”, bà Hằng nghẹn ngào nhớ lại.

Những năm tháng sau đó, Dương trượt dài trên con đường tội lỗi với bốn lần đi tù vì ma túy. Cứ ra tù là anh ta bắt mẹ đưa tiền mua ma túy, không được thì đập phá đồ đạc trong nhà, mắng chửi mẹ. Bà Hằng khuyên thì nhận được câu: “Mẹ có giỏi thì khuyên ba đó, suốt ngày uống rượu!". Đắng cay, chua xót vì chồng cũng từng qua đời vì nghiện rượu, người mẹ ấy chỉ biết âm thầm chịu đựng nỗi đau. Đã có lần, bà ước Dương cứ ở mãi trong tù cho khỏe, “nó ở ngoài cứ ăn chơi lêu lổng, tôi mệt vô cùng!”.

Năm 2012, con trai đưa bạn gái tên Bình (cùng tuổi, quê Đồng Nai) về nhà, khi bụng bầu vượt mặt, bà Hằng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì nghĩ có vợ con, Dương sẽ tu chí làm ăn. Lo rồi không biết, tương lai cặp vợ chồng trẻ sẽ ra sao khi cả hai đều không có việc làm, chỉ thích đi chơi. Thế nhưng, bà vẫn gắng chu toàn cuộc sống gia đình, chăm sóc con dâu trong những ngày thai kỳ, trong khi con trai vẫn sống trong những cơn say hút chích. Cả nhà họ sống nhờ vào gần 4 triệu lương hưu của bà.

 5 năm bà Hằng vừa làm bà, vừa làm cha, làm mẹ nuôi cháu khôn lớn. Ảnh: Phan Thân.

Bình sinh con gái là bé Mun, bà khuyên các con gắng làm việc, tiết kiệm để làm gương cho con, lo cho tương lai sau này. Vợ chồng chị Bình dạ vâng. Họ còn dự tính sẽ làm gì để có tiền nuôi con, phụng dưỡng mẹ già. “Nghe tụi nó hứa, tôi vui lắm. Cuối cùng, nó cũng biết nghe lời mẹ. Đúng là, khi người ta có con thì sẽ trưởng thành”, bà nói. Vậy nhưng, cả Dương và Bình chỉ tạo vỏ bọc để lừa mẹ mà thôi, thực chất vẫn trượt dài trên con đường tội lỗi.

Một lần nữa, Dương bị bắt và phải đi tù vì hút chích ma túy. Mấy tháng sau, Bình cũng bị bắt vì cùng người tình đi buôn hàng trắng, khi bé Mun chỉ mới 9 tháng, đang khát sữa và cần hơi ấm của người mẹ. Bà Hằng suy sụp, tự trừng phạt mình bằng những lần bỏ ăn, khóc cho đến khi cạn nước mắt.

“Tôi ức lắm, giận lắm. Tại sao mình dạy đứa học trò nào cũng nghe lời, thành đạt, quay trở về cảm ơn cô giáo. Còn con mình lại hư hỏng, đã chẳng nghe lời còn lừa dối, xảo trá”, bà nói.

Đắng cay hơn khi có người đến nói Bình đã làm thủ tục bán con và đòi bắt bé Mun đi. Sau những tranh đấu để giữ lại được cháu, bà Hằng thấy mình cần phải mạnh mẽ lên để chăm cháu. Đêm cháu khóc, bà cho ngậm tạm đôi ti nhăn nheo của mình, ấp vào ngực để bé cảm nhận hơi ấm của tình thương. Cứ như thế, mấy năm qua hai bà cháu lui thủi sống trong căn nhà rách nát, chỉ có chiếc xe máy cà tàng là vật có giá trị nhất.

Trong suy nghĩ non nớt của bé Mun, bố mẹ là người tốt, đang đi làm xa. “Con bé được nhận quà vui lắm, gặp ai cũng khoe của mẹ mua. Thấy chiếc áo mới hay đồ chơi mới, nó cứ hỏi: ‘Mẹ mua phải không nội. Mẹ thương con mới mua phải không nội?’Tôi chỉ biết nói dối cháu, dù lòng chẳng muốn một chút nào”, bà Hằng kể.

Hơn bốn năm thụ lý án, Dương về nhà chưa có việc làm ổn định, ai thuê gì làm đó, cũng hứa với mẹ sẽ tu chí làm ăn, giúp bà nuôi con. Thế nhưng, bà Hằng chẳng dám tin nữa. “Nó gây cho tôi chừng đó thất vọng là đủ rồi. Nếu có tin thì tôi chỉ biết đặt niềm tin vào bé Mun, lớn lên sẽ không đi theo vết xe đổ của ba mẹ nó”, bà Hằng nói.

Để niềm tin của mình lần này được trọn vẹn, bà không chiều bé Mun mà dạy cho em hiểu được chuyện nào là đúng và cái gì không nên làm. “Tôi chỉ mong mình sống được 80 tuổi để nuôi con bé, cho nó đi học, dạy nó biết cách làm người tốt. Chuyện của ba mẹ nó, tôi sẽ tìm thời gian thích hợp kể và giải thích cho cháu hiểu. Còn bây giờ, tôi đang gắng tiết kiệm, gửi vào tài khoản ngân hàng cho cháu, nếu mình gặp bất trắc còn có cái mà lo, chứ thằng Dương, con Bình chẳng sống bao lâu nữa đâu!”, bà nói như rút ruột rút gan, ánh mắt u uẩn nặng trĩu nỗi đau.

Bà Nguyễn Thị Rưng, chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ, Củ Chi, nhận định bà Hằng là một người mẹ tốt, có tấm lòng bao dung, hy sinh cho con cháu nhưng đã sai lầm khi quá chiều con. “Chẳng có người mẹ nào không chiều con cả, nhưng quan trọng là chiều như thế nào để con cảm nhận được tình thương và biết phấn đấu, hiểu việc gì là đúng, việc gì không nên. Tôi mong rằng, Dương và Bình sẽ cảm nhận tình yêu thương của người mẹ cho mình mà sống tốt, sau thời gian dài sống trong tội lỗi”, bà Rưng nói.

* Tên một số nhân vật đã thay đổi