Cụ bà 80 tuổi "rảnh nhất Sài Gòn", 20 năm bỏ tiền túi vá ổ gà mặt đường
- 10:35 03-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ở cái tuổi "gần đất xa trời", bà Trần Thị Xin (80 tuổi) được mọi người ở con hẻm 623, đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10, TP.HCM) gọi là bà Ba "rảnh nhất Sài Gòn", đã chọn cho mình một lối sống rất riêng.
Cứ hễ thấy ở đâu trong hẻm có ổ gà, ổ voi, bà Xin liền đi mua xi măng về trám bằng phẳng để mọi người di chuyển qua lại an toàn.
Bà Xin được nhiều người dân trong con hẻm gọi vui là cụ bà "rảnh nhất Sài Gòn". |
“Bà Ba già lắm rồi, mắt kém. Vậy mà, cứ thấy trong hẻm chỗ nào có ổ gà, ổ voi, bà đi mua xi măng về trám liền. Tôi ở đây hơn 20 năm, rất nhiều lần thấy bà đi làm đường kiểu vậy. Nhiều lần tôi nói với bà là để đó đi làm vậy chi cho cực, bà Ba bảo sợ mấy đứa con nít rồi người đi đường không để ý té lại tội nghiệp", cô Phương (51 tuổi), một người dân sống chung trong hẻm cho biết.
Theo chỉ dẫn của cô Phương, tôi tìm đến nhà của bà Xin, người được đặt biệt danh “rảnh nhất Sài Gòn”. Căn nhà của bà nằm sâu trong hẻm. Thấy nhà khép cửa chính, tôi gọi với qua cửa sổ rất nhiều lần, bà Xin mới đáp lại.
Bà Xin hình như đang nấu cơm dưới bếp, khoảng cách từ bếp đến cửa chính tuy không xa nhưng phải mất đến 2 phút thì bà mới ra. Thấy có người đứng lấp ló bên ngoài, bà hỏi lớn: “Mua than hả con?”, rồi từ từ bước ra mở cửa.
Một bà cụ với đầu tóc bạc phơ, thân hình nhỏ bé và trên tay cầm chiếc gậy để tiện cho việc đi lại xuất hiện trước mặt tôi. Tôi hơi bất ngờ vì thiết nghĩ, chống gậy như vậy thì làm sao bà có thể "vá đường".
Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, bà Xin vui vẻ nói: "Mấy hôm nay, căn bệnh khớp lại hoành hành do thời tiết thay đổi, nên bà không đi vá đường được nữa. Cả tuần nay chân càng ngày càng đau, đi lại còn khó khăn. Lúc trước mới đau sơ sơ, bà vẫn đi "vá đường" chứ nay thì không làm nổi nữa".
Bà Xin bán than để kiếm sống qua ngày. |
Thoáng nghĩ đến những lần bà tự mua xi măng về trộn, cẩn thận trám từng ổ gà, ổ voi trong con hẻm… tôi thấy vừa thương, vừa nể phục. Ngày trước, bà Xin bán tạp hóa được một thời gian thì đóng cửa. Bởi, sức khỏe ngày một yếu đi, trí nhớ của bà cũng suy giảm nên không còn minh mẫn để nhớ chi tiết từng món hàng bán cho khách. Để kiếm đồng ra đồng vào, bà Xin chuyển sang bán than.
Một thân một mình nhưng bà Xin vẫn không cảm thấy cô đơn. |
Nói về việc “vá đường” của mình, bà Xin tâm sự: “Hồi trước, trong hẻm có nhiều ổ gà, mấy đứa nhỏ chạy đi chơi vấp phải té chảy máu chân, tôi thấy xót lắm. Còn chưa nói tới mấy ngày trời mưa, mưa to mưa nhỏ gì cũng đọng nước khắp nơi. Xe máy chạy ngang qua, nước văng tung tóe, có người không để ý còn ngã xe rất nguy hiểm. Thấy vậy, tôi quyết định mua xi măng về trộn, rồi tự mình đi trám tất cả những ổ gà trong hẻm".
Để xi măng nhanh khô và mọi người biết mà tránh khi chạy xe qua, bà Xin còn cẩn thận lấy nhiều tấm ván đặt làm dấu ngay những chỗ hỏng vừa được lấp trên đường.
Sau khi "vá đường" xong, bà còn cẩn thận dùng những miếng ván đánh dấu nơi vừa trám xi măng cho người dân biết mà tránh. |
Tiền mua xi măng là tiền bà Xin dành dụm từ lâu nhờ công việc bán tạp hóa, giờ thì có tiền bán than. Nhiều cô cậu thanh niên thấy bà làm vậy, họ đóng góp thêm vài chục hoặc một trăm nghìn đồng để mua xi măng. Có hôm, họ còn ra phụ bà trám ổ gà.
Theo nhiều người dân sống tại khu vực, chính quyền địa phương cũng nhiều lần cho người đến sửa chữa, “nhưng mà cái gì mình dùng nhiều thì nó nhanh hư, như đường đi nhiều thì cũng phải có ổ gà,ổ vịt thôi”, bà Xin cho biết.
Từ dạo ấy đến nay, đã gần 20 năm trôi qua, bà Xin vẫn miệt mài “vá đường”. Hàng xóm xung quanh cho biết, bà Xin không có chồng con. Sau khi cha mẹ với 2 anh trai mất, bà sống một mình. Dù sống chỉ có một mình nhưng bà Xin vẫn không có cảm giác buồn, bởi bà dành nhiều thời gian làm những công việc có ích cho cộng đồng.