Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trung Quốc dọa trả đũa Australia vì vấn đề Biển Đông

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc dọa gây tổn hại đến kinh tế Australia sau khi nước này nêu quan điểm về tình hình Biển Đông.

Các cơ sở hạ tầng trên đá Chữ Thập mà Trung Quốc xây dựng phi pháp. Ảnh: AMTI.

Trong bài bình luận đăng vào đêm Giao thừa 31/12/2017, tờ Global Times của Trung Quốc cảnh báo "sự can thiệp" của Australia vào khu vực có thể khiến Trung Quốc "thông qua các biện pháp trả đũa, gây tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Australia", News.com.au hôm nay đưa tin.

Global Times là ấn phẩm phụ của People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tờ báo còn lớn tiếng cho rằng hành động của Australia là "mù quáng" và cảnh báo nó gây nguy hiểm không chỉ cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mà còn cho lợi ích lâu dài của Australia. Các hành động của Australia đưa mâu thuẫn và thế tiến thoái lưỡng nan mang tính chiến lược "đến mức độ tồi tệ nhất".

Theo tác giả bài báo, việc Australia "quá thân mật" với Mỹ đã dẫn tới sự mất cân bằng trong chiến lược của Canberra và siết chặt không gian chiến lược của nước này.

Về các vấn đề Biển Đông, Global Times cho rằng "Australia luôn đi theo Mỹ, thách thức chủ quyền và các lợi ích trên biển của Trung Quốc". Điều đó sẽ làm hại đến quan hệ với Trung Quốc, làm lung lay nền tảng cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, giảm sự độc lập của Australia về chính sách đối ngoại.

"Khi quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng, Australia sẽ phải chọn một trong hai và rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn", tờ báo khẳng định.

Trong Sách Trắng ngoại giao công bố tháng 11 năm ngoái, Australia phê phán việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Australia hồi giữa tháng 9/2017 cũng điều một đội gồm 6 tàu chiến tham gia các cuộc tập trận tại Biển Đông, trong khuôn khổ kế hoạch diễn tập kéo dài hai tháng của Canberra tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là kế hoạch triển khai nhóm tàu chiến thực hiện nhiệm vụ lớn nhất của nước này trong 30 năm qua, phối hợp với các đồng minh Mỹ, Nhật Bản.

Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, kể từ đầu năm 2017, Trung Quốc xây dựng thêm 290.000 m2 hạ tầng cơ sở mới trên các đảo ở Biển Đông.

Bên cạnh việc củng cố phi pháp hạ tầng cơ sở ở Biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên điều nhiều thiết bị quân sự đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, trong đó có tên lửa, chiến đấu cơ. Việt Nam nhiều lần phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc tại khu vực này. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau khi bị Tòa Trọng tài Thường trực hồi tháng 7/2016 bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò", Trung Quốc được cho là có bước đi mới, chuyển hướng tập trung từ "đường lưỡi bò" sang thủ đoạn mới với khái niệm "Tứ Sa".