Bí mật kinh doanh của nhà buôn tơ lụa nức tiếng phố Hàng Đào
- 08:25 02-01-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giữa những ồn ào, náo nhiệt của Hà Nội, chúng tôi tìm về một căn nhà cổ ở phố Hàng Đào. Tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Thái An (76 tuổi). Ông kể, căn nhà này không có gì thay đổi, vẫn nguyên vẹn như ban đầu, từ thời ông nội ông, rồi đến bố mẹ ông… cho đến bây giờ.
Ông cho biết thêm, căn nhà này cũng là nơi cha mẹ ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh vải vóc tơ lụa nổi tiếng cả phố Hàng Đào ngày xưa.
Căn nhà cổ của gia đình ông Thái An. Dù có điều kiện tu sửa, nhưng ông muốn giữ nguyên vẹn căn nhà, nơi lưu giữ nhiều ký ức của gia đình. |
Theo ông Thái An, trước đây, phố Hàng Đào là khu phố chuyên về hàng tơ lụa, vải vóc, gồm khoảng gần 100 cửa hiệu.
Bố mẹ ông kể lại, họ không phải có nền tảng buôn bán vững chãi từ trước mà phải đi làm thuê cho người Tây để học nghề. Sau khi thành thạo, họ mới dựng nên thương hiệu tơ lụa, vải Thái An nức tiếng. Thời gian thịnh vượng nhất, cả làng Cổ Nhuế từng là nơi cung cấp vải cho nhà ông.
Ông An bảo, khách của Hàng Đào không phải chỉ những người dân Hà thành, mà nó trải rộng khắp trong Nam ngoài Bắc, sang cả Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…
Ông Nguyễn Thái An chia sẻ chuyện kinh doanh của gia đình với phóng viên. Ảnh: Diệu Bình |
Hồi ấy, trong tiềm thức của ông Thái An, mỗi sáng mẹ ông hay dậy sớm đi chợ để mua được những thực phẩm tươi ngon, về làm ăn sáng cho cả nhà. Ngoài ra, bà dậy sớm để còn kịp giờ mở hàng. Khi tất cả gia đình đã có cái lót dạ, bà mới ra trông cửa hàng.
“Trong làm ăn mẹ tôi luôn nhắc mình phải có chí, đức, tín, nghĩa. Tức phải có chí làm giàu, khi làm giàu thì phải có đức, phải san sẻ những cái kiếm được cho người nghèo khổ hơn mình. Tín là coi trọng chứ tín và quan trọng là phải nhớ đến ơn nghĩa của tổ tiên đã cho mình cuộc sống như hôm nay”, ông Thái An chia sẻ.
“Có lần tôi nhớ có hai bố con ông khách dắt nhau từ quê đến mua hàng. Họ hỏi mẹ tôi rằng có cái nào tốt nhất không. Mẹ tôi khi đó còn đang bận việc, đáp: “Tốt hay không tốt, bác cứ xem đi. Nhà tôi không bán đắt cho bác đâu!”.
Sau đó, hai bố con họ vẫn mua chiếc áo đó. Nhưng đến bữa cơm, mẹ tôi cứ ngẩn ngơ, thở dài. Mẹ tôi nói mình chưa tốt khi bán hàng mà chưa thật lòng, chưa nhiệt tình. Sau đó bà cứ áy náy cả tuần.
Lần khác, có một cụ già ở ngoại tỉnh đi qua, đến trước cửa hiệu của bố mẹ tôi thì bất ngờ bị ngã. Mẹ tôi dù đang tiếp khách hàng vẫn chạy ra hỏi han. Sau đó, bà sai người ở đỡ cụ dậy, dìu vào nhà. Khi cụ tỉnh lại, mẹ tôi cho cụ ăn, cho cụ tiền để về quê.
Sau 1 tháng, cụ bà ấy tìm đến, trên tay cụ cầm đôi con gà và ít rau quả để cảm ơn mẹ tôi”.
Một căn phòng trong ngôi nhà của gia đình ông Thái An. Ông chia sẻ, dù qua thời gian, ông vẫn giữ những nét cổ xưa trong ngôi nhà này. |
Ông Thái An cũng cho hay, dù có những lúc khan hiếm hàng, cửa hiệu của bố mẹ ông vẫn luôn đầy ắp vải vóc, tơ lụa. Bởi bố mẹ ông quan niệm, khi kinh doanh phải biết “đông the, hè đụp”.
Tức mùa đông phải mua hàng mỏng vì hàng mỏng sản xuất ra không ai mua nên rẻ, hè thì mua hàng dày, đụp, dạ. Vì vậy cứ mỗi mùa, nhà ông lại có đủ hàng để kinh doanh, buôn bán.
“Bố mẹ tôi cũng quan trọng chữ "cần". Bà bảo có cần cù, cần kiệm thì mới giàu. Kiếm được tiền thì tiền đó phải biết sinh sôi, tiền phải kiếm ra tiền. Muốn làm giàu thì phải hiểu điều đó”, ông Thái An nói.
“Ngoài ra bố mẹ tôi cũng coi trọng sự tin tưởng trong kinh doanh. Nhiều hôm, khi các con đã đi ngủ, ông bà và những người làm vẫn mải miết làm đến tận khuya. Bố mẹ tôi bảo, sản phẩm mình làm ra không được mắc một lỗi nhỏ nào.
Cũng bởi có sự tận tâm ấy mà có lần hàng của các chủ buôn nước ngoài chuyển đến xếp đầy nhà, bố mẹ tôi chưa bán xong, họ vẫn tin tưởng không lấy tiền ngay mà chờ bán xong xuôi mới nhận”, ông Thái An tiếp lời.
Người đàn ông 76 tuổi chia sẻ, vì buôn bán được nên gia đình ông cũng không ít kẻ ghen ghét, đố kỵ. Họ tìm cớ đuổi khách đi. Thế nhưng dù làm mọi cách nhưng khách hàng vẫn tìm đến cửa hiệu Thái An ngày một nhiều. Có khách thậm chí còn mách lại với bố mẹ ông. Họ tuyên bố chỉ lấy hàng ở cửa hiệu này chứ không mua ở nơi khác.
Khi đã có chỗ đứng vững chắc, bố mẹ ông Thái An không ngừng mở rộng sản xuất, giảm giá thành cho sản phẩm của mình. Ông bà cũng mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật sản xuất tiên tiến.
“Bởi vậy cả khu phố khi ấy dùng dao, kéo để cắt vải còn bố mẹ tôi thì đã áp dụng cách làm mới, sáng tạo để có năng suất cao hơn”, ông Thái An nhấn mạnh.
Gia đình ông Thái An xưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nói về sự giàu có ngày xưa của gia đình mình, ông Thái An kể: "Cha mẹ tôi mua được 4 căn nhà phố cổ và cả ô tô. Họ đi đâu cũng có xe đưa rước. Trong nhà có hơn chục người ở.
Mỗi lần đi học, tôi đều diện áo trắng, quần tây ngồi trên xe ô tô để gia nhân đưa đón. Thế nhưng cuộc sống sung sướng ấy đôi khi lại khiến tôi bất tiện. Nhiều lần, tôi thấy gia nhân đi xe ô tô đón ở cổng trước, tôi phải trốn về cổng sau và đi bộ cùng bạn bè. Tôi rất sợ xa cách tình cảm bạn bè”, ông Thái An kể.
Ông Thái An còn cho biết, bố mẹ ông là những người nhân hậu, thương người. “Mẹ tôi cũng từng giúp một người phụ nữ trước hiên nhà. Đó là lúc trời rét cắt da cắt thịt, sáng mùng 1 khi bà vừa mở cửa hiệu thì thấy người phụ nữ nghèo ngồi bán hàng len trước nhà.
Với các nhà kinh doanh, mùng 1 là ngày kiêng kỵ, sáng ra thấy người khác ngồi giữa cửa, sẽ cho là xúi quẩy nhưng mẹ tôi không đuổi người phụ nữ đó đi. Bà chỉ nhắc người phụ nữ nghèo ngồi sang 1 bên cho bà bán hàng.
Ông Thái An tạm biệt phóng viên để trở về căn phòng của mình. |
Thấy người phụ nữ đó co ro trong giá rét, mẹ tôi quay vào nhà mang ra chiếc áo bông chần tặng họ. Đến đêm trước khi họ ra về, bà gọi họ vào hỏi thăm xem có bán được nhiều hàng không. Ngoài ra, bà còn tặng quà bánh để chị mang về cho trẻ con ở nhà”.
Cũng theo ông Thái An, giai đoạn cách mạng cần đến sự giúp đỡ của người dân yêu nước, bố mẹ ông cũng đã góp phần ủng hộ.
Hiện nay, qua nhiều biến động lịch sử nhưng gia đình ông Thái An vẫn may mắn giữ được những kiến trúc nguyên sơ của căn nhà cổ. Ông bảo, dù ở thời kỳ nào ông cũng cẩn thận giữ gìn từng hình ảnh, kỷ vật mà bố mẹ để lại.