Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chủ tịch UBND TP. Vinh: Xấu hổ khi trâu, bò thả rông đầy đường ở đô thị loại 1

“Nhiều người gọi điện cho tôi, nói là đô thị loại 1 kiểu gì mà bò thả rông đầy đường. Rất xấu hổ!” - ông Nguyễn Hoài An - Chủ tịch UBND thành phố Vinh nói.

Thực trạng trâu, bò thả rông, nghênh ngang “dạo” trên các tuyến đường thành phố đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối khó giải quyết, được đưa ra “mổ xẻ” tại Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, do UBND thành phố Vinh tổ chức vào sáng 29/12.

Người đứng đầu chính quyền thành phố tỏ ra rất bức xúc trước nạn trâu, bò thả rông. Ông nói, điển hình như Đại lộ Lê Nin - là cửa ngõ thành phố, tuyến đường thường xuyên đón, tiễn các đoàn khách ngoại tỉnh, ngoại quốc nhưng trâu, bò cứ nghênh ngang đi giữa lòng đường, rất phản cảm. “Khi đón khách, công an giao thông đã dẹp đường, phân luồng rồi, còn phải kiêm thêm nhiệm vụ dẹp cả… bò!” - ông An thẳng thắn nói.

 Bò chăn thả tự do, đi thong dong giữa Đại lộ Lê Nin. Ảnh tư liệu

Nhiều phường, xã nơi có tình trạng trâu, bò thả rông trên đường phố công nhận có sự việc trên, nhưng đồng thời cũng kêu “xử phạt bò rất khó”!

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Chủ tịch UBND phường Vinh Tân giãi bày: “Nhiều năm nay, phường Vinh Tân rất mang tiếng về chuyện bò thả rông trên đường phố. Chúng tôi cũng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không ăn thua”.

Theo vị Chủ tịch phường này, hiện trên địa bàn phường có 3 hộ chăn nuôi với khoảng 100 con bò. Phường đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt chủ chăn nuôi, thậm chí trực tiếp bắt nhốt gia súc nếu thả rông vô chủ trên đường phố, tuy nhiên, chế tài xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe.

Hiện nay, theo quy định chỉ phạt chủ nuôi 80.000 đồng nếu thả rông gia súc; còn bắt nhốt gia súc thì gặp khó khăn về địa điểm nhốt, nhân lực chăm sóc, lương thực chăn nuôi… “Có hộ chúng tôi đã phạt đến 3 lần, sau đó họ “rút kinh nghiệm” không đến nhận bò nữa. Trong trường hợp phường nhốt mà bò chết thì rất rắc rối” - ông Nguyễn Hoàng Mạnh thẳng thắn chia sẻ.

Thực trạng tương tự diễn ra ở phường Hồng Sơn. Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn Nguyễn Tiến Đạt cho biết, có thời điểm phường đã xử phạt đến 1,2 triệu đối với hộ chăn nuôi gia súc thả rông, nhưng rồi họ vẫn tái phạm. Vị Chủ tịch phường này kiến nghị, đã đến lúc cần phải tiến hành những giải pháp mạnh hơn, triệt để hơn.

Sau khi nghe lãnh đạo các phường, xã trình bày, Chủ tịch UBND thành phố Vinh đề xuất hướng giải quyết để các phòng, ban nghiên cứu, tham mưu, nếu phù hợp với các quy định pháp luật sẽ thí điểm triển khai. Theo ông Nguyễn Hoài An, có thể phát huy vai trò của Đội phản ứng nhanh về trật tự đô thị. Khi có trâu, bò thả rông, các phường, xã phối hợp với thành viên của Đội, sử dụng súng gây mê rồi chở ra Trung tâm Lao động xã hội - nơi có diện tích vườn trại phù hợp với chăn thả gia súc. Khi bắt nhốt bò vô chủ, các phường, xã thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để chủ bò đến nhận. Nếu không nhận, quá thời gian quy định thì sẽ tiến hành tiêu huỷ.

Ông Nguyễn Hoài An cũng nhiều lần nhấn mạnh, để áp dụng được giải pháp này thì cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật xem quy trình xử lý, tiêu huỷ với gia súc thả rông vô chủ như thế nào.

Theo Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông…

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ…

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định.