Rể phố tái mặt mỗi lần về quê vợ ăn Tết
- 08:18 29-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, làm trưởng phòng một công ty nước ngoài, lương tháng cả nghìn đô. Tuy nhiên tôi thuộc kiểu người sống khép kín, hết giờ làm tôi về nhà ăn cơm mẹ nấu chứ nhất quyết không đi nhậu nhẹt, la cà bên ngoài.
Ảnh: Verywell.com |
35 tuổi, tôi lập gia đình với một nữ đồng nghiệp, quê ở một tình miền núi phía Bắc. Vợ tôi là người khéo léo, giỏi giang vì vậy cuộc sống của hai vợ chồng tương đối thoải mái.
Nhà vợ tôi ở miền núi, người dân rất hiếu khách. Lần nào có con rể về thăm, bố mẹ vợ bao giờ cũng mổ lợn, mời họ hàng, làng xóm đến ăn uống linh đình. Mỗi lần như vậy, tôi gần như "chết lâm sàng” vì được mọi người quý mến, sang chúc rượu liên tục.
Lần đầu khi mới về ra mắt, vợ tôi nói: "Anh chuẩn bị tinh thần “chào sân” nhà em. Uống đủ trăm chén mới được các cụ xét duyệt”. Tôi nghĩ vợ nói đùa nên không mảy may lo lắng. Chẳng ngờ, tôi vừa bước chân vào cổng nhà em, từ các cụ già 80 tuổi đến thanh niên trai tráng đã kéo đến chật nhà từ lúc nào.
Ai cũng hồ hởi ra nói chuyện, tay bắt mặt mừng chào đón chàng rể tương lai. Thấy mọi người thân thiện như vậy, tôi mừng lắm, thầm nghĩ mình may mắn, không bị làm khó dễ. Tôi còn bảo vợ: “Vui thế này em còn hăm dọa anh”. Vợ tôi chỉ mỉm cười đầy bí hiểm.
Đến khi ăn cơm, nhìn 30 mâm cỗ bày la liệt từ nhà ra sân, mỗi mâm để 1 can rượu 5 lít tôi phát hoảng. Tôi định tìm mâm bà già, trẻ con ngồi nhưng các “bậc trưởng lão” bắt tôi phải lên ngồi cùng, hầu rượu các cụ.
Lúc này, tôi mới biết lời đe dọa của vợ là thật chứ không phải đùa. Ban đầu, các cụ bắt tôi mời mỗi người 1 ly, dần dần hết người này đến người khác mang rượu sang mời. Mặc dù cáo lỗi không uống được nhưng cuối cùng tôi vẫn phải cạn ly.
Báo hại, lần đó tôi say xỉn đến quên trời đất, nằm bẹp nhà vợ 2 ngày không dậy được, chưa kể miệng nôn thốc nôn tháo không ăn được gì cả tuần liền.
Sau này khi đã kết hôn, tôi thường cáo bận, chỉ về nhà vợ một lúc rồi đi ngay, trừ ngày Tết tôi buộc phải ở lại. Những ngày như vậy, đối với tôi thực sự là một cực hình.
Tôi nhớ Tết năm ngoái, vợ đã giục tôi về quê từ chiều 27 tháng Chạp vì mấy người cháu họ ăn Tết xong sẽ đi nghĩa vụ quân sự. Bố mẹ chúng mời hai vợ chồng tôi sang ăn cơm chia tay.
5 ngày Tết ở quê vợ, tôi quay vòng với những bữa rượu, sáng nhà này mời, đến chiều chưa kịp tỉnh rượu thì nhà khác đã giục sang ăn cơm.
Chưa hết, ở quê vợ tôi, cứ sang nhà nào thăm hỏi, họ cũng nhiệt tình mang chai rượu ra mời dăm ba chén, không uống thì không đứng dậy về được. Nếu tôi từ chối thì vợ lại giận, bảo không tôn trọng gia đình cô ấy.
Đáng sợ nhất là cảnh các em vợ tôi mời hai anh chị đi uống cà phê, tưởng thoát được kiếp nạn rượu ai ngờ, mấy chú em ra quán cà phê vẫn ôm theo chai rượu ngồi uống.
Sau những cơn say triền miên, uống nhiều nhưng không có hạt cơm vào bụng, tôi bị chảy máu dạ dày nhẹ, phải nằm viện cả tháng trời. Các bác sĩ khuyến cáo tôi nên dừng sử dụng bia, rượu nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng và sức khỏe.
Dẫu biết họ quý mến mới nhiệt tình mời mình nhưng đó là nỗi ác mộng với tôi. Tôi thẳng thắn nói chuyện với vợ, vợ tôi không thông cảm còn cho rằng, tôi bị xuất huyết dạ dày là do sức khỏe yếu chứ không liên quan đến việc uống rượu.
Đã vậy, vợ tôi nói, cả họ nhà cô ấy uống như vậy bao nhiêu năm nay có ai làm sao đâu. Sau đó, cô ấy lớn tiếng cho rằng tôi phụ lòng nhà vợ. Thấy vợ làm mình làm mẩy, giận dỗi, tôi đành im lặng cho qua chuyện, đợi lúc cô ấy nguôi sẽ phân tích cho vợ hiểu.
Vì Tết sắp đến rồi, tôi không muốn mình phải “bỏ mạng” vì những chén rượu cay xé họng kia…