Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tổng bí thư: Loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ra khỏi bộ máy

Hội nghị của Chính phủ với các địa phương hôm nay có sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.

Sáng 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, thảo luận giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị; cùng tham dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Trần Quốc Vượng - thành viên Thường trực Ban bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương...

Tổng bí thư: Loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ra khỏi bộ máy - page 2

Hội nghị Chính phủ với các địa phương, hôm nay 28/12, lần đầu tiên có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Một trong những năm thành công nhất về đối ngoại”

Bày tỏ vui mừng được tham dự Hội nghị, Tổng bí thư chia sẻ: "Đây là hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tôi có nói vui với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là từ thuở bé đến nay mới được dự họp Chính phủ".

Theo Tổng bí thư, năm 2017, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. “Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông nói.

Người đứng đầu Đảng cho hay, năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Với vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã thực sự tạo nên dấu ấn trong tiến trình hợp tác của APEC nói riêng và liên kết kinh tế và chính trị tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung; trong năm đã có 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam.

Chống tham nhũng “được đẩy mạnh hơn bao giờ hết”

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Tổng bí thư nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, “nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”.

Theo ông, các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.

Nêu câu hỏi “Vậy nguyên nhân nào đã cho chúng ta những thành công trong năm 2017?”, Tổng bí thư cho rằng “bao trùm lên tất cả là nhờ chúng ta được thừa hưởng những kết quả, thành tựu của nhiều năm trước, đặc biệt là năm 2016 với thành công rực rỡ của Đại hội XII”. Cùng với đó là nhờ có “sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”…

“Có thể nói, không khí dân chủ trong Đảng, trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã và đang lan toả ra toàn xã hội”, ông nhấn mạnh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

"Đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

Cũng tại Hội nghị, Tổng bí thư lưu ý, “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”.

Theo ông, những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được. Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi…

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng bí thư đề cập đầu tiên đến ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

“Tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia và cùng hưởng lợi từ tăng trưởng; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái”, ông nói.

Người đứng đầu Đảng cũng lưu ý không vì sức ép tăng trưởng, sức ép xử lý các vấn đề cấp bách mà coi nhẹ, không quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực giải quyết các vấn đề có tính nền tảng, lâu dài cho phát triển nhanh và bền vững.

Ông nhấn mạnh đến việc tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”, Tổng bí thư nói.

Theo ông, thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới.

Chính phủ đề ra phương châm 10 chữ cho năm 2018

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 trong 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Tiếp đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017; Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; thành lập mới khoảng 135.000 doanh nghiệp; dư nợ công khoảng 63,9%...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ nêu 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành gồm: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập...

Chính phủ cũng đưa ra 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như: Chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng yếu (cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Long Thành…); thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra trong hai ngày 28 và 19/12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra trong hai ngày 28 và 19/12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018 Việt Nam cần tận dụng đà phát triển của 2017, thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng. "Chính phủ sẽ hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần được thay thế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng cho hay, Hội nghị hôm nay sẽ cho câu trả lời rõ ràng hơn về việc Chính phủ, địa phương các cấp phải làm gì và làm như thế nào để sự phát triển của Việt Nam bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, để Việt Nam không dẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình, không bịt tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh, đứng bên lề của sự phát triển.

Tham dự Hội nghị ở các đầu cầu trực tuyến có đầy đủ Bí thư, Chủ tịch và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành. Trong phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung là đại diện địa phương đầu tiên nêu ý kiến, sau đó lần lượt đến TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...