Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hơn 2.500 ô tô Nga miễn thuế được nhập vào Việt Nam

Trong giai đoạn 2018-2022, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế 2.550 xe nguyên chiếc và 13.500 bộ phụ tùng lắp ráp ô tô để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường.

Chiều 27/12, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra lễ ký kết Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam (Nghị định thư sửa đổi về ô tô).

Theo Nghị định thư sửa đổi, trong giai đoạn 2018-2022, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh sản xuất ô tô Nga được nhập khẩu miễn thuế 2.550 xe nguyên chiếc và 13.500 bộ phụ tùng lắp ráp ô tô để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường.

 Hơn 2.500 tô tô Nga sẽ được nhập về Việt Nam từ 2018.

Bộ Công Thương nêu rõ: Các DN sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ,...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.

Ô tô do liên doanh sản xuất phải phù hợp với các định hướng tại Quyết định số 08/2017/QĐ-TTg, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và các văn bản có liên quan khác.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Nghị định thư hợp tác về ô tô có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực hợp tác mới, cơ chế chính sách quản lý tại lĩnh vực công nghiệp ô tô của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện nên đến nay các DN vẫn chưa tận dụng được ưu đãi của Nghị định thư.

Do đó, để tạo điều kiện cho DN hai nước hợp tác sản xuất xe tải và xe buýt tại Việt Nam, sử dụng công nghệ và trình độ chuyên môn kỹ thuật của các nhà sản xuất có kinh nghiệm lâu năm của Nga, Chính phủ hai nước đã thống nhất đồng ý lùi thời gian sử dụng hạn ngạch thuế quan để miễn thuế nhập khẩu các phương tiện vận tải nguyên chiếc và bộ linh kiện bắt đầu từ năm 2018.

“Tôi hy vọng, các liên doanh Việt - Nga này sẽ thành công góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đồng thời sẽ tận dụng các cơ hội để mở rộng hoạt động sang các thị trường ASEAN với dân số khoảng 640 triệu người”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trước đó, vào đầu năm 2017, thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hướng dẫn thực hiện Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo quyết định này, mỗi DN được ủy quyền của Nga chỉ được phép thành lập một liên doanh tại Việt Nam, với phần vốn đối tác Việt Nam trong liên doanh phải đạt ít nhất 50% tổng vốn điều lệ của liên doanh. Các liên doanh phải hoạt động trong ít nhất 10 năm và không quá 30 năm.

Các DN được ủy quyền của Nga không được chuyển nhượng vốn trong các liên doanh cho bất cứ bên thứ 3 của một nước nào.

Việc liên doanh sản xuất ô tô Nga ở Việt Nam phải đảm bảo các cam kết chặt chẽ.

Cụ thể, xe thể thao đa dụng (SUV) của hãng UAZ phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 30% vào năm 2020 và 40% vào 2025; phương tiện vận tải từ 10 chỗ trở lên phải nội địa hóa 35% vào 2020 và 50% vào 2025; xe tải có tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 30-45% và xe chuyên dụng là 25-40%.