Vụ đòi nợ 'mắm tôm trộn dầu luyn' ở khu tập thể khiến cô gái trẻ ê mặt
- 07:53 28-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Video: Cảnh xập xệ tại khu tập thể Thành Công
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/12/28/tap_the_28_12_17.mp4[/presscloud]
24 năm sống tại phòng 517 tòa B1, tập thể Thành Công, gia đình ông Lê Tuấn (60 tuổi) đang chứng kiến sự xuống cấp trầm trọng của căn nhà.
Không chỉ nhà ông Tuấn, rất nhiều cư dân sống trong khu tập thể này cũng chịu cảnh tương tự như tường tróc lở, ẩm mốc và rỉ nước.
Ông Lê Tuấn (60 tuổi) ở tòa B1, tập thể Thành Công. |
Chỉ vào chỗ xi măng vừa trát, ông Tuấn cho biết: "Căn nhà này tôi đã sơn đi sơn lại không biết bao nhiêu lần. Để như vậy thì bẩn nhưng cứ sơn, sau vài ba hôm thì đâu lại vào đấy”.
Ông cho biết thêm: “Tường bẩn, xuống cấp thì ai cũng nhìn thấy nhưng ở đây trần nhà còn thường xuyên bị rò rỉ nước. Không chỉ ngày mưa, những ngày bình thường nước cũng từ trên các tầng vẫn chảy xuống, rất bẩn".
Theo ông Tuấn, nhà ông phải thay không biết bao nhiều đồ đạc vì nước ngấm xuống làm mục nát, hỏng hóc.
Hình ảnh từng mảng tường tróc lở tại khu tập thể Thành Công. Ảnh: Thanh Hải |
Không chỉ sống sợ hãi, khổ sở ở khu tập thể bị xuống cấp, ông Tuấn còn bày tỏ sự bất an về vấn đề an ninh trật tự.
Chiếc cửa sắt ở hành lang tòa nhà B1- tập thể Thành Công luôn khóa. Ảnh: Thanh Hải |
Ông Tuấn chia sẻ, các hộ dân ở đây thường phải tăng cường thêm một chiếc cổng sắt ngay dọc hành lang. Chiếc cổng này luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, dù sống ở tầng 1 hay tầng 5, mọi người vẫn phải dắt xe lên tận nhà để tránh mất trộm. Xe đạp dắt còn dễ, xe máy thì nguy hiểm hơn.
Đã có trường hợp cả người và xe đổ “uỳnh” ở cầu thang. Thấy nguy hiểm nhưng ai cũng phải làm thế vì đã có nhiều vụ trộm cắp xảy ra ở khu tập thể này.
Nhiều hộ dân phải mang xe máy lên tận phòng đề phòng mất cắp. Ảnh: Thanh Hải |
Người đàn ông này kể: “Một lần, tôi đang đứng tưới cây ở hành lang trước nhà thì nghe tiếng hàng xóm xôn xao, ầm ĩ. Xuống tầng 2, tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang ngồi bần thần.
Theo đó dắt xe xuống tầng 1 chuẩn bị đi làm, chị phát hiện quên đồ nên để tạm xe máy ở tầng 1 để quay lên nhà. Không ngờ khi xuống, chị phát hiện chiếc xe máy đã không cánh mà bay. Sau đó cả khu chúng tôi luôn phải nhắc nhở nhau về ý thức cảnh giác”, ông Tuấn nói.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Huệ (70 tuổi), phòng 204, tòa A1, tập thể Thành Công, cho biết: “Đây là khu tập thể dành cho cán bộ nên mọi người thường có suy nghĩ sẽ ít bị trộm cắp nhưng tình trạng này vẫn tồn tại".
Theo bà Huệ, cách đây ít tháng, vào buổi sáng, khi bà đang ở trong phòng thì có một thanh niên lạ mặt xuất hiện, giả vờ hỏi han, trò chuyện.
"Hắn ta lợi dụng lúc tôi không để ý thì ‘chộp’ ngay chiếc điện thoại trên bàn. Khi tôi phát hiện bị mất cắp và hô hào cho cả khu tập thể thì hắn ta đã cao chạy xa bay. Tôi đã trình báo chính quyền nhưng đến nay vẫn không có kết quả”, bà Huệ bức xúc kể lại.
Vẫn theo lời bà Huệ: “Lần khác, có cậu thanh niên tên Hải đến thuê trọ. Cậu ta chẳng học hành gì mà suốt ngày tụ tập bạn bè chơi game, nhậu nhẹt ầm ĩ khắp khu nhà. Tôi và mấy người lớn tuổi thấy vậy thì sang nhắc nhở.
Thay vì sửa sai, câu ta tỏ thái độ hung hãn, chửi bới khiến chúng tôi bức xúc. Bực mình hơn là có lần cậu ta còn sang nhà hàng xóm để trộm đồ bán lấy tiền tiêu xài. Chúng tôi phải họp tổ dân phố, đề nghị chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê nhà”.
Căn phòng cơi nới thêm của nhà bà Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: Nhật Linh |
Ngoài hai vụ việc trên, bà Huệ cũng ấn tượng về một vụ đòi nợ xảy ra cách đây 3 năm ở một căn hộ gần gia đình bà.
”Đó là lần một cô gái tên Hạnh (30 tuổi), khá xinh xắn, thuê căn hộ gần nhà tôi. Khi cô ấy ở được 1 tháng thì bất ngờ có nhiều đối tượng hung hãn, bặm trợn tìm đến to tiếng, quấy rối.
Theo đó, Hạnh từng vay mượn tiền của đám người kia để chơi cờ bạc, lô đề. Khi hết tiền, không có điều kiện chi trả, Hạnh liền bỏ trốn xuống Hà Nội thuê nhà sống chui lủi.
Chẳng ngờ, các chủ nợ tìm được tung tích Hạnh nên kéo đến quậy phá. Kinh khủng hơn, đúng ngày mùng 1 Tết, khi các gia đình ở đây đang quây quần vui vẻ, xúng xính áo quần chúc nhau năm mới thì những gã bặm trợn kéo đến chửi bới, ném mắm tôm trộn dầu luyn, nước bẩn vào căn hộ Hạnh thuê.
Báo hại Tết năm ấy, chúng tôi mất ăn mất ngủ vì mùi hôi thối, phải thuê người đến dọn dẹp. Sau đó, cả khu tập thể phải họp phê bình chủ nhà cũng như người đến thuê. Riêng Hạnh vì xấu hổ với mọi người nên chủ động chuyển đi nơi khác”, bà Huệ nói.
Một cụ bà đang dọn vệ sinh ở cầu thang khu tập thể Thành Công. Ảnh: Thanh Hải |
Dù sống ở nơi xuống cấp, chật chội, mất trật tự nhưng bà Huệ cho biết, ở các khu tập thể này luôn có sự gắn kết tình làng nghĩa xóm.
“Chúng tôi thường xuyên thăm hỏi nhau mỗi khi có người đau ốm. Một lần khác, một cụ bà 80 tuổi ở cùng tầng này lên cơn tai biến. Chúng tôi phát hiện vội vã gọi xe cấp cứu và kêu mọi người trong khu nhà hỗ trợ đưa cụ đi bệnh viện.
Rất may, cụ qua khỏi. Sau hôm đó, con gái cụ mang sang nhà tôi cân hoa quả cảm ơn. Tôi nhận món quà ấy và chia lại cho các em bé trong khu nhà”, bà Huệ kể lại.
(Còn nữa)