Hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường: Ai nắm thực quyền?
- 16:43 27-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học do Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 25/12, có nhiều ý kiến đề xuất liên quan đến vấn đề tự chủ của các trường đại học.
Ai là chủ tịch hội đồng trường?
Một điểm khá mới trong dự thảo bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học là không quy định độ tuổi với chủ tịch hội đồng trường. Điều này có nghĩa người về hưu có thể được bổ nhiệm vào vị trí này trong hệ thống trường đại học công lập.
"Nếu theo nghị quyết 19, chủ tịch hội đồng trường phải là Bí thư Đảng ủy của trường đó thì nhân sự để bầu Bí thư Đảng ủy vẫn theo quy định của Đảng về độ tuổi để vào cấp ủy (không quá 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam), như vậy có trái nhau và cần thay đổi không?", GS.TS Mai Hồng Quỳ - hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM - băn khoăn.
Ông Phan Thanh Bình đặt ra nhiều vấn đề cần góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học. |
Nhiều đại biểu đặt ra trường hợp nếu hiệu trưởng không được bầu làm chủ tịch hội đồng trường thì quyền hành trong trường đại học sẽ phân chia và được kiểm soát như thế nào.
Mặt khác, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, chủ tịch hội đồng trường không có con dấu, không phải chủ tài khoản của trường nhưng lại có quyền cao hơn hiệu trưởng.
"Như vậy cơ chế giám sát hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng trường như thế nào? Nếu không giải quyết tốt được vấn đề này thì khi luật đi vào thực tế sẽ dẫn đến rối cả hệ thống", ông Bình trăn trở.
Do đó, ông Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng ĐH Quốc tế TP.HCM - đề nghị nên có một nghiên cứu cụ thể, mô phỏng cụ thể để xem kết quả như thế nào về hội đồng trường, giao quyền cho ai giữa hiệu trưởng và hội đồng trường và có thực sự cần có hội đồng trường hay không.
Tháo nút để các trường tự chủ
Đến nay, việc áp dụng cơ chế tự chủ đã được triển khai thí điểm tại 23 trường đại học trên cả nước. Thế nhưng, đại diện nhiều trường cho hay các cơ chế, quy định, luật định liên quan đến việc tự chủ hiện vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, những hạn chế về quyền tự chủ nhân sự và tài chính khiến không ít trường gặp khó khăn trong quá trình phát triển.
GS.TS Mai Hồng Quỳ nhấn mạnh vấn đề tự chủ nhân sự trong việc tự chủ đại học. |
GS.TS Mai Hồng Quỳ - hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM - bày tỏ quan điểm: "Thẳng thắn mà nói rằng nếu chưa giải quyết được hai nút thắt nhân sự và tài chính thì nói đến việc tự chủ đại học không có ý nghĩa gì cả.
Chúng ta nói rằng tự chủ đại học là được tự chủ tài chính, tự chủ chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học… tất cả điều này không cần nghị quyết 77, không cần luật về tự chủ đại học vì thực sự lâu nay các trường đại học công lập đều đã rất chủ động và làm tốt.
Ở khâu tổ chức nhân sự nên để nhà trường tự chủ có quyền được đánh giá năng lực làm việc, có cơ chế ký kết hợp đồng đối với người lao động một cách linh động, mềm dẻo để các trường có thể trưng dụng được người tài".
Theo bà Quỳ, vướng mắc về nhân sự là trở ngại lớn nhất hiện nay đối với các trường đại học công lập. Minh họa cho vấn đề này, bà Quỳ dẫn ngay trường hợp của ĐH Luật TP.HCM vẫn thường bị thanh tra của Bộ GD&ĐT nhắc nhở vì không tuân theo quy tắc tuyển dụng viên chức.
Trong một thời gian dài, việc biên chế đối với viên chức trong nhà trường rất hạn hẹp nên ĐH Luật TP.HCM ưu tiên tuyển giảng viên cho chỉ tiêu biên chế. Còn đối với những chuyên viên kỹ thuật, trường đưa vào dạng hợp đồng lao động.
Theo nữ hiệu trưởng này, khi đưa về dạng hợp đồng lao động trường có thể thay đổi được nội dung công việc, yêu cầu với công việc, linh động nhiệm vụ theo từng năm nhưng điều này chưa được quy định trong luật. Do đó, gần đây, nhà trường có thảo luận với hai chuyên gia nước ngoài để ký hợp đồng để trở thành giảng viên cơ hữu nhưng vì những vướng mắc trên nên vẫn còn e dè.
Bên cạnh đó, bà Quỳ cũng cho rằng cơ chế tự chủ tài chính hiện nay ở các trường được thí điểm tự chủ không có gì khác so với trường bình thường, chưa có chuyển biến gì đáng kể.
Bàn về cơ chế tự chủ tài chính, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt - phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng: "Nếu các trường đại học muốn tự chủ tốt phải huy động nguồn lực từ xã hội, không chỉ là nguồn thu học phí. Nếu chỉ dựa vào học phí thì không phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước khác, nguồn thu từ học phí chỉ chiếm 30-40% tổng thu của nhà trường).
Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học hiện nay chưa có điều khoản nào rõ ràng để các trường có hành lang pháp lý huy động nguồn vốn từ bên ngoài hiệu quả nhất. Đây là rào cản rất lớn nếu các trường tự chủ bị cắt 100% ngân sách".