Dân công sở “méo mặt” vì “chạy sô” hơn 10 đám cưới/tháng cuối năm
- 08:20 27-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhận thiệp cưới, bên ngoài cười nụ, bên trong “khóc thầm”
“Cả tuổi thanh xuân chỉ để đi đám cưới bạn bè. Sắp được dự đám cưới thứ 10 trong tháng”. Dòng status của anh Nguyễn Minh Cường, một dân công sở tại Hà Nội lập tức thu hút hàng chục bình luận của bạn bè.
“Thương thế!”, “Lấy vợ đi!”, “Lương tháng này chắc không đủ mừng cưới”… Bạn bè thi nhau nhảy vào “an ủi” kẻ đăng status.
Rất nhiều dân công sở đang "méo mặt" vì bạn bè thi nhau gửi thiệp mời đám cưới. Ảnh minh họa. |
“Chuyện bỏ phong bì đi đám cưới sẽ không thành vấn đề với những người khá giả, có điều kiện. Nhưng khi phải đi đám cưới quá nhiều trong một tháng thì cân nhắc phong bì bao nhiêu thực sự rất…hại não”, anh Cường giãi bày.
Theo anh Cường, bỏ phong bì mừng cưới bao nhiêu phụ thuộc vào mức độ thân thiết với cô dâu, chú rể. Càng thân càng mừng nhiều, vì bạn có một ngày trọng đại trong đời.
Anh thường mừng bạn thân thiết khoảng 1 triệu đồng. “Ca khó là hai người bạn thân cùng lấy nhau, không biết nên đi đám cưới ai và mừng bao nhiêu cho vừa”, anh Cường kể.
Đám cưới tổ chức ở nhà hàng sang trọng cũng khiến không ít người lăn tăn "mừng bao nhiêu cho xứng đáng". Ảnh minh họa. |
Ở thành phố, đi đám cưới “bèo” nhất cũng phải mừng 300.000 đồng. Bởi người ta quan niệm số 4 không được may mắn, tư tức là “tử” nên thường không ai mừng 400.000 đồng.
Bởi quan niệm đó nên có những đám cưới tổ chức mặc dù không thân cô dâu chú rể lắm nhưng anh Cường vẫn “bấm bụng” mừng 500.000 đồng “cho đẹp”.
“Cỗ nhà hàng mừng 300.000 đồng thì cô dâu chú rể “lỗ”. Mừng 400.000 thì không ổn. Đành mừng 500.000 cho cô dâu, chú rể dư xíu”, anh Cường chia sẻ.
Sau đám cưới là… bụng đói, “viêm màng túi”
Gia đình chị Thanh Bình (Q. Gia Lâm, Hà Nội) đã “dính” tới 6 đám cưới chỉ trong 20 ngày cuối năm. Một đám cưới họ hàng thân cận, bốn đám cưới bạn cấp ba, Đại học, một đám cưới họ hàng xa.
Éo le thay, có hôm tốt ngày vợ chồng chị chạy sô ba đám: sáng ăn hỏi, chiều hai đám cưới. “Hai vợ chồng phải chia nhau ra đi đám cưới. Toàn đám không thể tránh được”, chị Bình nói.
Chị Minh Anh (một giáo viên mầm non, Q. Hà Đông, Hà Nội) đã phải thốt lên “Lương tháng này không đủ để mừng đám cưới”. Bởi các cô giáo đồng nghiệp ở cơ quan chị toàn người ở tuổi lấy chồng. Tháng này mọi người “thi nhau” cưới.
Đằng sau những giây phút hạnh phúc, chúc tụng tưng bừng là nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ảnh minh họa. |
“Cả trường ai cũng mừng 500.000 đồng. Mình phải mừng theo, mừng riêng bớt đi 100 - 200.000 đồng lại mang tiếng chi ly, tính toán. Lương giáo viên mầm non đã ít, giờ lại thêm mấy cái thiệp hồng là coi như tháng đó chi tiêu cực kỳ eo hẹp”, chị Minh Anh giãi bày.
Có lần chị đi đám cưới một người bạn ở khu vực cầu Mai Lĩnh về ấm ức mất mấy ngày. “Đường vào nhà cô dâu lổng chổng đá sỏi, mãi mới mò được nhà. Sau màn trà nước tiếp đón, gia chủ mời ra ăn cỗ cưới nhưng không ai dám đụng đũa. Cỗ cưới sơ sài vài món nhưng nguội ngắt và rất nhiều ruồi bu vào. Nghĩ bạn bè thân thiết, dù cỗ ở quê nhưng ai cũng mừng cưới 300.000 đồng. Kết quả là bụng đói meo, về phải tạt vào quán ăn bát phở”, chị kể.
Sau tiệc tùng, chúc tụng là nỗi lo cơm áo gạo tiền của người mừng cưới. Chị Minh Anh chỉ mong mỏi cô dâu, chú rể đừng mời đám cưới kiểu vô tội vạ. Bởi chị đã gặp có những người mười năm họp lớp mới gặp một lần, chỉ là bạn học cùng lớp, không thân thiết tự dưng mời cưới. Không đi thì ngại, mà đi thì chị thấy ấm ức như mất tiền oan.