Tiếng khóc lúc nửa đêm trong phòng nữ công nhân khiến xóm trọ xôn xao
- 08:03 26-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Đỗ Thị Ngại (SN 1973, công tác tại Chi hội phụ nữ thôn Hậu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Ở đây, hầu như mỗi gia đình đều có phòng trọ cho thuê. Số lượng công nhân luôn biến động bởi vậy cứ 6 tháng, chúng tôi lại đi thống kê dân số một lần”.
Bà Ngại nhận định, số lượng cư trú đông, nữ công nhân ở khu công nghiệp lại ít có thời gian giao lưu, kết bạn nên đa phần họ thiếu thốn tình cảm, thiếu kỹ năng sống. Bởi vậy không ít trường hợp đã ngã vào những mối quan hệ phức tạp.
Bà Đỗ Thị Ngại (công tác tại Chi hội phụ nữ thôn Hậu, xã Kim Chung) chia sẻ những khó khăn trong công tác tập huấn, tuyền truyền các kiến thức cho công nhân. Ảnh: Ngọc Trang |
Có mặt tại cổng một công ty ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long vào giờ tan ca, chúng tôi bắt gặp một tốp nữ công nhân đang uống trà đá, không giấu nổi vẻ mệt mỏi.
Nguyễn Thị Hoài (SN 1991, quê Nghệ An) sau khi nghe một cuộc điện thoại, vội vã ra về. “Về đi chợ, nấu cơm cho chồng, không tí anh ấy về mà chưa có cơm ăn lại lắm chuyện”, Hoài giải thích với mấy cô bạn.
Bùi Kim Hồng (1992, Bắc Giang), một người bạn cùng công ty và cùng xóm trọ với Hoài, lắc đầu: “Chồng con gì nó. Già nhân ngãi, non vợ chồng thôi”.
Theo lời kể của Hồng, Hoài từ quê ra Hà Nội đã 3 năm. Khác với các công nhân ra đất Thủ đô mưu sinh, Hoài ra đây làm công nhân như một cuộc trốn chạy.
Thiếu kỹ năng sống, không ít nữ công nhân đã rơi vào các mối quan hệ phức tạp. Ảnh: Ngọc Trang |
Ở quê, Hoài từng lấy chồng nhưng hạnh phúc chưa tày gang thì chồng Hoài mất sau một tai nạn giao thông. Chưa có con, Hoài lủi thủi ở nhà chồng như một cái bóng. Cô xin về nhà mẹ đẻ cũng không yên bởi không ít lời ra tiếng vào từ hàng xóm. Họ nói cô mang vận đen, gò má cao sát chồng...
Chịu không nổi những lời xì xào, một lần được người bạn thân rủ ra Hà Nội làm công nhân, Hoài không chút do dự. Ở khu công nghiệp, Hoài vẫn cảnh sớm đi tối về, miệt mài tăng ca. Nhưng sau giờ làm, hằng đêm, cô vẫn vò võ trong phòng một mình. Nhìn bạn bè đi chơi với người yêu, Hoài không khỏi chạnh lòng.
Cuối cùng, cô gái trẻ lại quen và yêu một người lớn tuổi. Đó là người đàn ông sống gần xóm trọ của Hoài.
“Ông ta đáng tuổi bố của Hoài và dĩ nhiên là đã có gia đình. Nhưng người này có tài ăn nói ngọt ngào, chỉ vài hành động quan tâm, Hoài đã nhanh chóng xiêu lòng. Cô bất chấp tất cả, kể cả lời khuyên của bạn bè để bước vào một mối quan hệ mới”, Bùi Kim Hồng kể.
Theo lời những người bạn của Hoài, thời gian đầu cặp đôi khá hạnh phúc. Mặc dù đã có vợ con đề huề nhưng ông ta thường xuyên ăn, ở nhà Hoài. Người vợ có lẽ cũng đã quá quen với cảnh trăng gió của chồng nên không một lần xung đột.
“Sau giờ làm, Hoài tất tả về đi chợ, cơm nước cho người tình. Những lúc êm ấm thì không sao nhưng giữa họ có không ít lần cãi vã, mâu thuẫn. Ông ta ghen với Hoài nên thường xuyên kiểm soát cô gái trẻ.
Có lần nửa đêm, cả xóm trọ em phải dậy vì cặp đôi đánh nhau ầm ĩ, không ai ngủ nổi. Tất cả chỉ vì một tin nhắn trong điện thoại của Hoài. Đến khi chúng em dọa báo công an ông ta mới ngừng đánh Hoài”.
Theo bà Đỗ Thị Ngại, các công nhân thường eo hẹp về thời gian gây khó khăn cho công tác quản lý, tập huấn các chương trình dạy kỹ năng sống. Ảnh: Ngọc Trang |
“Hoài từng kể với bọn em, Hoài tích góp được ít tiền định mua chiếc xe tay ga. Người yêu Hoài hứa, lúc nào mua xe sẽ cho 10 triệu đồng. Nhưng xe mua xong cũng không thấy tiền đâu.
Trong khi đó, đến nhà ăn cơm liên tục nhưng ông ta không hỗ trợ Hoài bất cứ thứ gì. Mọi chi phí tiền phòng, tiền điện nước, sinh hoạt… Hoài đều chắt chiu từ đồng lương công nhân. Chưa kể phải phục vụ "nhu cầu" cho ông ta đủ 30 ngày", Hồng nói tiếp.
Nhiều lần Hoài đã kiên quyết chia tay nhưng thấy người yêu xin lỗi, làm lành cô lại mủi lòng. “Mình còn có lựa chọn nào tốt hơn?”, có lần Hoài chia sẻ với đồng nghiệp như vậy.
Cũng yêu một người đã có gia đình, chuyện tình của Lê Thị Vinh (SN 1996, Tuyên Quang) cũng đầy nước mắt. Vinh vốn là nữ công nhân có nhan sắc, ngay từ lúc vào làm cô đã khiến nhiều người trong công ty chú ý.
Quản lý của Vinh là Hùng, một người đã có gia đình. Hùng nổi tiếng là người đẹp trai, đào hoa tuy nhiên vợ của Hùng, cũng là một quản lý của công ty, rất hay ghen tuông, ghê gớm.
Vinh mới vào làm không lâu nên không biết về điều ấy. Những lần Hùng nhắn tin, rủ đi uống nước sau giờ làm cô đều không hề từ chối.
Cô gái trẻ cũng thường xuyên được nam quản lý tặng những món quà khiến cho các nữ công nhân khác phải ghen tỵ. Cho đến một ngày những lời ra tiếng vào về mối quan hệ của họ cũng đến tai vợ Hùng.
“Thế mới xảy ra chuyện đánh ghen ngay ở cổng công ty”, Bùi Kim Hồng chia sẻ.
Hồng kể: “Hôm đó, sau giờ tan ca chúng em vừa ra khỏi cổng công ty thì thấy xôn xao ở phía bên kia đường. Bọn em lại xem thì thấy Vinh đang bị một nhóm phụ nữ hung dữ chặn đường. Vinh bị họ đánh đập, chửi bới ngay tại chỗ. Bọn em có muốn giúp nhưng cũng không dám vì nhóm người kia quá hung dữ.
Chỉ đến khi một nhóm công nhân nam và bảo vệ gần công ty giải cứu Vinh mới thoát được. Hóa ra vợ của anh Hùng thuê người dằn mặt Vinh. Ai cũng biết điều đó nhưng không ai dám nói ra”.
Sau đó, theo lời kể của Hồng, dù ấm ức nhưng Vinh cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, xin nghỉ việc, chuyển công ty.
Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Ngại chia sẻ thêm: “Chúng tôi có nhiều chương trình cho công nhân như hỗ trợ phát bao cao su, tập huấn, tuyên truyền các kiến thức cho nữ công nhân… Tuy nhiên công tác này gặp rất nhiều khó khăn bởi không dễ gì để gặp được họ".
"Công nhân thường xuyên tăng ca, họ đi làm về lại khóa kín cửa để ngủ. Nhiều lần chúng tôi tổ chức chương trình tập huấn, số công nhân tham dự cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”, bà Ngại ngán ngẩm chia sẻ thêm.