Chi cục thi hành án dân sự bị tố lập hồ sơ khống để bán tài sản
- 16:04 25-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là việc tài sản không thông báo đấu giá nhưng lại đưa ra đấu giá, không đảm bảo quyền sở hữu chung của vợ chồng, khuất tất trong việc đăng ký mua tài sản đấu giá đã xâm phạm quyền lợi của ông Nguyễn Mạnh Cường. Sai phạm kéo dài gần 15 năm, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết thấu tình, đạt lý.
Theo đơn phản ánh gửi báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, năm 1998 vợ ông là bà Nguyễn Thị Tuyết vay tiền của một số người để làm ăn. Trong quá trình đó, bà Tuyết cũng bị một số người khác vay rồi không trả. Hậu quả, bà Tuyết phải thi hành Bản án số 340/HSST ngày 31/10/1998 của TAND Nghệ An buộc phải trả nợ tổng số 138 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Lợi và bà Nguyễn Thị Phương.
Do bà Tuyết không có điều kiện về kinh tế để thi hành án, nên năm 2001, Đội thi hành án huyện Đô Lương (nay là Chi cục thi hành án dân sự huyện Đô Lương) đã kê biên 2 ngôi nhà để thi hành án.
Ông Nguyễn Mạnh Cường trước căn nhà mà Chi cục thi hành án dân sự huyện Đô Lương lập hồ sơ "khống" để bán |
Theo đó, Hội đồng định giá, kê biên ngôi nhà và đất cạnh gia đình bà (Du Hẹ) với tổng số tiền 240.130.000 đồng (tiền đất 226.800.000 đồng/126m2). Do định giá quá thấp, bà Tuyết không nhất trí kết quả định giá (cả hai ngôi nhà đều nằm ở vị trí đắc địa tại Thị trấn Đô Lương).
Tiếp đó, Cơ quan thi hành án huyện Đô Lương chỉ thông báo việc bán đấu giá ngôi nhà cạnh trụ sở bưu điện thị trấn có giá trị 187.820.000 đồng chứ không hề thông báo đấu giá ngôi nhà (cạnh nhà bà Du Hẹ) mà đội đã định giá 240.130.000 đồng.
Điều này trong Công văn số 483/VKS-P10, ngày 11/11/2015 của VKSND tỉnh Nghệ An đã xác minh tại Đài truyền hình Đô Lương không có phát sóng thông báo đấu giá và tại trụ sở cua UBND thị trấn cũng không có bản thông báo đấu giá ngôi nhà.
Cũng theo phản ánh của ông Cường, trong hồ sơ bán đấu giá chỉ một nhóm người biết và có đơn đấu giá ngôi nhà cạnh nhà bà Du Hẹ. Tất cả họ đều là bà con họ hàng liên quan đến bà Nguyễn Thị Lợi, là người mua trúng nhà đấu giá. Đó là bà Nguyễn Thị Kiều Hương (chị ruột bà Lợi), ông Nguyễn Trung Thành (em rể chồng bà Lợi).
Điều đặc biệt, bà Nguyễn Thị Lợi là người đấu giá thành công nhưng lại không có đơn đấu giá. Kết quả đấu giá thành so với giá đã định chỉ chênh lệch 50.000 đồng (định giá 240.130.000 đồng + 50.000 đồng tiền chênh lệch). “Phải chăng có sự sắp xếp, trong việc đấu giá này?”, ông Cường nghi vấn.
Theo ông Cường, nếu tất cả các quy định của pháp luật đều được đảm bảo thì gia đình ông không thiệt thòi, bởi tại thời điểm nhà và đất của ông được đưa ra đấu giá thì đất ở cùng vị trí trục đường như ông được UBND thị trấn thông báo đấu giá cho người mua ở mức 6.100.000 đ/m2, trong khi đất của gia đình ông chỉ bán được ở mức 1.800.000 đồng /m2.
Ngôi nhà đưa ra đấu giá là tài sản chung của hai vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Cường và bà Nguyễn Thị Tuyết. Bản thân ông không viết giấy ủy quyền cho bà Tuyết (vợ ông) định đoạt phần tài sản chung đó. Thế nhưng, Đội thi hành án huyện Đô Lương chỉ căn cứ vào sự “cam đoan” là người đại diện cho chồng để xử lý khối tài sản chung.
Thực tế không có thông báo nhưng Chi cục thi hành án dân sự huyện Đô Lương đã lập một thông báo không số nhằm che đậy những hành vi sai trái của mình. Qua kiểm tra, VKSND tỉnh Nghệ An đã chỉ ra sai phạm và chính ông Hoàng Ngọc Thanh, nguyên Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Đô Lương và ông Trần Minh Sửu, Chi cục phó đã thừa nhận hành vi làm giả hồ sơ.
Được biết, ngày 22/2/2011, tại buổi làm việc với gia đình ông Cường, đại diện Tổng cục thi hành án dân sự đã thừa nhận Chi cục thi hành án dân sự huyện Đô Lương có thiếu sót, vi phạm trong quá trình thi hành án. Nhưng Bộ Tư pháp đã họp liên ngành và thống nhất không hủy kết quả bán đấu giá mà sẽ bồi thường cho gia đình ông Cường.
Tuy nhiên, ông Cường phản bác: “Việc không hủy kết quả bán đấu giá là sai, bởi tài sản không được thông báo bán đấu giá mà tổ chức bán đấu giá là không chấp nhận được, gây thiệt hại cho người phải thi hành án. Tôi kiến nghị, để đảm bảo quyền lợi cho các bên thì phải giữ nguyên hiện trạng nhà chúng tôi đang sử dụng. Cơ quan thi hành án huyện Đô Lương sai nên phải bồi thường cho người mua trúng đấu giá thì sẽ hợp tình hợp lý hơn. Tính đến nay, chúng tôi đã khiếu nại đến Tổng cục thi hành án dân sự hơn 14 năm nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng, giải quyết quyền lợi hợp pháp cho vợ chồng tôi”.
Báo Bảo vệ pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Cường.