Cô dâu lo ngay ngáy vì phong tục “Cưới con gái không được nhận phong bì”
- 09:03 22-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nếu “phá lệ” nhận phong bì là bị…cả làng rêu rao
Trong một lần chụp ảnh cưới cho cô dâu đến từ tỉnh Bắc Ninh, anh Bùi Đức Tuấn, chủ một studio ảnh cưới tại Ninh Bình hết sức ngạc nhiên khi nghe cô dâu kể về phong tục đám cưới kỳ lạ ở quê nhà.
“Cứ nhà ai cưới con gái là không được nhận phong bì mừng cưới. Nếu phá lệ, trót nhận phong bì thì sẽ bị cả làng rêu rao, mang tiếng xấu. Cô dâu tỏ ra khá lo lắng với phong tục này vì nhà cô dâu có tới ba chị em gái”, anh Tuấn kể lại.
Cô dâu không dám nhận phong bì mừng cưới vì sợ để lại tiếng xấu cho bố mẹ. Ảnh minh họa. |
Theo anh Tuấn, nếu con gái “ế” mãi mới “lấy được chồng” thì việc nhà gái làm cỗ cưới, không nhận phong bì co như “khao cả làng”. Còn nếu con gái còn trẻ trung, xinh đẹp mà làm cỗ “khao làng” như vậy thì thiệt hại rất lớn cho gia chủ.
Chia sẻ với chúng tôi, cô dâu N.H (quê ở Bắc Ninh) lý giải, quê của H có phong tục nhà gái không được nhận phong bì mừng cưới. Theo đó, khách khứa tới ăn cưới sẽ không cần mang tiền mừng. “Bố mẹ em đã đi “ăn không” nhà người ta rồi. Giờ cưới con gái mình không thể lấy phong bì của mọi người được”, cô dâu N.H lý giải.
Bản thân N.H cho biết bố mẹ cô đã “chuẩn bị tinh thần” tổ chức đám cưới này. “Đám cưới đến thì vẫn cứ đến thôi nên lo lắng cũng không giải quyết gì”, H. bày tỏ.
Phong tục lạ lùng này bắt nguồn từ quan niệm con gái đi lấy chồng là “mất họ”. Nhà trai sang xin cưới bao giờ cũng có thịt lợn, gà, xôi, rượu. Nhà gái đem lễ mặn đó “khao làng”. Còn con trai thì ngược lại, lấy vợ là “thêm người, thêm của” nên không phải chịu phong tục trên.
Mặc dù lo ngay ngáy số tiền “khủng” bỏ ra làm đám cưới mà chẳng thể “thu hồi vốn” nhưng sợ bị tiếng xấu để đời nên hiếm gia đình nào dám phá lệ làng.
Một nhà có đám cưới, cả làng tắt lửa
Anh G.V.Hải, quê ở Bắc Giang kể từ xa xưa, quê anh có tục cứ hễ trong làng có đám cưới là cả làng đều tắt lửa, không nhà nào được nấu cơm. Thay vào đó, cả làng sẽ kéo đến làm giúp nhà đám và ăn cỗ cưới trong ba ngày.
“Trước kia, nhà nào cũng đun nấu bằng rơm rạ, củi. Nếu nhà nào “phá lệ” nổi lửa, có khói bay lên cả làng phát hiện thì sẽ bị làng phạt. Giờ các gia đình nấu nướng bằng bếp ga, than tổ ong, không có khói nhưng vẫn còn nhiều nhà còn “chấp hành” phong tục này”, anh Hải cho hay.
Đám cưới ở quê không khí nhộn nhịp nhưng còn nhiều phong tục gây bất tiện cho cả gia chủ lẫn người tham dự. Ảnh minh họa. |
Theo anh Hải, mặt tích cực của tục lệ này là tạo ra không khí làm giúp đám cưới nhộn nhịp cho cả làng. Tuy nhiên, mặt bất tiện của nó là người dân làng không thể nấu thức ăn cho lợn gà trong suốt ba ngày diễn ra đám cưới.
Trong một lần về quê bạn ở Nam Định ăn cưới, anh Nguyễn Văn Nam (Hà Nội) mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến màn mừng cưới diễn ra tại nhà gái. “Trước mặt khách khứa hai họ, MC mời từng người trong gia đình nhà gái lên mừng cưới cho cô dâu, chú rể rồi đọc to trong phong bì có bao nhiêu tiền”, anh Nam ngạc nhiên nói.
Theo quan điểm của anh Nam, đi đám cưới thì mừng phong bì cưới là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, nếu đọc to ai mừng bao nhiêu thì sẽ khiến cho người mừng ít cảm thấy rất ngượng. Bởi không phải ai cũng dồi dào tài chính, nhất là trong thời điểm cuối năm phải “chạy sô” mừng đám cưới.