Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xã miền núi tự học làm hương tăng thu nhập

Nhờ chủ động được cây rễ hương và nguyên liệu sẵn có, nhiều hộ nông dân xã Cao Sơn (Anh Sơn) đã tự học nghề làm hương để tăng thu nhập. Thời điểm này các hộ tất bật vào vụ Tết.


 Nhờ chủ động được cây rễ hương với diện tích 30ha nên người dân xã Cao Sơn đã có thêm nghề làm hương để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Thái Hiền

Toàn xã Cao Sơn, Anh Sơn hiện có trên 30 ha cây rễ hương được trồng trên diện tích đất đồi. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này, những năm gần đây, một số hộ dân Cao Sơn đã đầu tư mua máy, học nghề làm hương. Thời điểm này các hộ làm hương tất bật sản xuất chuẩn bị cho tết Nguyên đán.

Có mặt tại các cơ sở làm hương xã Cao Sơn, chúng tôi bắt gặp sắc màu rực rỡ của hàng ngàn bó hương đang được các hộ hối hả mang phơi sau những đợt rét đậm để kịp cho Tết Nguyên đán đang cận kề. Tại cơ sở sản xuất hương của anh Lê Cảnh Hồng, thôn 9, xã Cao Sơn không khí làm việc những ngày này hết sức khẩn trương.

 Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này, những năm gần đây một số hộ dân Cao Sơn đã đầu tư mua máy, học nghề làm hương. Ảnh: Thái Hiền

Anh Hồng chia sẻ: Nghề làm hương tất bật quanh năm, mức tiêu thụ cao nhất vào các ngày lễ, ngày rằm, đặc biệt là dịp Tết. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại hương nhưng riêng hương ở Cao Sơn vẫn giữ được nét đặc trưng bởi nguyên liệu do người dân tự trồng được nên có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh thoát, hương cháy đượm, cuộn đẹp.

Dịp Tết năm nay khách đặt 15 vạn búp hương. Để chủ động trong sản xuất, ngay từ tháng 7 âm lịch, chúng tôi đã tập trung nhân lực, nguyên liệu để làm hàng Tết. Hiện cơ sở tạo việc làm cho 5 lao động. Vào dịp sản xuất hàng Tết, mỗi tháng cho gia đình anh thu nhập gần 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

 Thời điểm này các hộ làm hương tất bật sản xuất chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thái Hiền

Dịp này, để đảm bảo đủ lượng hàng giao cho khách đúng hẹn, cơ sở sản xuất hương của ông Trần Đức Tiến ở thôn 4, xã Cao Sơn phải thường xuyên tăng ca. Những ngày này, chỉ cần bước chân tới cổng xưởng sản xuất của ông là cảm nhận được hương thơm ngào ngạt.

Ông Tiến chia sẻ: Năm 2015, gia đình đã đầu tư máy làm hương với số tiền 30 triệu đồng để giảm bớt khâu làm thủ công. Năm ngoái vào dịp Tết mỗi tháng gia đình ông làm 5 vạn búp hương thẻ và 3 vạn búp hương trầm thì năm nay số lượng hương phải tăng lên gấp 5-6 lần.

Ông Tiến cho biết thêm: “Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh nên cái tâm làm nghề không cho phép cẩu thả hay làm kém chất lượng. Ngay từ tháng 10, cơ sở đã bắt đầu sản xuất hàng Tết. Hiện tại hương sản xuất ra được ông Tiến nhập với mức giá 9.000 đồng/búp hương trầm và 2.500 đồng/búp hương thẻ. Tính ra bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi gần 10 triệu đồng. Năm nay do số lượng hương khách đặt đông nên gia đình ông phải thuê thêm 4 hộ trong thôn làm mới kịp.

 Đóng gói hương trước khi cung cấp cho khách hàng. Ảnh: Thái Hiền

Chị Cao Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Sơn cho biểt: Nhận thấy nghề làm hương là một nghề có triển vọng, nguyên liệu được bà con tự làm ra, lại góp phần tạo việc làm cho bà con, nâng cao thu nhập cho gia đình, từ năm 2015 đến nay, Hội LHPN xã Cao Sơn phối hợp với Hội LHPN huyện và Trung tâm Khuyến công tỉnh Nghệ An mở 4 lớp dạy nghề làm hương cho 90 hội viên tham gia để nâng cao tay nghề. Hiện nay toàn xã có 3 hộ đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất.

Mặc dù trên thị trường có rất nhiều loại hương được làm theo phương pháp công nghiệp, pha tạp nhiều chất phụ gia hóa học để tạo mùi nhưng người làm hương ở Cao Sơn vẫn trung thành với công nghệ sản xuất hương truyền thống. Để có được những búp hương đẹp, thơm đặc biệt, những người làm hương Cao Sơn phải cầu kỳ từng công đoạn, từ chuẩn bị các nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn quấn hương để làm ra que hương hoàn thiện. Người dân Cao Sơn đang hy vọng đây là một nghề phụ hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương./.