Tâm sự của thiếu phụ trở về sau 21 năm bị lừa bán sang Trung Quốc
- 08:33 20-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị T.T.T cùng con gái kể lại cuộc sống khổ cực 21 năm bị lừa bán sang Trung Quốc làm dâu. Ảnh: N.Hưng |
Phận bạc như vôi
Sau nhiều tháng trở về quê hương nhưng chị T vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ. Trước mặt chúng tôi, chị không nói nhiều mà nước mắt cứ trào ra, lăn trên khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ. Có lẽ, những gì đã trải qua trong 21 năm bên xứ người khiến chị già đi trước tuổi. Sau một hồi trấn tĩnh, chị mới mở lòng chia sẻ về số phận bất hạnh của mình.
Chị T nghẹn ngào, sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, cuộc sống không khấm khá nên chị cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Tháng 2/1995, chị được một người bạn cùng quê bảo đi lên Lạng Sơn làm hái chè thuê. “Tin tưởng người cùng quê, cộng với việc gia đình nghèo khó nên tôi đã đồng ý đi theo. Tuy nhiên, khi đến Lạng Sơn tôi lại bị đưa qua cửa khẩu sang Trung Quốc. Sang bên kia biên giới, tôi bị đưa sâu vào nội địa ở xã Ruần Nần (huyện Reèng Coóng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Sau đó, bọn chúng bán tôi cho một người đàn ông dân tộc Hán hơn tôi 15 tuổi tên là Voòng Nhất Sèng”, chị T nhớ lại.
Khu vực sinh sống ở Trung Quốc của gia đình chồng là một vùng rừng núi, dân cư thưa thớt, đường xá đi lại khó khăn. Người chồng của chị trước đây từng bỏ tiền ra mua hai người về làm vợ, tuy nhiên hai người phụ nữ ấy cũng chỉ sống được một thời gian ngắn rồi bỏ trốn.
Vì vậy, khi chị về làm vợ ông ta (Voòng Nhất Sèng - PV) thì bị chồng và gia đình chồng quản thúc chặt chẽ. Sống ở đất khách quê người, lại bất đồng về văn hóa, chị trở thành công cụ lao động. Chị làm quần quật cả ngày nhưng miếng ăn cũng chẳng được no. Hễ làm sai việc gì thì chị bị cả gia đình trút những trận đòn roi.
Sống với Voòng Nhất Sèng được 1 năm chị sinh con trai đầu lòng. Sau thời gian sinh con chị T đã bế con bỏ trốn nhưng đã bị gia đình phát hiện và bắt về. Những năm sau đó, chị tiếp tục sinh thêm 3 người con nữa. “Tôi không có hôn thú với Voòng Nhất Sèng nên khi bị hành hạ cũng không biết báo ai. Không có giấy tờ tùy thân nên tôi không được nhập quốc tịch. Các con của tôi cũng không được khai sinh nên cũng chả được học hành tử tế. Đúng là phận tôi bạc như vôi nên đã làm khổ các con các chú ạ”, chị T nức nở.
Nước mắt ngày trở về
Ở nơi đất khách quê người, chưa ngày nào chị T không suy nghĩ lên kế hoạch bỏ trốn về quê hương nhưng không có cơ hội. Năm 2008, Voòng Nhất Sèng bị bạo bệnh mà qua đời. Lúc này, chị T đã bàn bạc với các con bỏ trốn về Việt Nam. Chị kể: “Trong một lần gia đình nhà chồng không để ý, cả 5 mẹ con gom góp quần áo vượt hơn 30km đường rừng trong đêm để ra bến xe Reèng Coóng. Đường ra Reèng Coóng đồi núi, rừng rậm, di chuyển vất vả.
Từ huyện Reèng Coóng (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), ngồi xe đò mấy đêm mẹ con cũng lên đến TP Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) sau đó hỏi đường về cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) rồi đi thuyền vượt biên về nhà. Đến 7/9/2016 thì về đến nhà, kết thúc 21 năm làm dâu xứ người đầy khổ đau, tủi phận...”.
May mắn trở về quê hương sau 21 năm bặt vô âm tín, chị T sống trong căn nhà của người em út. Chị T vui mừng khi sống trong tình yêu thương của gia đình, hàng xóm. Chị cũng đã nhận thêm ruộng, tìm những công việc chân tay để kiếm thêm thu nhập. Song giọng chị T trầm buồn khi chúng tôi hỏi về 4 đứa con của chị.
Chị bảo, tội mấy đứa con vì chúng cũng chưa thể thích nghi cuộc sống mới, do bất đồng ngôn ngữ nên cũng chỉ quẩn quanh trong nhà. Bên cạnh đó, tâm lý chúng còn đang hoảng loạn sau những ngày vượt rừng chạy trốn. Hằng đêm sau những ngày làm việc mệt nhọc chị lại dành chút thời gian dạy tiếng Việt cho bọn nhỏ cũng chỉ mong sao chúng sớm hòa nhập với mọi người rồi kiếm được việc làm ổn định để sinh sống.
Nhưng để có cuộc sống ổn định thì các con của chị phải có giấy tờ tùy thân, chứ như bây giờ mẹ con chị vẫn là người vô danh. “Hiện tôi đã làm đơn xin khôi phục lại hộ khẩu và xin nhập quốc tịch cho các con để chúng nó có tên tuổi, danh phận. Các con tôi cũng mong muốn được ở lại đây sinh sống cùng mẹ”, chị T chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quang - Phó Trưởng Công an xã Đông Lĩnh cho biết, địa phương nhận được thông tin chị T trở về cùng với 4 đứa con sau 21 năm mất tích. Sau khi nắm bắt tình hình, cơ quan chức năng được biết chị T bị lừa bán qua Trung Quốc làm vợ từ năm 1995. Bốn người đi cùng, chị T khai là con của mình với người đàn ông Trung Quốc. Các cháu đều đã lớn, cháu lớn nhất đã 20 tuổi, cháu nhỏ nhất 12 tuổi.
Ông Lê Đình Quang - Phó Trưởng Công an xã Đông Lĩnh cho biết: “Để mẹ con chị T tạm thời ổn định cuộc sống, xã đã yêu cầu thôn xóm quan tâm, hỗ trợ gia đình. Đây là vấn đề rất nhạy cảm cần phải xác minh cụ thể, cặn kẽ. Chúng tôi cũng đã tạo điều kiện nhưng sự việc ngoài tầm giải quyết của chính quyền địa phương. Hiện đơn vị đã báo cáo sự việc lên cấp trên xin hướng giải quyết. Công an TP Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã nhiều lần cử người về xác minh, làm rõ thêm thông tin để đưa ra hướng xử lý”. |