Đại sứ Palestine muốn Mỹ làm rõ vai trò trung gian với Israel
- 21:58 19-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Salama. Ảnh: Giang Huy. |
Nếu Mỹ muốn tiếp tục làm trung gian hòa giải giữa Palestine và Israel, thì cần nói rõ khuôn khổ nào Washington sử dụng, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, trao đổi với một nhóm phóng viên tại Hà Nội hôm nay.
"Chẳng hạn Mỹ cho biết họ công nhận biên giới trước năm 1967, dựa trên cơ sở đó để các bên đàm phán, nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Khi đó chúng tôi sẽ xem xét", ông Salama nói.
Biên giới trước năm 1967 giữa Palestine và Israel là khu vực trước khi Israel chiếm đóng Bờ Tây, Đông Jerusalem và dải Gaza trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Do đó, nếu công nhận biên giới trước năm này, Mỹ cần ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập Nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel.
Từ những năm 1990, Mỹ đã đóng vai trò là trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông, thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo Palestine và Israel và tổ chức đàm phán giữa hai bên.
Tuy nhiên, ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về thành phố này. Ông Trump cho biết Mỹ sẽ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu Palestine và Israel đồng ý, khẳng định Mỹ không đưa ra lập trường về "hiện trạng cuối cùng, bao gồm các ranh giới cụ thể về chủ quyền của Israel ở Jerusalem hay việc giải quyết các tranh chấp biên giới".
Palestine gọi hành động của Mỹ là "không thể chấp nhận được" và cho rằng Washington đã từ bỏ trách nhiệm trung gian hòa bình.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi tuyên bố của ông Trump là một "cột mốc lịch sử". Tuy nhiên các đồng minh phương Tây của Washington như Anh và Pháp chỉ trích động thái này. Đức tuyên bố họ không ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Israel chiếm khu vực trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Nghị quyết 181 của LHQ đặt Jerusalem dưới sự quản lý quốc tế, không thuộc lãnh thổ Israel.
Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn thành phố, tin rằng tình trạng của nó nên được giải quyết qua các cuộc đàm phán. Không nước nào có sứ quán ở Jerusalem. Mỹ đặt đại sứ quán tại Israel trên đường HaYarkon, Tel Aviv từ cuối những năm 1960.
Nhắc đến những lựa chọn khác cho vai trò trung gian giữa Palestine và Israel, Đại sứ Salama cho hay nước này muốn mời Liên minh châu Âu (EU), Liên Hợp Quốc (LHQ) tham gia vào việc tìm kiếm giải pháp hòa bình.
"Chúng ta có thể sử dụng các cơ chế như thế giới đã áp dụng với Iran, cơ chế 5+1. Các nước cần có một chương trình và thời gian cụ thể về việc hai bên liên quan cần thảo luận những vấn đề gì", ông Salama gợi ý.
Cơ chế 5+1 thảo luận về hạt nhân được áp dụng giữa Iran và 5 nước khác gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức.
Palestine hiện có nhiều hình thức và biện pháp ngoại giao để tiếp tục đấu tranh, phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ. Palestine sẽ tiếp tục thuyết phục các nước châu Âu công nhận Palestine là một quốc gia đầy đủ, theo ông Salama.
Mỹ ngày 18/12 đã bác nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu rút lại quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem. Để phản đối việc này, Palestine dự kiến trong 48 giờ tới kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp để thông qua nghị quyết về vấn đề Palestine.
"Khi Hội đồng Bảo an thất bại trong giải quyết một vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh thế giới thì Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể họp. Các quyết định của Đại hội đồng có giá trị như của Hội đồng Bảo an", ông Salama nói.