Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An sẽ truy trách nhiệm biên phòng, kiểm lâm khi rừng bị phá

Trước HĐND tỉnh, Giám đốc Công an Nghệ An cam kết để bảo vệ rừng sẽ xử lý mạnh tay, làm rõ trách nhiệm của chính quyền xã, kiểm lâm và biên phòng.

Chiều 19/12, kỳ họp thứ 5, khóa 17, HĐND tỉnh Nghệ An chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đại biểu Hoàng Lân đặt câu hỏi: Thời gian qua có hàng loạt vụ phá rừng, vậy đơn vị, cá nhân nào trực tiếp quản lý? Người phá rừng là ai?

Giải trình vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu (Giám đốc Sở Nông nghiệp) cho biết năm 2017 đã phát hiện và bắt hơn 730 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản; tịch thu hơn 1.000 m3 gỗ các loại. Những vụ chặt phá rừng nghiêm trọng hầu hết nằm ở những vùng sát biên giới.

Thủ phạm chặt phá chủ yếu là người dân địa phương, có cả cán bộ xã tham gia. Những người chịu trách nhiệm trực tiếp để xảy ra phá rừng chính là ban quản lý rừng phòng hộ. Hiện Sở đã cách chức một số thuộc cấp, một số khác bị công an xử lý hình sự.

* Đại tá Nguyễn Hữu Cầu trình bày trước HĐND tỉnh

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/12/19/trach_nhiem_19_12_17.mp4[/presscloud]

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh) thông báo trong năm ngành đã phát hiện 170 vụ phá rừng với gần 200 người tham gia, thu gần 500 m3 gỗ. Những địa bàn xảy ra nhiều vụ phá rừng là huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Tân Kỳ...

Cơ quan công an đã khởi tố hình sự 14 vụ, bắt gần 40 người về các tội vi phạm về khai thác bảo vệ rừng; Hủy hoại rừng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Gần nhất là vụ khởi tố hai cán bộ bảo rừng tại huyện Tương Dương vì để xảy ra vụ chặt phá gần 190 cây pơ mu với khối lượng 300 m3.

Thông qua những vụ án phá rừng bị công an triệt phá, ông Cầu cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do "kiểm lâm và biên phòng không làm tròn trách nhiệm".

Ông dẫn chứng rằng, quy định của pháp luật nêu rất rõ trách nhiệm giữ rừng có 4 đơn vị gồm: ban quản lý rừng phòng hộ; kiểm lâm địa bàn; chủ tịch UBND các xã nơi có rừng và bộ đội biên phòng ở nơi có rừng. Cụ thể, xã hàng tháng phải lập chương trình kế hoạch để bảo vệ rừng; tổ chức tuần tra, phải lập các đội tuần tra bảo vệ rừng, lập các tổ đội để phòng cháy rừng. Kiểm lâm địa bàn phải có mặt 25 ngày/tháng ở rừng và phải có báo cáo về cho chi cục trưởng kiểm lâm. Tuy nhiên qua điều tra, tất cả những yêu cầu này hầu như không đạt được.

Giam đốc Công an tỉnh cho rằng việc ngành kiểm lâm luôn cho rằng thiếu nhân lực chỉ là điều kiện khách quan. Còn nếu làm hết mình, huy động được các đội dân phòng, tuần tra theo đúng yêu cầu thì nạn phá rừng sẽ giảm rất nhiều.

 Hiện trường vụ chặt phá gần 190 cây pơ mu tại huyện Tương Dương bị công an khởi tố tháng 3 vừa qua.

Người đứng đầu ngành công an cho rằng, để ngăn chặn phá rừng thì phải xử mạnh tay. Vì vậy trong thời gian tới, ngoài làm rõ trách nhiệm của những cán bộ tham gia bảo vệ rừng, công an tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân các xã, bộ đội biên phòng để xử lý.

Đại tá Cầu tham mưu cho Sở Nông nghiệp "phải xâu chuỗi trách nhiệm của cả 4 đơn vị có trách nhiệm để đôn đốc...".

"Chính quyền địa phương, chủ rừng không nêu cao trách nhiệm, kiểm lâm không bám sát và bộ đội biên phòng không vào cuộc quyết liệt thì rừng tiếp tục bị phá", ông Cầu nói.