Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lấy chồng giàu vẫn khổ (1): Chồng thu nhập trăm triệu mỗi tháng, vợ con vẫn phải nhịn ăn nhịn mặc

Nghĩ chồng thu nhập cao hàng trăm triệu nên Hạnh đã nghỉ việc để ở nhà chăm con nhỏ. Nhưng từ ngày nghỉ việc ở nhà chăm con, cuộc sống của Hạnh bắt đầu rơi vào bế tắc...

Vợ chồng Hạnh lấy nhau được 7 năm, có hai đứa con một trai một gái. Chồng Hạnh là giám đốc một công ty tư nhân. Hạnh là giáo viên mầm non trường tư thục tại Hà Nội.

Trong khi thu nhập của chồng rất cao, mỗi tháng thu lãi khoảng gần trăm triệu thì lương của Hạnh chỉ 5 triệu đồng/tháng. Công việc giáo viên mầm non lại vất vả và nhiều áp lực nên từ khi sinh bé thứ 2, Hạnh đã nghỉ việc để ở nhà chăm con.

Sở dĩ Hạnh nghỉ việc là do tác động của Thuyên, chồng Hạnh. Thuyên bảo vợ, lương thấp như thế thà nghỉ việc ở nhà chăm con còn hơn. Bởi thuê một người giúp việc để trông con thậm chí còn phải bỏ ra nhiều hơn tiền lương của Hạnh rất nhiều để trả lương và các chi phí ăn uống khác.

Thấy chồng nói cũng có lý nên Hạnh đã nghỉ việc. Tin lời Thuyên nói là chuyện tài chính đã có chồng lo, hơn nữa nhìn vào khả năng tài chính của chồng nên Hạnh cũng chẳng suy tính gì nhiều. Hàng ngày cần phải tiêu khoản gì thì Hạnh cứ thông báo cho Thuyên biết và tự khắc Thuyên phải lo. Nếu không có khoản gì lớn phải chi thì cứ sáng sáng, Thuyên lại đưa cho vợ 300.000 đồng đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà.

Nhưng việc chi tiêu không đơn giản như vậy. Nhiều hôm đi chợ đúng hôm hết gạo, hết nước mắm, hết cả các loại gia vị nên khoản tiền 300.000 đồng chồng đưa để chi hàng ngày là không đủ. Thế là Hạnh lại phải bảo chồng phải đưa thêm tiền đi chợ cho mình.

Hay như việc mua sắm quần áo hay đồ dùng trong nhà. Nhiều khi đi chợ hay siêu thị, gặp phải món đồ mà mình đã lùng tìm mua trước đó không được, hay thấy đồ đẹp lại được khuyến mại giảm giá khủng nhưng vì không có sẵn tiền trong ví nên Hạnh đành phải …nuốt nước bọt vào trong, hận cái thân phận “phục vụ” như ô sin của mình trong gia đình.

Thấy cần phải có sẵn tiền trong người để chủ động trong công việc làm “ô sin” cho chồng con của mình nên Hạnh đã yêu cầu chồng đưa một cục từ đầu tháng. Hạnh đề nghị chồng đưa 20 triệu nhưng Thuyên không nói không rằng, mỗi tháng chỉ đưa vợ đúng 10 triệu.

 Hạnh đề nghị chồng đưa 20 triệu để lo chi tiêu cho gia đình nhưng Thuyên chỉ đưa được 10 triệu. Ảnh minh họa

Từ ngày cầm tiền cả cục 10 triệu chồng đưa, tình hình tài chính của Hạnh cũng chẳng cải thiện được là bao, thậm chí cô phải căng mình ra để suy tính, căn chỉnh các kiểu vẫn không đủ chi cho gia đình.

Bởi, khi cầm cả cục tiền 10 triệu như vậy, Hạnh phải lo các khoản chi tiêu cho gia đình từ A – Z. Từ chuyện ăn uống, tiền điện nước, truyền hình, internet…cho đến tiền học, tiền thầy cô, tiền bỉm sữa, thuốc thang, quần áo…của hai đứa con cho đến ma chay hiếu hỉ…

Với 10 triệu chồng đưa, có tháng Hạnh chi đủ, có tháng không. Mặc dù phải căn cơ tính toán các kiểu nhưng có những tháng, tiền chi tiêu vẫn bị thâm hụt. Những lúc như vậy Hạnh lại phải xin tiền chồng.

Mặc dù Thuyên kiếm ra được rất nhiều tiền nhưng kỳ lạ là anh rất keo kiệt với vợ con. Anh cho rằng vợ mình tiêu hoang nên mỗi khi Hạnh xin tiền chồng thể nào cô cũng bị chồng ca cho một bài về đức hạnh của người đàn bà trong gia đình.

Mặc cho vợ phân tích giải thích các kiểu, thậm chí Hạnh còn “minh họa” cho chồng biết việc chi tiêu gia đình tốn kém như thế nào qua sổ sách thu chi hàng tháng nhưng Thuyên vẫn không tin. Anh vẫn nhất mực cho rằng Hạnh tiêu hoang và phải tự điều chỉnh bản thân chứ không nên đòi hỏi thêm điều gì.

Hạnh nói “Dù mang tiếng lấy chồng giàu có, một bước lên xe hơi nhưng thật ra mình chẳng lúc nào có tiền trong người. Số tiền 10 triệu chồng đưa thật chẳng thấm tháp gì với ti tỉ thứ phải chi cho gia đình.

Nhiều hôm đi siêu thị mua hộp sữa, túi bỉm, ít thức ăn là đã ngốn vài triệu đồng. Rồi tiền thuốc men cho con nhỏ cũng rất tốn kém. Một lần đưa con vào viện, chỉ cần khám và tiền thuốc thôi là đã tốn tiền triệu rồi. Những lúc như thế mình lại phải hỏi tiền chồng. Mà cứ hỏi là anh chồng mình lại tỏ vẻ bực bội.

Vì xin tiền chồng khó khăn quá nên mình cũng hạn chế hỏi lắm. Chỉ khi nào con ốm đau không có tiền thuốc men thì bất đắc dĩ mình mới hỏi tiền chồng. Mình cảm thấy chán ngán vì sự keo kiệt bủn xỉn của chồng. Chỉ mong con mình lớn lên đi mẫu giáo là mình sẽ phải tính đi làm để có thể chủ động được cuộc sống. Bởi, phụ thuộc về tài chính sẽ phải phụ thuộc tất cả mọi thứ. Cuộc sống phụ thuộc thực sự không hề dễ chịu một chút nào”, Hạnh tâm sự.