Được ông Tập Cận Bình ‘xổ lồng', quân đội TQ lợi hại đến đâu?
- 13:13 15-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đang chuyển hóa sâu sắc về các năng lực chiến đấu, cả về “vũ khí cứng” cũng như “vũ khí mềm”. Những thay đổi này thấm vào mọi mặt của PLA – kỹ thuật, tổ chức và học thuyết. Dù nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều đã tuyên bố gắn với “hòa bình” và “phát triển”, chính sách an ninh của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng đã tách hoàn toàn khỏi chủ trương “giấu mình chờ thời”.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi quy chế của PLA trong tính toán đối nội và đối ngoại của vị tân Tổng tư lệnh quân đội này đã được tuyên bố rõ ràng hơn. Theo đó, ông Tập có những lợi ích rõ ràng trong việc biến các sức mạnh vũ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc thành nền tảng sức mạnh trong nước của cá nhân ông và làm công cụ chính sách đối ngoại bổ sung cho sức mạnh kinh tế cứng của Trung Quốc.
Quan hệ ông Tập - PLA
Một nhân tố quan trọng đằng sau thành công của ông Tập trong việc phá vỡ truyền thống phải chiều theo các lãnh đạo đảng đã về hưu, thường thấy trong đời sống chính trị đương đại Trung Quốc, chính là chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay mà ông đứng đầu.
Ngay khi lên cầm quyền, ông đã nỗ lực hết sức để chống tham nhũng và thúc đẩy sự liêm chính trong quân đội. PLA đã được lọc sạch các yếu tố tham nhũng sau cuộc khủng hoảng uy tín bủa vây chính quyền tiền nhiệm. Trong cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” nói trên, hàng chục lãnh đạo cấp cao, chính ủy và sĩ quan hậu cần tham nhũng đã bị kết tội.
Dù mang bản chất là cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng phong cách lãnh đạo mạnh tay của ông Tập được xem là một sự “tháo cũi” cho những “cơn gió” cấu trúc và thể chế thổi vào PLA trong giai đoạn tiền cải cách, tức là trước khi các cuộc cải cách quân đội mới nhất có hiệu lực.
Bằng việc thay đổi nền tảng hoạch định chính sách an ninh, ông Tập cũng đã thách thức các tiêu chuẩn phức tạp quyết định thành viên Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng từ những năm 1990, phá vỡ các thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong giới ưu tú của Đảng.
Ông đã xác lập quyền lực của mình đối với các Nhóm lãnh đạo trung ương (CLGs) về quốc phòng và cải cách quân đội, ngoại giao, và an ninh Quốc gia… Việc hợp nhất các CLGs về Các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia vào Ủy ban an ninh quốc gia trung ương (CNSC) sau đó là bằng chứng cho thấy nỗ lực của ông Tập nhằm củng cố quyền kiểm soát của mình đối với các thành viên có thế lực trong Đảng – nhà nước – quân đội.
Ảnh: Tân Hoa xã |
Trong ngắn và trung hạn, tầm ảnh hưởng của PLA có thể đóng vai trò quan trọng hơn đối với các vấn đề trong nước khi giới tinh hoa trong quân đội và dân sự đều nhất trí rằng thách thức lớn nhất của đất nước đến từ bên trong.
Quan hệ quân đội – dân sự, và thế giới quan của PLA
Sau cuộc xung đột phe phái trong tầng lớp ưu tú chính trị, dẫn tới vụ Bạc Hy Lai, vai trò của PLA trong giới ưu tú chính trị Trung Quốc một lần nữa được chú ý. Khi sự ra đi của Bạc Hy Lai được coi như đương nhiên nhờ sự ủng hộ của PLA, ông Tập đã củng cố quyền lực của mình đối với quân đội – cũng như các lực lượng an ninh nội địa – thông qua một loạt cuộc thanh lọc và cải tổ. Các quan hệ quân đội – dân sự, theo hướng đảm bảo sự ủng hộ của PLA vì sự nghiệp lớn hơn, cũng đã được nêu rõ trong cách hành xử của Trung Quốc với môi trường bên ngoài.
Nhìn vào bức tranh lớn hơn về đại chiến lược của Bắc Kinh nhằm triển khai và tối ưu hóa mọi nguồn lực sẵn có để thúc đẩy “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập, có thể thấy rằng PLA sẽ tìm cách nỗ lực thực hiện một trật tự quốc tế có lợi cho các mục đích chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Dù PLA vẫn là một nhóm lợi ích mạnh trong việc định hình và thực thi chính sách đối ngoại của Trung Quốc, có thể thấy thế giới quan của PLA sẽ tiếp tục được định hình trước tiên và trên hết bởi các đánh giá về trật tự quốc tế mà các nhà lãnh đạo dân sự của Trung Quốc đưa ra.
Ngày càng chuyên nghiệp hóa
Quá trình hiện đại hóa PLA thành một tổ chức quân sự có 2 cơ sở. Một mặt, đó là kết quả của việc nâng cấp lực lượng chiến đấu và áp dụng khái niệm tác chiến mới: “chiến tranh thông tin hóa” thay cho “chiến tranh bằng con người”. Tương tự, PLA được đẩy lên cực điểm để biến đổi thành một lực lượng chiến tranh chuyên nghiệp giống như hầu hết các lực lượng quân đội hiện đại nhất. Cuối cùng, PLA tìm cách biến mình thành một lực lượng chiến tranh hiện đại, kết nối mạng, có khả năng thể hiện sức mạnh trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nếu thành công, các xu hướng dài hạn trên trong quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc có thể đặt ra những mối đe dọa có thực đối với các quân đội hiện đại đang hoạt động trong khu vực này.
(Còn tiếp)