Những đặc sản Gia Lai nhất định phải một lần thưởng thức
- 08:26 14-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phở khô
Phở khô Gia Lai còn được gọi là “Phở hai tô” vì nó bao gồm 1 tô phở khô và 1 tô nước dùng đi kèm. Ngập trong tô nước lèo là thịt bò tái, xương heo, hoặc bò viên. Nổi trên mặt bây giờ mới là hành ngò xắt nhỏ.
|
Rau ăn kèm với Phở Khô Gia Lai cũng đơn giản chỉ có xà lách, húng quế và giá. Ăn Phở Khô Gia Lai phải đúng quy trình mới cảm nhân hết cái ngon của nó. Bạn gia giảm mặn nhạt bằng tương nâu làm từ đậu nành và đường vàng, xì dầu.
|
Khi ăn, cho tóp mỡ, rau giá, xà lách… lên trên rồi cho tương vào, trộn đều các thành phần lên rồi từ từ thưởng thức. Sợi phở khô khá đặc biệt, dù được làm từ bột gạo nhưng không mềm và dẹp như bánh phở thông thường mà có dáng tròn, mảnh và hơi dai. Nhờ vậy mà khi trộn đều lên, sợi phở rất dễ thấm gia vị nhưng không bị nát.
Muối kiến vàng
Loại muối độc nhất vô nhị – Muối Kiến Vàng, làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) – Tây Nguyên có thể khiến nhiều người lắc đầu nguầy nguậy khi nhìn. Nhưng nếu đã nếm qua hương vị hoang sơ này một lần thôi sẽ hiểu vì sao lên Gia Lai, Tây Nguyên nhất định phải mua muối kiến vàng về làm quà hoặc ăn dần.
|
Muối kiến mang hương vị đặc trưng riêng vô cùng lạ miệng và hấp dẫn. Trưa hè nóng nực, ăn tô canh rau tập tàn có thêm chút muối kiến vàng có vị chua chua khác lạ của kiến, vị mặn của muối và vị cay hít hà của ớt thì còn gì bằng. Ngoài ra muối kiến vàng còn là bạn của cóc xanh, xoài sống, ổi tươi...
|
Muối kiến còn dùng để ăn với cơm nóng, thịt luộc, thịt nướng… và đậm đà nhất là dùng với Bò - Nai 1 nắng. Muối kiến vàng ăn có mùi rất đặc trưng hơi chua chua, nồng nồng, béo béo, ngòn ngọt cay cay của kiến vàng rất bắt mồi với các món nướng. Cả nhà có thể cho thêm gia vị tùy thích (muối, bọt ngọt, chanh….).
Cơm lam gà nướng
Gà nướng mọi ăn với cơm lam được xem như thứ đặc sản đáng tự hào mà người Gia Lai thường giới thiệu với khách phương xa. Gia vị ướp gà là bí quyết để món gà nướng của Gia Lai trở nên quyến rũ. Công thức không được tiết lộ, thế nhưng chỉ cần ngửi mùi khói nướng, người sành ăn đã có thể cảm nhận được hương mật ong, hương tỏi, sả, ngũ vị hương hòa quyện.
|
Cơm lam ở đây được nấu bằng loại gạo nếp nương hạt nhỏ, thuôn dài. Bóc từng miếng tre nứa bên ngoài sẽ thấy phần cơm trắng nõn, dẻo và thơm phức. Cơm lam được nướng trong ống tre, nứa nên mang hương vị của núi rừng.
|
Thưởng thức cơm lam với gà nướng sả ớt thì không gì ngon bằng. Những con gà được thả, thịt dai, chắc được ướp cùng với chút muối cho đậm đà, ớt, sả và một chút mật ong rồi kẹp vào thanh tre nướng trên bếp lửa hồng đến khi thành một màu vàng ruộm, mỡ màng. Vị ngọt của mật ong quyện với vị ngọt của thịt, vị cay của ớt kích thích vị giác, khiến bạn cứ muốn ăn mãi.
Gỏi lá
Không riêng gì Gia Lai, gỏi lá là đặc sản của núi rừng Tây Nguyên nói chung. Lá rừng là tài nguyên vô tận rừng núi đại ngàn nên một món ăn kết hợp đầy đủ các hương vị lá sẽ ấn tượng mạnh với du khách.
Lẩu lá rừng hay gỏi lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau.
|
Trong đó có những thứ lá quen thuộc như lộc vừng, bằng lăng, cúc tần, kinh giới… Mỗi loại có một vị riêng, lộc vừng non có vị chát, tần hơi đắng có tinh dầu, kinh giới thơm, những thứ lá khác có vị chua, ngọt, thậm chí có loại vị hơi mặn.
|
Người ta khẽ cuốn nhẹ những chiếc lá thành hình chiếc phễu. Gắp thêm miếng xoài xanh cắt nhỏ, lát ớt, tép tỏi rồi gắp miếng thịt lợn ba chỉ thái nhỏ, cùng con tép nhỏ. Khi tất cả đã đủ mới dùng chiếc thìa nhỏ múc thứ nước xốt sền sệt vào rồi thêm hạt tiêu tươi. Thứ nước xốt đó được chế biến từ lòng cá, trứng cá xay nhuyễn, rồi chưng lên với gia vị, mắm muối. Đây là thứ quyết định để dẫn tất cả các loại lá rừng kia thành một món ăn “Gỏi lá rừng”.
Bún mắm cua thối
Đây tiếp tục là một món ăn mới nghe tên thì khó chấp nhận nhưng đã mê rồi thì khó mà dứt ở Gia Lai. Với những ai không quen, chỉ cần đi ngang qua quán cũng có thể ngửi thấy mùi thum thủm của cua đồng, ủ một đêm cho lên men. Chính bởi mùi hương lạ này mà món ăn kén người hơn rất nhiều so với các loại bún cua khác ở Việt Nam.
Món ăn là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, da heo chiên giòn, bánh phồng tôm, rau sống…
|
Nhiều thực khách cho rằng, nếu bỏ qua được cảm giác ban đầu, thì thưởng thức bún cua thối lại có vị ngon riêng, khác biệt, cảm nhận vị mằn mặn, cay cay, là lạ. Bỗng dưng món ăn khiến khách cứ thế mà thưởng thức, gắp bún liên hồi để tận hưởng vị nước cua lẫn trong bún thanh mát.
|
Thực khách hút sột soạt tô bún giữa tiết trời se lạnh về chiều của phố núi, tận hưởng món ăn như một đặc sản nổi tiếng của vùng đất cao nguyên này.