Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Rắc rối với nhà thầu, dự án 9.000 tỷ kiến nghị khẩn lên Thủ tướng

Dự án giấy được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nghìn tỷ đang gặp rắc rối với nhà thầu, cho nên chủ đầu tư đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Cổ phần Giấy An Hòa liên quan đến những vướng mắc với nhà thầu thực hiện dự án nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa.

Cụ thể, ngày 6/10/2017, Công ty CP Giấy An Hòa đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: KH-ĐT, Công Thương, Tài chính để phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa.

Tổng vốn đầu tư của 2 dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy cao cấp của Công ty CP Giấy An Hòa là khoảng 9.000 tỷ đồng, trong đó 80% là nguồn vốn vay có sự bảo lãnh của Chính phủ, 20% là vốn của DN.

 Dự án giấy An Hòa dùng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.

Trong đó, dự án nhà máy Bột giấy An Hòa công suất 130.000 tấn/năm. Năm 2006, để triển khai thực hiện dự án, Công ty An Hòa và Tập đoàn Marubeni đã ký Hợp đồng tổng thầu với giá trị lên đến hơn 134 triệu USD. Theo đó, Marubeni sẽ cung cấp cho Công ty An Hòa thiết kế công nghệ, toàn bộ máy móc thiết bị, các dịch vụ hỗ trợ lắp đặt kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho việc vận hành và hoàn thiện dự án.

Theo văn bản của Công ty An Hòa gửi lên Thủ tướng Chính phủ, trong quá trình xây dựng nhà máy đã gặp nhiều vướng mắc với tổng thầu Marubeni, ảnh hưởng đến dự án và hoạt động kinh doanh của An Hòa.

Phản ánh của An Hòa tập trung các vấn đề: chậm trễ hoặc không cung cấp đủ bản vẽ thiết kế công nghệ; thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị máy móc so với hợp đồng, tư vấn môi trường không phù hợp… Điều này gây ảnh hưởng đến đến tiến độ và mục tiêu của dự án.

Hơn thế, theo An Hòa việc này khiến cho quá trình vận hành thử đã xảy ra hỏng hóc, phải sửa chữa, không đạt công suất như mong muốn, gây thiệt hại lớn cho DN. Trong khi hai bên đang trao đổi để tìm hướng xử lý thì ngày 24/1/2014, Marubeni đã tự chấm dứt công việc, rời bỏ công trường buộc phía An Hòa phải tự xoáy xở để có thể vận hành nhà máy nhưng không đạt yêu cầu như ban đầu đề ra. Cho đến nay, giữa An Hòa và Marubeni vẫn chưa ký biên bản nghiệm thu dự án này.

Việc một dự án lớn sử dụng vốn bảo lãnh Chính phủ không đạt được tiến độ, chất lượng như mục tiêu đề ra không chỉ ảnh hưởng DN mà đáng lo hơn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc quản lý nợ công và uy tín trong việc quan hệ tài chính quốc tế của quốc gia.

Khi được hỏi vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho rằng, đây là điều đáng lo ngại, cần được nhìn nhận và cảnh báo. Ngoài ra, các DN cũng cần rút được bài học trong việc hợp tác với nhà thầu nước ngoài để đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả, tránh được các rủi ro đáng tiếc.

Được biết, nhà thầu thi công dự án giấy An Hòa cũng đang là nhà thầu EPC của ít nhất 2 dự án khác là Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1.

Để làm rõ thông tin trên, PV.VietNamNet đã liên hệ với nhà thầu Marubeni để có thông tin đa chiều. Thế nhưng, sau nửa tháng, phía Marubeni vẫn chưa hồi âm.